ClockThứ Tư, 29/06/2022 22:06

Duy trì cầu nối giao lưu văn hóa

TTH - Số lượng đoàn nghệ thuật, cũng như các chương trình giảm so với các kỳ trước, song vai trò “cầu nối” văn hóa đã được Festival Huế 2022 duy trì một cách tối đa.

Ấn tượng với Festival Huế 2022Cộng đồng chung tay, nhân tố làm nên Festival Huế 2022Lần đầu tiên nghệ thuật tuồng được quảng diễn trên đường phốBữa tiệc sắc màu cho người trẻ

Đoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie (Nga) biểu diễn phục vụ khán giả

Yêu Huế, yêu festival

Trên sân khấu trước Trường THPT chuyên Quốc học Huế tối 28/6, ban nhạc pop điện tử Kid Francescoli của Pháp, một trong những bậc thầy về dòng nhạc điện tử vừa mê hoặc vừa sôi động, nhưng cũng phảng phất giai điệu u sầu đã khuấy động, khiến khán giả không thể đứng yên với nhịp điệu của âm thanh. Rất đông khán giả, trong đó chủ yếu là giới trẻ đã xếp hàng chờ đến màn biểu diễn của ban nhạc nổi tiếng này.

Sự sắp xếp tinh tế của Ban tổ chức khi trước đó, ban nhạc trẻ Chillies cùng theo đuổi dòng nhạc sôi động đã khiến khán giả không thể đứng yên khi đến với sân khấu hơn 2 giờ đồng hồ. Những giai điệu pop – rock, ban nhạc trẻ Chillies đã khiến khán giả “bùng cháy”, năm chàng trai đến từ miền Nam đã hoàn toàn chinh phục được khán giả với những bản “hit” của mình. Một “bữa tiệc” âm nhạc hoành tráng đã làm hài lòng, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

Nghệ sĩ Mathieu Hocine, Trưởng ban nhạc Kid Francescoli chia sẻ, thật bất ngờ với sự cuồng nhiệt của khán giả với âm nhạc. Ở Pháp, với những lễ hội, thường nghệ sĩ sẽ đứng hát ở giữa và khán giả sẽ bao quanh cổ vũ. Còn với Festival Huế chúng tôi biểu diễn trên sân khấu lớn, ai cũng say mê nhìn chúng tôi.

Biểu diễn Hát Bả trạo tại Lễ hội đường phố

Mồ hôi chảy ướt cả trang phục biểu diễn vì biểu diễn hơn 1 giờ đồng hồ, các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie (Nga) vẫn hăng say, quên đi mệt khi phía dưới, hàng trăm khán giả chăm chú theo dõi, dành những tràng pháo tay tán thưởng, hò reo sau khi tiết mục kết thúc. Những tiết mục nhảy, múa hát đầy trữ tình, nhưng không kém vui tươi đặc trưng, “Điệu múa vòng tròn Karagod của vùng Belgorod” - một điệu múa thể hiện truyền thống văn hóa dân gian của vùng Belgorod; “Bài hát không có đàn Bayan”; đặc biệt là bài hát quen thuộc “Cachiusa”… đã đưa khán giả Festival Huế đến với đất nước Nga xinh đẹp.

Bà Olga Ivanovna, Trưởng đoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie chia sẻ, thật hạnh phúc và bất ngờ vì khán giả đến rất đông, mang lại bầu không khí náo nhiệt. Điều này mang đến cho đoàn nhiều động lực để trình diễn vì các nghệ sĩ phải trình diễn một lúc nhiều tiết mục tốn khá nhiều thể lực. Đây là không khí mà đã gần 2 năm qua, đoàn mới có được do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chúng tôi  thật sự yêu Huế, yêu lễ hội này.

Lễ hội đường phố năm nay không quy tụ được nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia, thay vào đó là chương trình quảng diễn nghệ thuật các loại hình lễ hội và trò diễn dân gian với sự tham gia của các địa phương trong tỉnh. Các địa phương đã có cơ hội, không gian để giới thiệu văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, giao lưu với những nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền trong nước thông qua chương trình.

Tiền đề cho tương lai

Dịch bệnh như đánh dấu cột mốc mới cho Festival Huế, mở ra chu kỳ mới gắn với lễ hội bốn mùa. Qua những ngày diễn ra Festival Huế 2022 mới thấy, nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật, cần những không gian giải trí của người dân trong tỉnh là rất lớn. Đã đến lúc những cầu nối văn hóa bằng lễ hội phải thường xuyên hơn. Không chỉ festival, các lễ hội quanh năm cũng cần có giao thoa văn hóa nhiều hơn. Khi đó, Huế mới là thành phố đậm đặc về lễ hội, kể cả số lượng và chất lượng.

Nghệ sĩ Mathieu Hocine chia sẻ, Festival Huế thật khác biệt. Thường các lễ hội chỉ là hoạt động riêng lẻ nào đó, như âm nhạc, hội họa… còn đây là lễ hội văn hóa tổng hợp, có âm nhạc, có giao lưu văn hóa, có ẩm thực, có triển lãm… Chúng tôi biết khách Pháp đã đến nhiều đất nước bạn, nhưng chủ yếu là khách trung niên, tôi tin chắc thời gian đến dòng khách trẻ tuổi sẽ đến nhiều hơn từ sức hút của một điểm đến thân thiện và đặc biệt có những lễ hội đặc sắc, khác biệt như thế này.

Bà Olga Ivanovna tâm đắc, mỗi đêm diễn tại Festival Huế là một “cầu nối” để văn hóa Nga đến gần với đất nước Việt Nam, đất nước có những nét văn hóa độc đáo không khác gì nước Nga và có mối quan hệ thân thiện suốt chiều dài lịch sử. Sứ mệnh giao lưu văn hóa qua lễ hội vì thế phải được phát huy hơn nữa. Đây là chuyến lưu diễn tuyệt vời và hy vọng văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam, của Huế sẽ có dịp đến Nga để giới thiệu và giao lưu trong thời gian đến.

Thương hiệu làm nên tính đặc trưng của Festival Huế là nơi để văn hóa thế giới hội tụ, giao thoa và phát huy giá trị. Dù không có quá nhiều đoàn nghệ thuật đến với Festival Huế 2022, nhưng cơ bản vai trò này đã được Ban tổ chức gìn giữ và duy trì trong những điều kiện nhất có thể.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2022 đánh giá, Festival Huế 2022 đã phô diễn được nét độc đáo, tinh tế cũng như sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Huế trên con đường hội nhập và phát triển. Festival Huế 2022 đã giúp du khách, đặc biệt là người dân Huế thưởng thức sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đắm mình trong không gian cổ kính của một cố đô giàu bản sắc truyền thống, nhưng vẫn sáng bừng sức sống của một đô thị xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Đêm giã bạn mới mẻ và đặc sắc

Đêm gala giã bạn với chủ đề “Chào Huế!” sẽ diễn ra vào 19h30 tối nay tại sân khấu cồn Dã Viên, khép lại tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2022.

Đêm gala hứa hẹn là một đêm giao lưu âm nhạc mới mẻ và đặc sắc, với phong cách trẻ trung, lần đầu tiên được tổ chức tại Festival Huế, gồm những tiết mục chọn lọc của các ban nhạc, đoàn nghệ thuật Việt Nam và quốc tế.

Chương trình được dàn dựng như một liên hoan âm nhạc và nghệ thuật, với một sân khấu mở và tương tác, trong không khí náo nức, tưng bừng và tràn đầy sức trẻ, đêm gala là lời chào tạm biệt và lời cảm ơn dành cho những người bạn gần xa đã đến với mảnh đất Cố đô, cùng nhau sống trong những khoảnh khắc trọn vẹn, cùng hòa vào không khí sôi động của Festival Huế mùa hè năm nay.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Dù mới đi vào hoạt động chính thức chưa đầy nửa năm, song với việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, nay là thành phố Huế (Trung tâm) đã và đang có những đóng góp quan trọng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

TIN MỚI

Return to top