ClockThứ Năm, 22/12/2022 16:32

Làm sao để mỗi người nghĩ đến Huế là nghĩ đến xứ sở áo dài

TTH.VN - Đó là mong muốn của ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khi nói về vấn đề phục hưng áo dài tại hội thảo khoa học “Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam” diễn ra chiều 22/12.

Công nghiệp văn hóa với kinh đô áo dài HuếXây dựng “Huế - Kinh đô áo dài”: Còn nhiều việc phải làmĐưa áo dài lên sàn diễnĐưa áo dài vào đời sống thời trang quốc tế

Các đại biểu tham quan áo dài được trưng bày tại hội thảo

Hội thảo thu hút đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng các nhà thiết kế, doanh nhân, đại diện các đơn vị tổ chức sự kiện… liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống đến từ Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh.

Áo dài đã được hồi sinh

Theo ông Hải, câu chuyện phục hưng áo dài còn phục hồi những ngành nghề liên quan như vùng nguyên liệu, dệt vải, nhuộm, thiết kế, đo may, phụ kiện… Ngoài ra góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế.

Phục hưng áo dài còn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống của người dân và đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế”.

Người đứng đầu ngành văn hóa cũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” trong thời gian tới. Bởi đề án này khẳng định được giá trị, vị trí áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa của vùng đất Cố đô cũng như văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài cho cộng đồng, trong đó chú trọng vào hai thuộc tính nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống của người Huế.

Theo đại diện Hội Áo dài Huế, 5-6 năm trở lại đây, chiếc áo dài đã được hồi sinh, trở nên gần gũi hơn đời sống hàng ngày. Trong đó có sự hưởng ứng rất lớn từ công chức các sở, ban, ngành cũng như các sự kiện liên quan. Không chỉ nữ, mà đông đảo nam giới cũng hưởng ứng. Và việc vinh danh áo dài là di sản văn hóa rất cần thiết, nhưng để áo dài đến gần hơn, tác động tích cực đến văn hóa, xã hội, con người Việt Nam mới là điều cần thiết.

Đóng góp ý kiến cho việc đưa áo dài vào đời sống hiện đại, TS. Trần Văn Dũng (Sở Văn hóa và Thể thao) đề xuất việc nghiên cứu ban hành các chính sách miễn giảm vé tham quan di tích cố đô Huế cho du khách trong và ngoài nước mặc áo dài. TS. Dũng cùng đề xuất việc hàng năm tổ chức Lễ hội Áo dài Huế nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu tà áo dài truyền thống của Việt Nam đến du khách thập phương.

Quốc phục Việt Nam không ở đâu xa

Không dừng lại đó, các chuyên gia còn đề nghị cần hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài.

Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt (Hà Nội), nói rằng, hiện nay chưa có văn bản nào chính thức công nhận áo dài là trang phục đại diện cho dân tộc Việt Nam. Điều này nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý khi tà áo dài bị may, mặc sai.

“Trong Tuần lễ thời trang xuân - hè tại Bắc Kinh, Trung Quốc khai mạc vào năm 2018, một nhà thiết kế đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang, trong đó có những mẫu thiết kế gây bức xúc bởi nó giống với áo dài Việt nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế này”, ông Bình dẫn ví dụ về sự “vi phạm bản quyền” Áo dài.

Người mẫu trình diễn áo dài ngay trong không gian hội thảo

Theo ông Bình, hoàn thiện thể chế cho trang phục Áo dài là việc làm cấp thiết bởi nó sẽ giải quyết hành lang pháp lý, tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của áo dài Việt và là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam. Ông Bình cũng đề nghị Nhà nước sớm công nhận áo dài ngũ thân cả nam và nữ là Lễ phục Nhà nước.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - cho rằng đã đến lúc chúng ta phải có một sự đánh giá nghiêm túc, đầy đủ và khách quan về chiếc áo dài Việt Nam mà đặc biệt là áo dài nam.

“Quốc phục của đàn ông Việt Nam không cần tìm đâu xa bởi chúng ta đã có. Tuy nhiên để áo dài nam trở thành quốc phục của đàn ông, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu và ban hành những quy định cụ thể về kiểu dáng, màu sắc trang phục áo dài”, ông Hải nói.

Bài, ảnh: N. MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao
Lan tỏa những hành động đẹp

Qua gần 5 năm triển khai các hoạt động, phong trào xây dựng TP. Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, câu lạc bộ, đội, nhóm… trên địa bàn thành phố tích cực tham gia, góp phần xây dựng Huế ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Lan tỏa những hành động đẹp

TIN MỚI

Return to top