ClockThứ Sáu, 03/11/2023 20:05

Định hướng phát triển cho đô thị Thừa Thiên Huế

TTH.VN - Ngày 3/11, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn dẫn đầu có chuyến khảo sát thực địa, làm việc với UBND tỉnh về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch).

Liên kết để phát triểnĐồng hành xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Làm việc với đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc 

Tạo lập những không gian phát triển

Mở đầu buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày tóm tắt những nội dung chính của Quy hoạch. Theo đó, trọng tâm nghiên cứu của Quy hoạch nhằm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; phối hợp đồng bộ với triển khai Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, quy hoạch nhằm điều chỉnh hạ tầng kết nối vùng, hạ tầng đô thị và công trình đầu mối hạ tầng quan trọng; dự báo phát triển dân số, phân bổ dân số, đất phát triển đô thị, tỷ lệ đô thị nông thôn; nghiên cứu mô hình phát triển đô thị di sản, cấu trúc không gian đảm bảo tính bền vững và đặc thù nhưng phải đảm bảo có các đột phá mới về thu hút phát triển…

Đại diện đơn vị tư vấn thông tin, tiền đề và động lực phát triển quy hoạch lần này sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng nhằm phát huy vị thế và vai trò là một trung tâm quốc gia của vùng động lực Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi; tăng chỉ số cạnh tranh đô thị, giảm khoảng cách phát triển; sắp xếp, tổ chức không gian và tái cấu trúc lãnh thổ trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại để nâng cao chất lượng đô thị, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tiếp nhận phát huy cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản lịch sử, văn hoá và thiên nhiên; bồi đắp, phát huy giá trị vai trò và con người Huế làm nền tảng phát triển bền vững.

Quy hoạch cũng xác định mô hình hành chính đô thị theo dạng đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh trực thuộc, vùng nông thôn; tầm nhìn đến 2065 ổn định mô hình hành chính, cực tăng trưởng mới là các đô thị vệ tinh, các khu chức năng trên cơ sở không gian ven biển.

Các chiến lược phát triển của Quy hoạch sẽ đẩy mạnh kết nối giao thông liên kết vùng, nội vùng nhằm tăng cường vị thế đô thị; sắp xếp, tổ chức không gian, nâng cấp đô thị và tái cấu trúc lãnh thổ để tạo dư địa cho phát triển kinh tế - xã hội; hình thành các không gian phát triển mới về phía biển và phía tây TP. Huế, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, đảm bảo khả năng sử dụng đất linh hoạt, dài hạn..

Ngoài ra, Quy hoạch còn định hướng phát triển không gian, giao thông toàn đô thị, đồng thời chỉ rõ các phân vùng đô thị…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn yêu cầu tỉnh cần giữ và phát triển một đô thị di sản 

Phát triển đô thị di sản

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, Thừa Thiên Huế cũng đã từng có các quy hoạch đưa ra định hướng, kịch bản cho đô thị Huế. Và trên nền tảng đó, song song với quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị đã lấy ý kiến các đơn vị tư vấn, chuyên gia để hoàn thiện, ranh giới các đơn vị hành chính có dựa trên những tiêu chí đặc thù.

Ông Nguyễn Văn Phương giải trình một số quan ngại, góp ý của các Bộ, ngành, chuyên gia về vấn đề phát triển khu vực phía đông thành phố; tạo hành lang thoát lũ cho đô thị; các tiêu chuẩn khi áp dụng cơ chế đặc thù…

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đánh giá cao nội dung đồ án quy hoạch. Từ thực tiễn, các thành viên đoàn công tác băn khăn về mô hình đô thị của một số khu vực sau năm 2030, đồng thời, đề nghị tỉnh làm rõ tính kết nối vùng đông – tây, tính kế thừa và ổn định của Quy hoạch, bổ sung vào không gian phát triển các giá trị văn hóa, bản đồ cảnh bảo phòng chống ngập cho đô thị, các quảng trường nhỏ nhằm tận dụng cảnh quan, điểm du lịch, phát triển khu vực cửa khẩu…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn (bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát thực địa tại Dự án Nhà máy xử lý rác Phú Sơn 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, đồ án quy hoạch này đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, quy hoạch phải thể hiện rõ tình hình phát triển của địa phương.

Ông Nguyễn Tường Văn yêu cầu, ngoài các văn bản pháp lý, tỉnh cần ra soát lại một số vấn đề để hoàn thiện quy hoạch để đảm bảo tính khả thi của đề án, sớm trình phê duyệt. “Đây là đồ án quy hoạch khó, không đơn thuần là câu chuyện đô thị hóa mà còn phải bao quát được giá trị về bảo tồn di sản. Do vậy, quy hoạch phải thể hiện việc phát triển đô thị di sản như thế nào”, ông Văn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã tiếp thu những ý kiến của đoàn công tác, từ đó hoàn thiện quy hoạch để sớm trình phê duyệt. “Quy hoạch lần này hướng đến việc đảm bảo tính khớp nối với Quy hoạch tỉnh về cấu trúc, mô hình tổ chức hành chính và cơ bản định vị được trên không gian hướng phát triển đô thị, khung hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để có cơ sở bố trí giai đoạn tiếp theo…”, ông Phương nói thêm.

 Trong chương trình làm việc, đoàn công tác cũng tiến hành khảo sát thực địa tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, Dự án Nhà máy xử lý rác Phú Sơn, Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng, Dự án Nhà máy Kanglongda Huế và một số công trình, dự án quan trọng khác tại TP. Huế, TX. Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền.
LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top