ClockThứ Sáu, 08/09/2023 09:14

Kiểm soát doanh nghiệp vay vốn nước ngoài

TTH - Để kiểm soát vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp (DN) không được Chính phủ bảo lãnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai rất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo DN tuân thủ các quy định vay vốn nước ngoài.

Đa dạng kênh tiếp cận tín dụngĐảm bảo chế độ báo cáo khi vay vốn nước ngoàiDoanh nghiệp vay vốn nước ngoài: Cần chấp hành nghiêm quy định

Doanh nghiệp vay vốn thực hiện dự án đầu tư phải đảm bảo điều kiện dư nợ gốc (ảnh minh họa) 

Đảm bảo chế độ báo cáo

Số liệu thống kê từ NHNN Thừa Thiên Huế, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh, số DN có phát sinh dư nợ vay vốn nước ngoài đã được NHNN tỉnh xác nhận đăng ký khoản vay là 26 DN, với đủ ngành nghề đầu tư. NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã giải quyết 15 hồ sơ đăng ký xác nhận khoản vay nước ngoài; 21 hồ sơ đăng ký xác nhận thay đổi khoản vay nước ngoài; 13 hồ sơ đăng ký tài khoản truy cập trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài.

Trước thực tế ngày càng nhiều tổ chức tín dụng và DN gia tăng vay vốn nước ngoài nhằm tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế, NHNN đã có những cơ chế và quy định nhằm đảm bảo nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả, cũng như đảm bảo việc thanh toán, chuyển tiền để trả nợ vay an toàn, đúng mục đích. Về phía NHNN tỉnh cũng đã có nhiều văn bản, chia sẻ tại các hội thảo yêu cầu các DN khi vay vốn nước ngoài phải tuân thủ quy định chế độ báo cáo; bắt buộc các DN có phát sinh hoạt động vay, trả nợ nước ngoài phải mở tài khoản truy cập trên trang điện tử để thực hiện nghĩa vụ báo cáo.

Với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có dư nợ vay ngắn hạn bằng tiền hoặc bằng hàng hóa, nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ báo cáo hàng tháng, cần liên hệ và đăng ký tài khoản truy cập với NHNN tỉnh. Các doanh nghiệp FDI đang có dư nợ vay trung, dài hạn theo hình thức trả chậm cũng cần phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo hàng tháng với NHNN tỉnh. Với DN đang có dư nợ vay trung, dài hạn thực hiện báo cáo theo tháng, làm cơ sở cho các giao dịch rút vốn tiếp theo, trả nợ gốc và lãi với ngân hàng thương mại.

Doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay nước ngoài (ảnh minh họa) 

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài

Để kiểm soát vay vốn nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh nhằm duy trì ngưỡng nợ an toàn, mới đây, NHNN cũng ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN (Thông tư 08) quy định về điều kiện vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh thay thế Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 quy định điều kiện vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh và sửa đổi Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của DN.

Theo đại diện NHNN tỉnh, so với các quy định trước, Thông tư 08 đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi thực hiện vay nước ngoài như: không yêu cầu so sánh chi phí vay khi cơ cấu nợ nước ngoài; không yêu cầu các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm phải tuân thủ điều kiện vay; bổ sung quy định rõ về phương án sử dụng vốn vay, phương án cơ cấu khoản vay; tỷ giá tính toán giới hạn vay… Đồng thời, không thay đổi phương thức quản lý đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn và trung, dài hạn, không làm phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào so với Thông tư 12.

Nội dung quan trọng được NHNN tập trung quản lý chính là các điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Theo đó, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh sẽ bao gồm: người cư trú là DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).

NHNN tỉnh lưu ý với các DN có nhu cầu vay vốn nước ngoài, thông tư này giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài trong một số trường hợp. Cụ thể, với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được vay ngắn hạn nước ngoài trong trường hợp đáp ứng giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài (tỷ lệ tối đa tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có riêng lẻ) tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay. Cụ thể, ngân hàng thương mại phải đáp ứng 30% và 150% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác.

Với bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có mục đích vay vốn thực hiện dự án đầu tư thì số dư nợ gốc của các khoản vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay tối đa không vượt quá giới hạn vay vốn của dự án đầu tư. Trường hợp vay nước ngoài để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác thì số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay phục vụ cho mục đích này không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp vay nước ngoài để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay thì số tiền vay nước ngoài phục vụ mục đích cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài tối đa không vượt quá tổng giá trị dư nợ gốc, số tiền lãi, phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và phí của khoản vay mới được xác định tại thời điểm cơ cấu. Với các khoản vay nước ngoài mới là khoản vay trung, dài hạn, trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày rút vốn khoản vay mới, bên đi vay phải thực hiện việc trả nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu để sau thời gian 5 ngày làm việc nêu trên, bên đi vay đảm bảo các giới hạn vay vốn.

Những điều khoản quy định các điều kiện vay chặt chẽ này sẽ giúp NHNN quản lý vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh một cách an toàn và hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp
Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

Những ngày này, các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024, vừa tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động chuẩn bị hậu cần phục vụ người trực Tết; tổ chức trao quà Tết tặng cán bộ, công nhân viên; trợ cấp cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cho người lao động ở xa về nhà đón Tết.

Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

TIN MỚI

Return to top