ClockThứ Năm, 12/03/2020 14:00

15 năm chuyến tàu định mệnh

TTH.VN - “Đó là một ngày kinh hoàng mà dân làng chúng tôi không bao giờ quên. Thời gian trôi nhanh như một cơn gió, vậy mà tất cả như vừa hôm qua”. Những người dân vùng Hói Dừa, Hói Mít bên đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) trầm ngâm khi nhắc về vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc xảy ra vào ngày 12/3/2005.

Va tàu hỏa, một phụ nữ bị thương nặngĐang xác minh danh tính người đàn ông bị tàu hỏa tông tử vongVa chạm tàu hoả, một cụ ông bị thương nặngSiết an toàn giao thông đường sắt

Ngay sau ngày xảy ra vụ tai nạn, hai ngôi miếu thờ được dựng lên để tưởng nhớ những người bỏ mạng lại trên chuyến tàu xưa cũng như bài học nhắc nhở những lai tàu “nhanh một phút, chậm cả đời”

Đúng 15 năm sau ngày xảy ra vụ tai nạn ấy, cũng giữa cái nắng mát của tháng 3, chúng tôi trở lại nơi này. Mọi thứ đã thay đổi, nhưng ký ức về “chuyến tàu định mệnh” vẫn luôn ám ảnh với dân làng mỗi khi có ai nhắc tới.

Cuộc chiến sinh tử

Lần theo con đường thảm nhựa thơ mộng ôm vòng đầm Lập An, những người dân Hói Dừa, Hói Mít nghĩa hiệp ngày xưa, giờ đây có người bước qua cái tuổi 80, dẫn chúng tôi trở lại khúc cua Đá Bàn (km752 +050). Như cái tên, khúc cua đường sắt đi qua đây, một bên nép mình bên vách đá lớn, bên còn lại những tảng đá nhấp nhô trải xuống hướng đầm.

Đúng nơi này, một buổi trưa 15 năm trước, chuyến tàu E1 chạy hướng Bắc – Nam đã gặp nạn. Các toa tàu bị đứt mối nối, khiến đoàn tàu văng ra khỏi đường sắt. Chăn màn, ghế nệm, kính, kim loại, giày dép, áo quần bê bết máu... tạo thành một đống ngổn ngang, nhàu nát trên khắp vách đá, đường ray.

“Lúc đó buổi trưa. Trời nắng gắt lắm, tôi đang làm thuê cho một chủ hồ tôm trong vùng cách đó nửa cây số thì nghe một tiếng ầm rất lớn, chẳng khác gì tiếng bom nổ. Tôi và nhiều người chạy tới xem thì thấy toa tàu vắt trên bờ đá, toa nằm nghiêng ngả dưới nước. Một số người và hành lý văng ra khỏi tàu. Tiếng khóc thét, hỗn loạn, ám ảnh”, ông Ngô Cứ, người dân Hói Mít nay đã 86 tuổi hồi tưởng khi trở lại nơi mình cùng dân làng từng tham gia cứu nạn. Khi đó, một số dân làng lao vào sơ cứu, một vài người khác chạy thục mạng vào làng để huy động bà con đưa ghe ra hỗ trợ và báo chính quyền.

Hiện trường vụ tai nạn 15 năm về trước. Ảnh: Minh Tự

Cứ thế, hết người này, đến người khác, những nạn nhân được đưa ra khỏi các tòa tàu và chuyển xuống ghe để chở qua Lăng Cô rồi mới có xe cấp cứu chở lên các bệnh viện ở Huế hoặc vào Đà Nẵng tiếp tục chạy chữa. “Ngày đó dân Hói Dừa, Hói Mít sống cách biệt với bên ngoài. Một bên núi, một bên đầm, làm chi có đường sá. Muốn đi qua Lăng Cô phải đi đò, ngày 2 chuyến, còn không phải đi bộ men theo đường sắt, ông Cứ nhớ lại và kể tiếp.

Vì thế, khi đó việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Dân làng hôm đó huy động tất cả bà con ai có ghe trực chỉ về chỗ tàu lật để hỗ trợ. Nhờ những chiếc ghe ấy, mà có rất nhiều người được cứu sống.

Là dân vùng sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt trên đầm phá, đi biển, vì thế, tính cách con người nơi đây chất phát, phóng khoáng, sức khỏe dẻo dai. Nhờ vậy, họ không ngần ngại lao vào cứu người liên tục 3-4 giờ liền. Hình ảnh khiến ông Cứ và người dân cứu nạn hôm đó không bao giờ quên là, sau một hồi cứu nạn, bỗng nghe tiếng kêu cứu của một người nói giọng miền Bắc mắc kẹt phía sau toa tàu. Khi người dân tìm thấy, thì cánh tay của người phụ nữ ấy đứt lìa, một tay còn lại ôm hành lý thật chặt.

“Sau một hồi vật lộn, chúng tôi đưa được bà ra khỏi toa tàu. Nhưng cực cái là trên cánh tay đứt lìa ấy, có hai chiếc nhẫn vàng. Vậy là tụi tui cũng phải đem theo luôn, rồi sau bàn giao cho công an, để trả lại cho bà”, ông Cứ bồi hồi. Sau hơn tháng nằm điều trị ở Đà Nẵng, trước khi về miền Bắc bà đã quay lại để cảm ơn những ân nhân cứu mình trên chuyến tàu định mệnh ấy.

Cuộc sống đổi thay

Những người dân nơi vùng bán sơn thủy này vẫn không khỏi hối tiếc, bởi nếu như ngày ấy có đường sá ngon lành, giao thông không bị cách trở, thì số người thương vong sẽ giảm đáng kể.

Giờ đây, ngay khúc cua định mệnh ấy, hai ngôi miếu thờ được dựng lên để tưởng nhớ những người bỏ mạng lại trên chuyến tàu xưa cũng như bài học nhắc nhở những lái tàu “nhanh một phút, chậm cả đời”.

Đứng ở nơi từng xảy ra tai nạn, những người dân nghĩa hiệp ngày nào với ánh nhìn xa xăm, lặng lẽ. Mỗi khi có chuyến tàu chạy ngang qua, họ bất giác giật mình. Chỉ tay lên từng tảng đá, họ kể: “Chỗ này chính là nơi chiếc tàu lật. Chỗ kia người nằm la liệt. Còn đây, là chỗ tụi tui gom hành lý. Và giáp đầm, lúc đó ghe đò chúng tôi dồn dập chạy đua với thời gian…”.

Người dân ở đây nghèo, sống nương tựa vào cành cây ngọn cỏ của rừng núi, và con tôm con cá bên bờ đầm phá. Ấy vậy mà ngày lật tàu, họ bảo ban nhau bằng mọi giá cứu người, nhưng cũng không quên bảo vệ và đảm bảo hành lý cho tất cả hành khách gặp nạn, tuyệt đối không được tham lấy một thứ gì.

“Sau này, lãnh đạo các cấp về thăm dân làng và cảm kích. Chúng tôi nói rằng, dân nghèo nhưng sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa, nên khi hoạn nạn thì chẳng nề hà giúp nhau, ông Nguyễn Phá, 74 tuổi, người trực tiếp cứu nạn kể tiếp. Khi đó, các chú lãnh đạo hỏi dân đây giờ muốn gì? Dân làng trình bày, bao năm sống cách trở, muốn có con đường, muốn có đường dây điện, muốn có trường học… để cuộc sống bớt cực, thông thương với bên ngoài”.

15 năm sau ngày vụ lật tàu E1 kinh hoàng, giờ đây đi qua khu vực này là con đường thảm nhựa ôm trọn đầm Lập An thơ mộng, cuộc sống người dân khấm khá hơn

Ông Nguyễn Xuân Lý, thời điểm đó đang đương chức Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng, đó là vụ tai nạn kinh hoàng, và khó quên trong giai đoạn công tác của mình. Ông kể, do cách trở địa hình nên việc tiếp cận hiện trường để cứu người gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong tình cảnh như thế, chính người dân vùng Hói Dừa, Hói Mít đã rất dũng cảm, xả thân cứu người khiến ai cũng xúc động.

Tai nạn qua đi, người dân đã “xin” tuyến đường và lãnh đạo tỉnh khi đó đã bàn họp. Tình hình quá khó khăn nhưng như lời ông Lý không còn cách nào khác, bằng mọi giá phải mở tuyến đường quanh đầm Lập An, phần vừa để giải quyết những bất trắc tương tự nếu không may xảy ra, quan trọng hơn là góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho người dân ở đây.

Nhưng bài toán ngân sách khi đó có hạn. Mở đường vô cùng cần thiết, nhưng tiền đâu? “Thời điểm đó, dự án hầm Hải Vân nối Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng cũng đang triển khai. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải và xin vốn dư ra khoảng 100 tỷ đồng của dự án hầm Hải Vân. Sau một thời gian cân nhắc cũng được đồng ý”. Ông Lý nhớ lại và cho biết, ngay sau đó việc khảo sát, mở được tuyến đường dài gần 10km này cũng vô cùng gian nan nhưng cuối cùng cũng thông tuyến trong niềm vui vô bờ bến của bà con và chính quyền.

Có đường, có điện, trường được xây mới, cuộc sống của người dân đổi thay nhiều hơn. Bây giờ, cung đường thơ mộng ôm trọn đầm Lập An đi qua từng mái nhà của người dân Hói Dừa, Hói Mít trở thành điểm đến trên bản đồ của du lịch Huế với rất nhiều khu du lịch nổi tiếng.

Vụ tai nạn thảm khốc nhất của ngành đường sắt

Trong lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam, vụ lật tàu E1 được liệt vào một trong những vụ tai nạn thảm khốc nhất. 11 người tử vong, hơn 90 người bị thương nặng, toàn bộ tuyến đường sắt huyết mạch Bắc Nam bị tê liệt trong một thời gian dài. Thiệt hại tính vào thời điểm đó gần 5 tỷ đồng.

Khúc cua qua khu vực Đá Bàn - nơi xảy ra vụ tai nạn ngày xưa

Thủ tướng Phan Văn Khải vào thời điểm đó đã ký Quyết định thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách đối với Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam do liên quan về trách nhiệm. Liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng này, nhiều cán bộ khác của ngành đường sắt cũng bị kỷ luật, cách chức..

Năm 2006, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt lái chính tàu 13 năm tù và lái phụ 7 năm tù về tội “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”. Cả hai kháng cáo, sau đó TAND Tối cao vẫn giữ y án sơ thẩm.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top