|
Du khách khám phá tư liệu lịch sử tại không gian trưng bày “Khát vọng Thái Hòa” |
Tại đây, mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh hay thước phim tư liệu đều mang trong mình câu chuyện của một triều đại, gợi mở những ký ức lịch sử và khát vọng giữ gìn di sản dân tộc.
Tham quan Đại Nội, Trần Hoàng - du khách đến từ Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp uy nghi và lộng lẫy của ngôi điện biểu tượng quyền lực vương triều Nguyễn. “Đây là lần đầu tiên mình cảm nhận được vẻ đẹp tráng lệ của Thái Hòa một cách gần gũi đến vậy. Điều mình ấn tượng là được khám phá những nghi lễ, nghệ thuật và tri thức hoàng gia qua triển lãm. Từ những hiện vật quý được trưng bày như ngự lịch, đến các thước phim tư liệu trình chiếu ở đây. Chúng thực sự cuốn hút và cung cấp nhiều thông tin bổ ích”, Hoàng chia sẻ.
Phó Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế Nguyễn Thế Sơn cho biết: Đơn vị đảm nhiệm thực hiện trưng bày nhằm giới thiệu những hình ảnh, tư liệu phong phú về quá trình hình thành, phát triển và tái thiết công trình, về giá trị kiến trúc và lịch sử của ngôi điện. Trước đó, Bảo tàng cũng tổ chức trưng bày tái hiện không gian nội thất khu vực trung tâm của điện Thái Hòa dưới thời vua Khải Định và vua Bảo Đại qua các hiện vật gốc: Ngai vua Triều Nguyễn, hệ thống đôn, chậu, bình hoa… Riêng khu vực chái Tây trưng bày các tủ hiện vật, như phiên bản châu phê, ngự lịch, long lịch, một số tấu bài gốc và phiên bản ấn vàng cùng toàn bộ các pa nô về nội dung trưng bày... giúp khách tham quan hình dung rõ nét hơn về lịch sử.
Ngoài ra, tại đây cũng giới thiệu phim tư liệu về lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Khải Định và clip ảnh lễ đăng quang của vua Bảo Đại, phim tài liệu về các di sản văn hóa Huế; trình chiếu phim 3D do Viện KAIST (Hàn Quốc) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện giới thiệu về trùng tu, số hóa điện Thái Hòa… Sắp tới, Bảo tàng CVCĐ Huế sẽ cho trưng bày giới thiệu bộ tranh “Đại lễ phục triều đình An Nam” do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân thực hiện dưới triều vua Thành Thái. Với 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước, bộ tranh là tài liệu quý giá, mang đến góc nhìn chân thực về lễ phục và nghi lễ triều đình những năm đầu thế kỷ XX.
Mỗi hiện vật tại ngôi điện hơn 200 năm lịch sử này không chỉ tái hiện ký ức hoàng cung, mà còn gửi gắm thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. “Chúng tôi mong muốn không chỉ bảo vệ công trình di sản, mà còn lan tỏa những câu chuyện lịch sử, giúp du khách, thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa và lịch sử dân tộc. Qua đó, truyền cảm hứng, thôi thúc lòng tự hào và ý thức bảo vệ những di sản quý báu của cha ông”, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung nói.
|
Sau 3 năm đại trùng tu, ngày 24/11/2024, điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế đã mở cửa trở lại. Được xây dựng vào năm Gia Long thứ 4 (1805), đến năm 1833, khi vua Minh Mạng cho tái quy hoạch các công trình trong Hoàng thành Huế, điện Thái Hòa được dời từ vị trí cũ đến vị trí hiện nay. Ngoài ngai vàng - hiện vật độc bản mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đã được công nhận bảo vật quốc gia, Thơ văn của điện Thái Hòa - một phần quan trọng của thơ văn kiến trúc cung đình Huế cũng đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - khu vực châu Á Thái Bình Dương.
|