ClockThứ Hai, 08/08/2022 06:44

Nhiễm virus cúm - nguyên nhân và dự phòng

TTH - Nhiễm virus là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gây thành dịch do virus cúm gây ra. Virus cúm gồm 3 týp huyết thanh A, B và C; trong đó týp A chia thành nhiều phân týp dựa vào kháng nguyên H và N, virus cúm A dễ gây biến dị.

Nguyên nhân bệnh cúm

Nguyên nhân của bệnh cúm là do virus cúm (Influenza virus), virus này liên tục biến thể với các chủng mới xuất hiện thường xuyên. Vỏ của virus có bản chất là glycoprotein gồm 2 loại kháng nguyên là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemaglutinin) có 15 loại và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase) có 9 loại. Khi tổ hợp của các kháng nguyên này sắp xếp khác nhau tạo nên các phân týp khác nhau của virus cúm A. Trong quá trình lưu hành, 2 kháng nguyên H và N luôn luôn biến đổi, đặc biệt là kháng nguyên H. Những biến đổi nhỏ liên tục gọi là “trôi” kháng nguyên (antigenic drift) gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Khi những biến đổi nhỏ và dần dần tích tụ lại thành những biến đổi lớn, tạo nên týp kháng nguyên mới, đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm động vật và cúm người. Những phân týp kháng nguyên mới này sẽ gây đại dịch cúm trên toàn cầu.

Thuốc trị cảm cúm. Ảnh: HUYỀN DIỆU

Lâm sàng bệnh cúm

Bệnh cúm là bệnh đặc trưng do sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng toàn thân như đau đầu, sốt, gai rét, đau cơ đi kèm với các biểu hiện đường hô hấp. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất rộng, thay đổi từ nhẹ, không sốt giống cảm cúm thông thường đến hội chứng nặng với biểu hiện của đường hô hấp nặng và suy đa tạng.

Ban đầu, cúm có vẻ giống như cảm lạnh thông thường với sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Nhưng cảm lạnh thường phát triển chậm, trong khi cúm có xu hướng xuất hiện đột ngột. Người dân hay gọi là bệnh cảm cúm, tuy nhiên 2 căn bệnh này khác nhau nhưng do dễ bị nhầm lẫn do các triệu chứng khá giống nhau, thường thì người bệnh tự điều trị theo kinh nghiệm truyền miệng mà ít khi đi đến bệnh viện.

Các triệu chứng điển hình của bệnh cúm bao gồm: sốt trên 38 độ C, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng.

Đường lây truyền bệnh cúm

Virus cúm di chuyển trong không khí trong các giọt nước do người bị bệnh cúm phát ra khi trùng ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Người khác có thể hít trực tiếp các giọt hoặc bạn có thể nhiễm virus do chạm vào các đồ vật dính virus trên bề mặt như điện thoại hoặc bàn phím máy tính, sau đó đưa tay lên dụi mắt, mũi hoặc miệng, từ đó người khỏe mạnh bị nhiễm bệnh cúm.

Chẩn đoán

Chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học rất khó chẩn đoán xác định nhiễm virus cúm đặc biệt nhiễm virus cúm A H5N1. 

Để chẩn đoán xác định nhiễm virus cúm cần dựa vào các xét nghiệm virus học như nuôi cấy virus, phát hiện acid nucleic (PCR, RT-PCR) hay huyết thanh chẩn đoán.

Điều trị

Đối với các thể bệnh cúm thông thường, điều trị chủ yếu là giảm các triệu chứng do bệnh gây ra như sốt, đau đầu, đau mỏi người. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước.Đối với trường hợp nhiễm cúm A H5N1 phần lớn bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp trong 48 giờ đầu nhập viện. Các thuốc kháng virus cũng được sử dụng cho bệnh nhân, tuy nhiên hiệu quả của nó còn bàn cãi và đang được nghiên cứu

Thuốc kháng virus: Đây là thuốc ức chế enzyme tham gia vào quá trình giải phóng virus ra khỏi tế bào vật chủ. Thường sử dụng Oseltamivir (uống) và Zanamivir (hít). Nên sử dụng thuốc sớm ngay sau khi nghi ngờ nhiễm cúm A H5N1 trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Thuốc kháng sinh được sử dụng nhằm điều trị viêm phổi trong giai đoạn chưa khẳng định xét nghiệm và đồng thời chống vi khuẩn bội nhiễm phổi nhất là nhiễm trùng bệnh viện.

Hỗ trợ hô hấp có vai trò quan trọng trong điều trị viêm phổi do cúm A H5N1. Tùy theo mức độ thiếu oxy của bệnh nhân có thể sử dụng thở oxy qua kính mũi, qua Mask hay thông khí nhân tạo không xâm nhập hay xâm nhập. Ngoài ra cần phải hồi sức suy đa tạng, nâng cao thể trạng, bồi phụ nước và điện giải, điều trị triệu chứng khác và dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân

Dự phòng

Biện pháp chủ yếu của sức khỏe cộng đồng để phòng bệnh cúm là sử dụng vắc-xin cúm. Do tính dễ biến dị của virus cúm nên chế tạo virus cúm gặp nhiều khó khăn. Vắc-xin nên được dùng sớm vào mùa thu trước đợt bùng nổ bệnh cúm và phân lập lại hàng năm để duy trì miễn dịch chống lại những giống virus cúm phổ biến nhất.

Ngoài biện pháp sử dụng vắc-xin phòng bệnh cúm, chúng ta có thể sử dụng các biện pháp khác đặc biệt trong nhiễm cúm A H5N1 như cách ly bệnh nhân nghi ngờ và bệnh nhân chẩn đoán nhiễm cúm A H5N1, mang các phương tiện bảo hộ lao động (đi găng, đội mũ, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ,...), rửa tay...

TS.BS. NGUYỄN ĐỨC HOÀNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100%

Từ năm 2025, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100

TIN MỚI

Return to top