ClockThứ Tư, 24/07/2019 10:46

“Canh lửa” giữ rừng

TTH.VN - Tiết trời tháng 7 khô hanh, thảm thực bì dày trở thành những “mồi lửa” dễ gây cháy rừng. Ở đó, những giọt mồ hôi thậm chí cả máu của những cán bộ bảo vệ rừng vẫn đổ hàng ngày trên những chòi canh!

Thêm động lực và trách nhiệm giữ rừngĐể rừng khỏi kiệtKhống chế thành công vụ cháy rừng ở Phong An trong đêmCháy rừng ở phường An Tây gây thiệt hại 4,3ha thông cảnh quanDũng cảm cứu rừngRút kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy rừng

Trực chiến liên tục

Trưa nắng như đổ lửa, con đường dẫn lên đỉnh đồi 542 ở xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà) dốc dựng đứng, chúng tôi phải vất vả lắm mới lên được đỉnh đồi. Ấy thế mà, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ sông Hương vẫn ngày ngày vận chuyển từng can đựng nước lên khu vực tập kết. Những can nước được sắp xếp gọn gàng, cạnh bên là các dụng cụ chữa cháy khác để luôn sẵn sàng trong tình huống rừng bị cháy.

Phía trên đỉnh đồi 542, chòi canh của họ luôn có cán bộ cắt cử nhau túc trực 24/24 giờ, quan sát các động tĩnh trong rừng. Dù ở địa thế cao nhưng những cái nắng hanh hao mùa hạ dường như bỏng rát qua mái tranh chòi canh lửa. Anh Lương Văn Nay, cán bộ “trực canh” tại đồi 542 bảo rằng, mùa nắng nóng, đơn vị luôn xác định “cao điểm” là đồi 542 bởi đây có hơn 100 ha rừng nằm giáp với rừng kinh tế của người dân.

“Nắng nóng kéo dài khiến lớp cây bụi hanh khô, chỉ cần một mồi lửa hỏ từ việc đốt thực bì, sấm sét, cháy đạn lân tinh còn sót lại từ sau chiến tranh cũng đủ thiêu rụi cả cánh rừng. Cũng từ địa hình đồi cao, việc chữa cháy rừng tại khu vực này trở nên khó khăn bởi dụng cụ duy nhất của cán bộ bảo vệ rừng là những can nước, máy thổi gió giập lửa và… ý chí”, anh Nay chia sẻ. Nói đoạn, anh Nay trèo lên chòi canh, dùng ống nhòm quan sát động tĩnh từng khu rừng.

Một chuyến tuần tra của đơn vị bảo vệ rừng trên lòng hồ thủy điện

Ngoài “cao điểm” đồi 542, vào mùa nắng nắng, BQL rừng phòng hộ sông Hương cũng bố trí lực lượng ở những “điểm nóng” dễ xảy ra hiện tượng cháy rừng như khu vực đèo Kim Quy giáp với huyện A Lưới (bố trí chòi canh dọc Quốc lộ 49) và khu vực nằm trong 2 lòng hồ thủy điện. Mỗi nơi đều được những cán bộ bảo vệ rừng ở đây lên phương án phòng, chống cháy riêng.

“Khu vực lòng hồ có lợi thế là luôn sẵn nước để dập lửa nhưng lại khó khăn về địa hình cách trở. Do vậy, quan sát mọi động tĩnh của rừng là yếu tố đầu tiên để bố trí lực lượng khống chế nhanh đám cháy, không để lây lan. Hàng ngày, đơn vị còn bố trí lực lượng đi tuần tra, nắm tình hình và có quy chế phối hợp rõ ràng giữa các địa phương nằm trong diện tích rừng đơn vị quản lý”, anh Văn Tiến Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng- BQL rừng phòng hộ sông Hương khẳng định.

Chòi “canh lửa” giữ rừng của BQL rừng phòng hộ Hương Thủy tại khu vực đỉnh đồi 180, nơi án ngự vùng trung tâm phía Nam của tỉnh, những ngày này cũng luôn bố trí lực lượng trực chiến. Trên chòi canh cao 16m với hệ thống ống nhòm, những cán bộ ở đây luôn túc trực quan sát liên tục các điểm rừng.

Ngồi trò chuyện, anh Nguyễn Ngọc Phú, cán bộ bảo vệ rừng cho biết, lâm dân mình có một thói quen là hôm nay xem thời tiết, thấy dự báo mai có trời mưa là “y như rằng” ngày mai đốt thực bì. Do đó, việc canh lửa cho từng khu vực đều phải có từng phương án riêng, trong đó chú trọng việc kiểm soát đốt thực bì rừng kinh tế. Bởi, khi xảy ra sự cố, đơn vị nhiều lúc phải tập trung lực lượng để chữa cháy rừng của dân trước, chia cách ngọn lửa mới tính đến phương án bảo vệ rừng do đơn vị quản lý sau.

Xây dựng kế hoạch, giải pháp cho từng khu vực cụ thể

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ sông Hương cho hay, đơn vị quản lý 8.000 ha rừng ở các xã Bình Điền, Bình Thành và Hồng Tiến, thị xã Hương Trà. Theo ông Tuấn, các khu vực rừng ở đây luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng mùa nắng nóng. Nguyên nhân lửa xuất hiện có thể do con người, cháy nổ từ bom mìn lân tinh còn sót lại hoặc thậm chí sét đánh gây ra lửa.

“Hiện nay, đơn vị đã đề ra các kế hoạch, giải pháp chữa cháy cho từng khu vực rừng cụ thể. Chúng tôi đã xây dựng hàng chục kilomet đường ranh cản lửa, tận dụng các lối mòn dân sinh để đưa ra giải pháp khi xảy ra cháy. Điều lo lắng nhất là việc người dân đốt thực bì sau khi khai thác rừng, nếu sơ ý thì đám cháy sẽ lan rộng và khó cản. Do đó, cán bộ bảo vệ rừng từng địa bàn phải nắm rõ, nơi nào rừng trồng của người dân đang khai thác, nơi nào chuẩn bị có đốt thực bị nhằm chủ động phương án”, ông Tuấn cho hay.

Dùng máy thổi dập lửa rừng thông

Vụ cháy vào ngày 28/6 vừa qua khiến 30ha rừng thông trồng từ những năm 1970 ở xã Phú Sơn và thị trấn Phú Bài (thị xã Hương Thủy) bị thiêu rụi. Ông Hoàng Phước Toàn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hương Thủy cho biết, vụ cháy rừng này bộc lộ một số hạn chế trong công tác chữa cháy. Đó là dù đường ranh cản lửa rộng 12m nhưng vẫn chưa thể đảm bảo cản lửa khi cháy lớn xảy ra, phải cần đầu tư mở rộng thêm; thiếu trang thiết bị cơ động vào tới hiện trường để chữa cháy...

“Chúng tôi quản lý gần 21.000 ha rừng, trong đó có 3.800 ha rừng thông dễ cháy cần có kinh phí phát thực bì. Chính quyền cần tuyên truyền cho người dân về việc đốt thực bì, chừa đường lâm sinh khi trồng rừng”, ông Toàn cho biết.

Theo ông Toàn, nguyên nhân xảy ra cháy rừng ở địa bàn này là do người dân dùng lửa đốt lấy ong, đặc biệt xuất phát từ đạn lân tinh còn sót lại sau chiến tranh. “Chúng tôi sợ nhất là sau những đợt mưa lớn, nước chảy mạnh bào mòn lớp đất làm lộ ra đạn lân tinh, khi gặp nắng gắt chúng cũng phát ra lửa. Khu vực chúng tôi còn sót rất nhiều loại đạn này nên nguy cơ cháy rừng rất cao, gây mất an toàn khi thực hiện chữa cháy. Loại đạn này khi phát lửa thì khá âm ỉ, nếu chủ quan thì ngọn lửa có thể bùng phát sau vài ngày. Vì vậy, khi phát hiện là chúng tôi xử lý ngay”, ông Toàn nói thêm.

Ngoài các giải pháp phòng, chống cháy rừng của cơ quan chức năng, theo các đơn vị chủ rừng, vấn đề “cốt lõi” vẫn là ý thức của người dân và chế tài xử lý vi phạm. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, người dân cần có tính cộng đồng cao hơn trong việc phòng chống cháy rừng; trồng rừng phải tuân thủ quy hoạch và giữ đường ranh cản lửa. 

Hiện, các khu rừng trên địa bàn tỉnh ngành kiểm lâm đã đưa ra mức dự báo cháy rừng là cấp 5, rất nguy hiểm. UBND tỉnh đã có chỉ thị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chữa cháy rừng. Theo đó, yêu cầu các địa phương rà soát các phương án phòng cháy chữa cháy; trong trường hợp cháy xảy ra phải có phương án bảo vệ đường dây truyền tải điện quốc gia. Nghiêm cấm các trường hợp đốt thực bì, đốt ong và các hành vi dùng lửa trái quy định có khả năng gây cháy rừng.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ cháy khiến cho gần 120 ha rừng bị thiêu rụi. Nguyên nhân, theo Ban Chỉ đạo này là do việc đốt thực bì thiếu kiểm soát với 17 vụ, 2 vụ sơ ý dùng lửa và đạn lân tinh phát nổ trong điều kiện nắng nóng; 4 vụ do thắp hương, vàng mã gây cháy lớn.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top