ClockThứ Bảy, 13/07/2019 13:05

Dũng cảm cứu rừng

TTH - “Rừng cháy, tôi đau lòng lắm. Bằng mọi biện pháp, khả năng có thể để cứu lấy rừng”, anh Hà Văn Thạch, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm TX. Hương Trà trải lòng.

Một cán bộ kiểm lâm bị thương khi tham gia chữa cháy

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh thăm, động viên anh Thạch khi đang điều trị tại bệnh viện

Nặng lòng

Hơn 10 ngày đã qua kể từ khi bị tai nạn trong lúc hết mình cứu rừng bị cháy tại phường Hương Hồ (TX. Hương Trà), đến nay vết thương bị bỏng nặng ở vùng mặt, bàn tay của anh Hà Văn Thạch vẫn chưa lành hẳn.

Theo anh Thạch, đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp, chưa đến mức quá nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng; tuy nhiên cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với anh và các lực lượng trong quá trình tham gia phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) thời gian đến.

Anh Thạch kể: Khi nhận tin báo từ người dân có vụ cháy xảy ra ở khu rừng thông tại phường Hương Hồ, lực lượng kiểm lâm của TX. Hương Trà nhanh chóng thông báo đến với các cơ quan, ban ngành chức năng, đồng thời tiếp cận hiện trường vụ cháy, nắm bắt tình hình để có biện pháp ứng phó, dập lửa. Lúc này, đội kiểm lâm gồm 5 người, trong đó có anh Thạch cố gắng bằng mọi cách tiếp cận đám cháy một cách gần nhất để dập lửa.

Trong lúc đang tính phương án triển khai lực lượng, làm đường ranh cản lửa thì gió thổi rất mạnh, ngọn lửa bùng phát và lây lan rất nhanh. Chỉ trong vòng 5-10 phút, đám cháy gần như bao quanh vị trí các cán bộ kiểm lâm đang đứng.

Anh Thạch cố gắng trụ lại, tìm mọi biện pháp ngăn chặn đám cháy trong khả năng có thể. Khi lửa “bao vây”, không còn đường lùi, anh Thạch chỉ còn cách xông vào đám cháy, băng qua những khu vực rừng đã cháy không còn lửa để thoát ra ngoài. Quá trình thoát ra đám cháy, anh Thạch bị thương do lửa gây bỏng. 

“Thấy rừng cháy tôi đau lòng lắm nên quyết tâm trụ lại. Có người hỏi tôi, nếu như sắp đến tiếp tục xảy ra cháy liệu anh có dũng cảm làm điều tương tự? Tôi trả lời: Hơn 30 năm kinh qua nhiệm vụ PCCCR với tôi không có điều gì là không thể. Tôi luôn sẵn sàng, chấp nhận đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng”, anh Thạch khẳng khái.

An toàn là vấn đề đặt ra

Hơn 30 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng, anh Thạch từng nếm trải bao gian khó. Có những đợt tuần tra, kiểm soát kéo dài cả tuần đến chục ngày, thiếu hụt lương thực phải ăn củ quả rừng, uống nước suối là chuyện thường. Và chuyện băng đèo, vượt thác, gặp thú dữ cũng từng trải qua.  Nhưng cháy rừng là nỗi ám ảnh đối với anh Thạch cũng như lực lượng kiểm lâm trong quá trình làm nhiệm vụ. 

“Có nhiều vụ cháy rừng, tôi cũng như anh em kiểm lâm phải làm việc cật lực, bỏ cả ăn để chữa cháy vì quá trình dập lửa phải liên tục, nhanh gọn, chỉ một chút mất tập trung thì đám cháy sẽ lây lan rất nhanh, trở thành cháy lớn khó kiểm soát. Một số người khi tham gia dập lửa đã bị ngất xỉu vì đói, phần bị ngột do khói phải đưa đi cấp cứu”, anh Thạch hồi nhớ.

Điều anh Thạch trăn trở là trang thiết bị phục vụ PCCCR lâu nay dành cho lực lượng kiểm lâm còn thô sơ. Khi xảy ra các vụ cháy lớn, lực lượng kiểm lâm thiếu chủ động các thiết bị chữa cháy, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào máy phun nước của công an, quân đội. Trong khi, việc dập đám cháy phải thực hiện kịp thời ngay khi mới phát hiện, nếu để cháy lớn thì việc chữa cháy rất khó khăn, nguy hiểm. 

Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Trà đánh giá, kiểm lâm viên Hà Văn Thạch là cán bộ nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong vụ cháy rừng ở phường Hương Hồ vừa qua, anh Thạch đã có nhiều đóng góp tích cực, dũng cảm trong công tác chữa cháy; là một trong những cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen xuất sắc trong đợt chữa cháy rừng vừa qua.

Cũng theo anh Thạch, lo ngại nhất hiện nay là những cánh rừng thông rất dễ cháy và khó chữa hơn so với rừng keo. Khi xảy ra cháy rừng thông thường cháy “ba tầng”: tầng một cháy lớp thực bì, tầng giữa cháy mủ cạo của người dân và sau đó lây lan phần thân cây. Chữa cháy cho rừng thông cũng rất khó, vì lớp thực bì quá dày, gặp gió thổi mạnh lửa sẽ bùng cháy, khi đó việc “cắt” đám cháy (dập lửa), làm đường ranh cản lửa cũng không kịp.

Với những khu vực bằng phẳng lửa có thể cháy chậm, còn những khu vực đồi dốc khi xảy ra cháy thì lửa lây lan rất nhanh, khó dập tắt, gây nguy hiểm cho lực lượng PCCCR.  Quá trình dập lửa thường sử dụng máy thổi gió,  sử dụng bàn dập bằng tay và phải thay phiên nhau liên tục bởi một người chỉ có thể dập vài phút là phải dạt ra vì ở vùng lửa cháy, khói làm cho người chóng mệt, yếu, dễ ngạt thở. Lo nhất trong lúc chữa cháy là gặp bom đạn gây nguy hiểm đến tính mạng, dù xác suất rủi ro thấp.

Kinh nghiệm của anh Thạch cũng như lực lượng kiểm lâm, khi lửa rừng bùng phát gặp gió thổi mạnh thì tốc độ cháy, lây lan cực nhanh, khó tránh kịp. Quá trình chữa cháy khi gặp lửa bùng phát, lây lan nhanh, “bao vây” lực lượng, chỉ còn “con đường duy nhất” là xông vào khu vực đã cháy (thường khu vực đã cháy sẽ không còn lửa) mới tránh được lửa và thoát ra ngoài an toàn.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ - C. PHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm

TIN MỚI

Return to top