ClockThứ Năm, 11/01/2024 15:45

Văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới là động lực phát triển

TTH.VN - Phong trào xây dựng làng văn hóa ở Thừa Thiên Huế đảm bảo theo 5 tiêu chuẩn: Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch đẹp; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh tại hội nghị gặp mặt gần 700 trưởng làng, trưởng thôn, trưởng bản trên địa bàn tỉnh được tổ chức sáng 11/1 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Chương trình “Tết Huế” năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1-5/2Ra mắt tập sách Truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng phường Gia HộiViệt Nam bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế giới toàn cầu hóaPhong Điền đưa di tích, văn hóa truyền thống gần hơn với đời sốngKhám phá những hoạt động trong ngày Tết cổ truyền của người Việt

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trò chuyện với các  trưởng làng, trưởng thôn, trưởng bản  

Đây là hội nghị do Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (Khóa XVI) về nội dung văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đoàn kết, nêu gương tạo nên sức mạnh văn hóa

Đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho thấy, có nhiều làng xây dựng được các quy ước, hương ước và được nhân dân trong làng thông qua. Việc xây dựng lịch sử làng thông qua địa chí làng cũng đã được nhiều trưởng làng và hội đồng tộc trưởng của các làng quan tâm.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 37 làng biên soạn địa chí của làng mình. Trên cơ sở quy ước, hương ước người dân đã đồng thuận cùng nhau xây dựng làng phát triển kinh tế, hình thành nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thành Nhân cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.101 khu dân cư (làng, thôn, bản, tổ dân phố); trong đó, đã công nhận đạt chuẩn văn hóa 1.070 khu dân cư (đạt tỷ lệ 97,6% so với số đăng ký là 1.096 khu dân cư). Vai trò của các bậc cao niên, trưởng lão, già làng, trưởng bản được phát huy, nêu cao tính gương mẫu cho thế hệ trẻ sống có đạo lý, biết vượt khó vươn lên, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Điều quan trọng là các hủ tục, tập tục lạc hậu, thói hư tật xấu cờ bạc, rượu chè dần được loại bỏ. Việc tổ chức cưới đã giảm bớt các thủ tục rườm rà, tiết kiệm chi phí; tang ma được nhân dân tổ chức theo nếp sống mới; xây dựng gia đình văn hóa trở thành nội dung trọng tâm trong xây dựng làng văn hóa.

Từ phong trào xây dựng làng văn hóa, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những làng tiêu biểu như: Làng “5 không” (không số đề, cờ bạc; không ma tuý mại dâm; không trộm cướp; không bia rượu bê tha và đặc biệt là cưới hỏi, tang ma không tổ chức tiệc tùng linh đình).

“Năm 1999, làng chúng tôi ban hành quy ước xây dựng đời sống văn hóa. Để quy ước đi vào cuộc sống, Hội đồng tộc trưởng làng chúng tôi luôn chú trọng công tác tuyên truyền vận động con dân trong làng, trong họ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng; thực hiện nghiêm túc quy ước văn hóa của làng, nhất là việc cưới, việc tang phải tiết kiệm, không tổ chức kéo dài, đám tang không để quá ba ngày, không rải vàng mã khi đưa tang, tổ chức việc hiếu không nên linh đình, lãng phí. Đến nay, 100% tiệc cưới trong làng không tổ chức quá 1 ngày, 100% đám ma không để trong nhà quá 3 ngày”, ông Bùi Quang Hoàng, Trưởng làng Tây Hồ, xã Phú Hồ (Phú Vang) chia sẻ.

Nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân vùng biển  

Quá trình triển khai xây dựng làng văn hóa, các ngành, các cấp, các địa phương đã phối hợp trong công tác chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua lao động, sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực; các giá trị văn hóa ở các làng văn hóa của tỉnh đã góp phần quan trọng làm nên văn hóa Huế nói chung.

Ông Đặng Viết Nước, Trưởng làng An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền) cho biết, làng chúng tôi có 5.612 nhân khẩu, nên chia làm 3 thôn là An Xuân Đông, An Xuân Tây và An Xuân Bắc. Ở làng có hương ước của làng, 3 thôn có quy ước của thôn, nhằm điều chỉnh các chuẩn mực theo đúng quy định pháp luật, đạo đức xã hội và truyền thống địa phương. Quá trình đã điều chỉnh các quy định trong hương ước phù hợp với tiến bộ xã hội, loại bỏ các tập tục lạc hậu và khơi dậy các thuần phong mỹ tục, hình thành bản sắc văn hóa tốt đẹp của một làng sông nước.

Bồi dưỡng, vun đắp lý tưởng về văn hóa

Phát biểu, chia sẻ thông tin với gần 700 trưởng làng, trưởng thôn, trưởng bản trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, đây là hội nghị gặp mặt lớn nhất, đầy đủ nhất từ trước đến nay.

Hội nghị không chỉ rà soát, đánh giá lại những việc làm được, chưa được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (Khóa XVI) về nội dung văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, mà dịp để trưởng làng, trưởng thôn, trưởng bản trên địa bàn tỉnh thấy được sự nỗ lực vươn lên của cả tỉnh; góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu đưa cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Lễ hội cầu ngư, nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân vùng sông nước tỉnh Thừa Thiên Huế

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, đây là cơ hội lớn, ước mơ bao đời, suốt chặng đường gần 30 năm qua của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh; trong đó, có sự đóng góp tích cực, quan trọng của đội ngũ trưởng làng, trưởng thôn, trưởng bản trên địa bàn tỉnh.

Văn hóa truyền thống, văn hóa làng gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo đà, động lực lớn trong tiến trình phát triển đi lên của tỉnh. Văn hóa mà không được vun đắp, bồi dưỡng, phát triển thì sẽ dẫn đến nguy cơ chệch hướng, lệch chuẩn trong tư duy, suy nghĩ, hành động.

Vì vậy, trưởng làng, trưởng thôn, trưởng bản trên địa bàn tỉnh cần thống nhất quan điểm, bồi dưỡng, vun đắp lý tưởng về văn hóa cho các thế hệ, nhất là các thế hệ trẻ hiện nay. Điều quan trọng là, sớm bổ sung, hoàn chỉnh các quy ước, hương ước, địa chí của làng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Muốn vậy, cần dựa trên 3 thế mạnh lợi thế của tỉnh, đó là, di sản văn hóa Cố đô; đội ngũ tri thức; hệ thống đầm phá trải dài.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ tin tưởng, đội ngũ trưởng làng, trưởng thôn, trưởng bản trên địa bàn tỉnh không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại cơ sở; tuyên truyền, vận động người dân tạo nên sự đồng thuận, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục giữ vững và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (Khóa XVI) về nội dung văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có văn hóa, đô thị, nông thôn mới.

Trải qua tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam và Thừa Thiên Huế, đến nay, toàn tỉnh có 706 làng (bản); trong đó, có 543 làng truyền thống và 163 thôn, bản.
Bài, ảnh: ANH PHONG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị hướng biển

Không chỉ tự hào vốn quý từ đô thị di sản, Huế còn có “kho báu” không gian ven biển trải dài 120km để đột phá trở thành trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực miền Trung.

Đô thị hướng biển
Thành phố “thay áo” mới

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thành phố Huế tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các dự án (DA) trọng điểm về phát triển, mở rộng không gian đô thị, nhằm tạo tính kết nối giữa hai quận Bắc và Nam thành phố.

Thành phố “thay áo” mới
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top