ClockThứ Bảy, 02/03/2019 07:15

Thêm động lực và trách nhiệm giữ rừng

TTH - Thêm nhiều đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là kết quả xứng đáng cho công sức của những người gắn bó với rừng. Điều này cũng đồng nghĩa công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng càng được chú trọng đầu tư.

Giữ rừng còn lắm gian nanCần những cơ chế “hậu giao rừng” cho cộng đồng

Phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng

Thêm cơ hội giữ rừng

Sau 5 năm (từ năm 2014) thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, đến nay tổng diện tích rừng được chi trả hơn 153.000 ha rừng/283.000 ha rừng của tỉnh (chiếm 54%), với số tiền chi trả khoảng 145 tỷ đồng; riêng năm 2018 chi trả gần 49 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (gọi tắt Quỹ tỉnh) đã thực hiện nhiều giải pháp để huy động nguồn thu và giải ngân tiền chi trả DVMTR, góp phần đáng kể vào kết quả bảo vệ và phát triển rừng chung của tỉnh.

Năm 2017, toàn tỉnh có hơn 127.773 ha rừng thuộc 492 chủ rừng được chi trả phí cung ứng DVMTR. Năm 2018, diện tích rừng cung ứng tăng lên hơn 153.000 ha thuộc 575 chủ rừng (gồm 9 chủ rừng là tổ chức Nhà nước, 4 hạt kiểm lâm phối hợp quản lý phần diện tích chi trả DVMTR của UBND các xã được nhà nước giao quản lý và 562 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình).

Về phía đơn vị sử dụng DVMTR có 7 đơn vị, gồm: Công ty CP Đầu tư HĐ (Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hương Điền), Công ty CP Thủy điện Bình Điền (NMTĐ Bình Điền), Công ty CP Thủy điện miền Trung (NMTĐ A Lưới), Công ty CP Thủy điện Thượng Lộ (NMTĐ Thượng Lộ), Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (NMTĐ A Roàng), Công ty CP Thủy điện Bitexco - Tả Trạch (NMTĐ Tả Trạch) và Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế.

Diện tích rừng nằm ngoài lưu vực chưa được chi trả DVMTR vẫn còn khá lớn. Song, hiện có 4 NMTĐ (ở Phong Điền và A Lưới) đang xây dựng và bước đầu đã được Quỹ tỉnh ký hợp đồng ủy thác, nên sắp tới sẽ được tiến hành thu và chi trả cho bên cung ứng, góp phần mở rộng thêm nhiều đối tượng chủ rừng được chi trả tiền DVMTR.

Việc chi trả tiền DVMTR đã được Quỹ tỉnh chuyển qua tài khoản ngân hàng cho các chủ rừng, với hơn 96% tổng kinh phí DVMTR được thực hiện chuyển khoản, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng tính công khai, minh bạch, an toàn trong công tác chi trả.

Để chi trả cho các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình có kinh phí quá nhỏ (hiện còn khoảng 4%), ở xa trung tâm huyện, khó khăn trong tiếp cận dịch vụ của ngân hàng, Quỹ tỉnh đang phối hợp với Tập đoàn Viettel triển khai chi trả tiền DVMTR qua dịch vụ ViettelPay với các bước thực hiện đơn giản, an toàn.

Gắn trách nhiệm

Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình xã Hương Phong (A Lưới) đã ý thức hơn và rất tích cực trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Là xã dẫn đầu trong tổng số 38 xã/phường/thị trấn thuộc 5 huyện/thị xã: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà được chi trả DVMTR, với số tiền 1,3 tỷ đồng được chi trả từ diện tích rừng cung ứng hơn 2.900 ha trong năm 2018, các nhóm hộ, hộ gia đình ở xã Hương Phong đã dùng vào việc đầu tư trang thiết bị chăm sóc, quản lý rừng, trả nhân công tuần tra bảo vệ rừng, lập quỹ cho vay vốn phát triển sinh kế...

Một số xã miền núi của huyện Phong Điền thông qua số tiền được chi trả DVMTR tăng lên hằng năm đã tạo động lực cho các ban quản lý rừng cộng đồng như Tân Mỹ, Hạ Long, Khe Trăn (Phong Mỹ), Vinh Phú (Phong Xuân), Sơn Quả, Cổ Bi (Phong Sơn)... tập trung quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng.

Các nhóm hộ, hộ gia đình đã kéo dài chu kỳ khai thác rừng lên thêm nhiều năm so với trước theo phương thức canh tác rừng trồng gỗ lớn. Nhờ đó, chất lượng rừng được nâng lên, cháy rừng giảm, đáp ứng nhu cầu cung ứng DVMTR và đem lại nguồn thu ngày càng cao cho người trồng, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Muốc, Trưởng Ban quản lý Rừng cộng đồng bản Khe Trăn (xã Phong Mỹ) cho biết, khoản tiền DVMTR được chi trả hằng năm thực sự là nguồn lực quan trọng, giúp ban quản lý chủ động nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng được giao, phục vụ chi tiêu hợp lý vào việc tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, tái sinh rừng...

Trong bối cảnh nguồn ngân sách bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng còn khó khăn, hạn hẹp, nguồn kinh phí chi trả DVMTR cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng còn có ý nghĩa quan trọng hơn, giúp cho các chủ rừng tổ chức tăng cường thêm lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Đã có 6 đơn vị thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã phối hợp với các hạt kiểm lâm sở tại cũng đã tăng cường giao khoán cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng cung ứng DVMTR. Đã có 5 cộng đồng, 35 nhóm hộ và 148 hộ gia đình, cá nhân là người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số được ký hợp đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Đến nay, trong tổng số 562 chủ rừng, đã có 4.741 là hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để giải quyết nguy cơ cháy rừng gia tăng

Kể từ ngày 7/1, khi các vụ cháy rừng nghiêm trọng hoành hành khắp khu vực Los Angeles (Mỹ), hơn 100.000 người đã phải tuân theo lệnh sơ tán bắt buộc. Ước tính ban đầu cho thấy, tổn thất được hưởng bảo hiểm có thể lên tới 20 tỷ USD và tổng thiệt hại kinh tế có khả năng sẽ chạm mốc 57 tỷ USD.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để giải quyết nguy cơ cháy rừng gia tăng
Trách nhiệm và cống hiến

“Nhiều thanh niên đã tự nguyện viết đơn tình nguyện nhập ngũ để sẵn sàng bảo vệ quê hương, đất nước. Đây không chỉ là truyền thống quê hương, mà còn là sự lan tỏa từ mô hình “Dòng họ không có người vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự” (NVQS) trên địa bàn huyện”, Trung tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền khẳng định.

Trách nhiệm và cống hiến
Động lực mới cho di sản Huế

Thành phố Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đang từng bước biến những giá trị văn hóa lịch sử thành động lực kinh tế, tạo nên một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản.

Động lực mới cho di sản Huế

TIN MỚI

Return to top