ClockThứ Ba, 03/10/2017 13:51

Bệnh nhân Lào chọn Huế

TTH - Tin tưởng ở chất lượng dịch vụ, gần gũi về mặt địa lý và tình cảm, đặc biệt mới đây lại có thêm chính sách hỗ trợ nên ngày càng nhiều bệnh nhân Lào đến Huế khám và điều trị bệnh.

Hơn ba tháng nay, số lượng bệnh nhân Lào đến khám và điều trị tăng đột biến

Xử trí nhanh chóng, tận tâm

Chị Aloun Khounsavanth, một giảng viên đại học ở Lào ở lại chăm mẹ là bà Boundat Sensayalath, 51 tuổi bị ung thư cổ tử cung đang điều trị tại Khoa Ung bướu Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế. Chị nói: "Sau khi hoàn tất đợt 1 điều trị 25 buổi xạ, tôi đưa mẹ về nước nghỉ ngơi hai tuần, nhiều người thân, bạn bè hết sức bất ngờ vì cứ tưởng bà sẽ không qua khỏi. Bà chỉ xuống cân chút ít, nhưng ăn ngủ được, tinh thần phấn chấn vì bác sĩ bảo bệnh đáp ứng rất tốt".

Từ Champasak đến Huế (qua cửa khẩu La Lay) chỉ mất 300 cây số, chưa bằng một nửa đường lên Viêng Chăn, trong khi chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn hẳn. Chị Aloun khoe với hàng xóm rằng, bệnh viện ở Huế người ta giải quyết công việc nhanh lắm, nhiều người chưa tin, lần này chị đưa qua khám bệnh thấy đúng luôn. "Em họ tôi bị giãn dây chằng khớp gối, mới qua buổi sáng thì buổi chiều đã chụp xong cộng hưởng từ, trong khi qua Thái Lan phải mất 3 ngày mà chi phí chụp lại tốn gấp đôi".

Đang điều trị tại Khoa Ung bướu có đến 3 bệnh nhân cùng quê Champasak là bà Phomachank Soukphakhanh bị sarcoma xơ thành ngực và ông Chunlany Xaynhavong ung thư vòm di căn. Mặc dù chưa hết mệt mỏi do phải truyền thuốc hóa trị nhưng nét mặt bệnh nhân tươi hẳn khi thấy bác sĩ đến thăm. Bà Phomachank Soukphakhanh 53 tuổi có nụ cười phúc hậu, nói bà được các bác sĩ hội chẩn mổ rất sớm, có kết quả ung thư là bắt tay vào hóa trị luôn sau khi được giải thích kỹ càng về bệnh tình và tiên lượng. Bà khẳng định: "Tôi hoàn toàn tin tưởng đội ngũ y - bác sĩ ở đây". Ở phòng 408, ông Chunlany Xaynhavong 56 tuổi dù không giấu được vẻ lo lắng do bệnh đã ở giai đoạn di căn nhưng vẫn quyết tâm điều trị đến cùng. "Bác sĩ bảo bệnh này vốn đáp ứng tốt với cả hóa trị lẫn xạ trị nên tôi cũng hy vọng".

Ông Phumilat Lattanavong 62 tuổi (ở Salavan) bị ung thư phổi cũng đang "vô" hóa chất. Ông kể, khi đến Huế ông phải nhập vào Khoa Hồi sức cấp cứu vì khó thở do viêm phổi nặng, có tràn dịch. "Nhờ bác sĩ xử trí 'mạnh' và kịp thời nên bệnh cải thiện tốt. Sau khi khám và làm các xét nghiệm tôi được hội chẩn chuyển lên Khoa Ung bướu điều trị. Mặc dù thỉnh thoảng phải trợ thở oxy nhưng so với ngày vào viện đã đỡ rất nhiều. Bác sĩ thì ngày nào cũng ghé thăm nên tôi và gia đình rất yên tâm".

Theo số liệu của Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế, từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân Lào tăng đột biến với 669 lượt khám ngoại trú và 112 lượt nhập viện điều trị nội trú. Kết quả này không chỉ thể hiện uy tín về chất lượng dịch vụ y tế của Bệnh viện Trung ương Huế mà còn là thành quả của sự gắn kết tình hữu nghị giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với 5 tỉnh Trung Lào nói riêng và hai nước Việt- Lào nói chung.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Quốc tế cho biết: "Hơn ba tháng nay, số lượng bệnh nhân Lào đến khám và điều trị tăng đột biến. Ở khoa chúng tôi đến nay đã có hơn 20 bệnh nhân Lào vào điều trị, cả các khối u lành tính lẫn ung thư. Qua đánh giá khách quan bước đầu, tất cả bệnh nhân đều hài lòng với chất lượng dịch vụ ở đây".

Cú hích từ chuyến công tác tại Lào

Để thu hút một số lượng lớn bệnh nhân Lào đến Huế điều trị, không thể không nhắc đến cú hích từ chuyến công tác tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của đoàn lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế từ ngày 2-7/4/2017 do PGS.TS.  Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện dẫn đầu. Năm tỉnh Trung Lào mà đoàn đến thăm và làm việc là Savannakhet, Champasak, Attapeu, Sekong và Salavan. Nhiều biên bản ghi nhớ quan trọng được ký kết đã nhanh chóng triển khai vào thực tế bao gồm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật (tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, sản phụ khoa...), hội chẩn bệnh từ xa... và đặc biệt sát sườn nhất là những bệnh nhân Lào có giấy giới thiệu từ bệnh viện 5 tỉnh nói trên khi về Bệnh viện Trung ương Huế khám chữa bệnh sẽ được hưởng giá dịch vụ y tế như người Việt Nam.

Bác sĩ Phạm Nguyên Tường chia sẻ: "Ở đâu cũng vậy, bệnh nhân có người giàu có, dư dả nhưng đa phần là nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. Nếu có được bất kỳ sự hỗ trợ nào về chính sách, kinh phí thì sẽ tăng thêm cơ hội điều trị cho bệnh nhân". Qua trao đổi, nhiều bệnh nhân Lào và người nhà của họ cho biết, trước đây muốn khám và điều trị chất lượng cao bệnh nhân thường đi qua Thái Lan do thuận lợi về ngôn ngữ, tuy nhiên chi phí rất đắt đỏ. Ở Huế, bệnh nhân được xử trí nhanh chóng và hiệu quả, từ khâu khám, chẩn đoán cho đến điều trị nên rút ngắn thời gian nằm viện, góp phần làm giảm chi phí.

Bài, ảnh: NGỰ VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​“Xuân kết nối yêu thương” đến với bệnh nhân khó khăn

Chiều 20/1, tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, UBMTTQ Việt Nam thành phố, Hội Doanh nhân nữ thành phố, Chi hội Nữ trí thức BV, Ban nữ công BV, Phòng Công tác xã hội-Chăm sóc khách hàng tổ chức chương trình “Xuân kết nối yêu thương” cho bệnh nhân.

​“Xuân kết nối yêu thương” đến với bệnh nhân khó khăn

TIN MỚI

Return to top