ClockChủ Nhật, 29/09/2024 12:01

Mẹ Xuyến

TTH - Ngày con bé Xuyến ra đời, cha nó đón nhận với vẻ thờ ơ. Ông là con độc đinh, muốn cha mình được thấy đích tôn trước lúc qua đời. Từ trạm xá về là ông đi biệt mù cà cưỡng, cả làng quê phía hạ lưu sông Hương tê tái đi tìm mà không thấy bóng ông. Bà ngoại Xuyến thương con gái, đưa hai mẹ con về nuôi. Vài năm sau có người tử tế ngỏ lời, không chờ đợi được con người bạc nghĩa đã bặt tăm đó, không cần giấy tờ, đơn trương để bỏ, bà gả con gái và lãnh phần nuôi cháu ngoại. Thương yêu chăm bẵm cháu chưa bao năm thì bỗng nhiên bà ngã bệnh, chỉ một ngày là tìm về nằm bên ông ngoại, trên gò đất mênh mông nắng gió ngoài nghĩa địa làng.

Thời hoa niênNúi trở mình trong đêm

 

Thế là mẹ Xuyến đưa con gái theo về gia đình mới, giờ đã có hai em cùng mẹ khác cha. Một ngày, người chồng cũ bỗng xuất hiện, nói không muốn để con gái lớn lên bên cha dượng. Mẹ Xuyến đành để ông ta đưa con gái đi. Và mới tám tuổi, Xuyến đã ăn những miếng cơm do chính công sức mình bỏ ra. Nhưng nếu bốn đứa em đẻ cách năm một, trong đó đứa cuối là trai, ngon miệng ăn hết thì bữa đó nó chỉ còn biết bỏ bụng vài lát khoai khô. Mẹ kế không ghét, không thương, bởi bà cũng lam lũ cắm mặt vào công việc, có Xuyến đỡ đần cũng là may. Nhưng Xuyến không có ngày nào thoát khỏi ngọn roi của cha. Có hôm nhớ bà ngoại, Xuyến ra cầu đình ngồi đến trưa mới về. Người cha đã đào sẵn một cái hố lớn sau vườn bảo: “Mi nhảy xuống đây không con tê?”. Xuyến nhảy xuống ngay, ngước đôi mắt to tròn nhìn lên: “Ba lấp đất đi! Lấp đất đi ba!”. Ông vứt cái xẻng bỏ đi...

Mười lăm tuổi, Xuyến lên phố học nghề may, ở ngay trong nhà chủ, là một người chú có họ xa. Cũng phải làm hết việc nhà mới được cầm đến cây kim may. Mười bảy tuổi đến với cô tươi xinh rực rỡ, cũng vừa lúc có người quen với thím đến mối mai cho cô một người gốc làng Mỹ Lợi, đang là lính đồn trú ở cách phố không xa. Nghe đâu tuổi gần gấp đôi Xuyến. Cô ngơ ngác, thoái thác mấy lần đều bị bà thím giận dữ đòi từ bỏ, đòi đuổi đi. Nói nặng không xong, lại nhỏ nhẹ dỗ dành: “Không lấy chồng Mỹ Lợi là quê/ Trước sông sau biến chợ kề một bên. Con phải biết điều đó chứ”. Vậy là Xuyến lấy chồng, chưa kịp sống qua thời con gái.

Lấy chồng được vài năm thì Bắc Nam thống nhất. Chồng Xuyến về quê ngay sau đó. Vì không có cấp bậc nên không nằm trong diện cải tạo. Nhưng anh ta vốn không quen và cũng không muốn kham việc ruộng nương. Người vốn hiền lành nhưng từ đó tính khí bỗng thay đổi thất thường, sinh ra cáu kỉnh và kiếm cớ uống rượu, rồi trở thành một người khó gần bởi lúc nào cũng lạnh lùng không vui. Tuy vậy, Xuyến vẫn cố hiểu để thương chồng. Chắt chiu từ con heo, con gà, từ việc gieo trồng, vun xới mà mỗi cặp gàu nước phải theo chân người men từ ao cát đào sâu ba chục mét, bám men vòng trôn ốc leo lên để tưới ruộng từ lúc gà vừa gáy lại, đến sáng trời là kịp xong. Bởi còn cả núi công việc đang chờ, cô phải cố để kiếm được ít tiền xin cho chồng đi học nghề mộc. Cô nghĩ có nghề và có tiền sẽ giúp tâm tính chồng trở lại tốt hơn.

Thế nhưng theo nghề thì ít, mà theo đám bạn rượu thì nhiều, nợ nần cõng lên vai Xuyến ngày càng nặng. Tất cả đều được chồng cô gọi là nợ tiền gỗ. Các vụ thu hoạch từ nương, vườn đều được ông thu tóm trả vào mấy khoản nợ đó. Vụ thuốc lá hái phơi được trăm xâu, cô phải nhờ bạn hàng nói đỡ là tám chục, để hai chục xâu còn lại lo cho bảy tám miệng ăn tính luôn cả ông, bà nội của mấy đứa, lại còn cám gạo cho heo gà, trả tiền phân tro, công cán. Ruộng trưa hoa màu cũng đều làm theo cách như vậy... Những đứa con lần lượt ra đời nhưng dưới mái nhà có đủ ba thế hệ này, Xuyến vẫn luôn thấy mình thiếu thốn. Những ngày thiếu gạo ăn để có sữa cho con, những đêm sâu trở giấc đàn bà thiếu vắng mặn nồng. Người phụ nữ còn xuân sắc ấy vẫn luôn khát khao bởi chưa bao giờ hiểu thế nào là người đàn ông của mình. Mười hai năm, năm đứa con, cả con sống và con chết, là năm lần cô được ở cạnh chồng chỉ vì tuân phục. Gia trưởng, trái tính và chán chường đã đẩy người chồng xa cô dần dần trong lạnh nhạt. Nhưng trong làng, ngoài ngõ không ai hay, là bởi trời phú cho cô cái nết hồn hậu, không để bụng điều gì, không trách giận ai lâu...

Ngày sinh thằng Út là một ngày làm đồng về đói lả dưới gốc tre cạnh nương nhà hàng xóm. May được nhờ mấy niêu cơm trắng của người tốt bụng mà cô mau lại sức, có sữa cho con bú. Chừng dăm hôm thì ôm con về nhà. Ăn hết mấy lon gạo nghĩa tình hàng xóm gửi theo, cô phải bươn bả đi làm, treo nôi con giữa nhà cho mấy đứa lớn thay nhau ru, phòng có chuyện gì thì người đi qua còn nhìn vào mà giúp, chứ người cha hầu như không để mắt tới. Mặc chân run, tay yếu và bầu vú cũng không đủ sữa để cương đau, Xuyến phải đội nón đi làm, trưa ghé qua nhà cho con bú, rồi lại ra đồng cặm cụi mãi tối mịt mới trở về. Suốt mấy tháng liền như thế. Thằng Út ngoài hai cữ bú mỗi ngày, chỉ có nước cháo pha đường, nhờ trời vẫn không ốm đau, mặt mày sáng láng, thông minh. Đến tuổi vào trường, nó bị cha giật sách vứt đi, chỉ mặt mà mắng: “Tiền đâu cho mi đi học thằng kia?”. Xuyến lượm sách lên thu vào áo, chạy theo ra ngõ đưa cho con: “Đi đi con! Đi mau kiếm đôi ba chữ con ơi!”. Lại gom chút tiền mua chục gà về thả, còn mua được thêm chút nữ trang gọi là làm vốn. Nhưng nhiều lần giữa buổi làm có việc tạt về nhà, Xuyến ngao ngán nhìn mâm thịt gà đã quây quần đủ mặt mấy bạn rượu, nói cười như pháo nổ, đó là lúc Xuyến thấy chồng mình vui thật sự. Rồi của nả ít nhiều cũng dần dần đội nón ra đi. Những cuộc rượu vô bổ xem ra cần thiết hơn cái cô vẫn gọi là “vốn lận lưng” để còn lo nhiều phương việc...

Có lẽ vì không hợp tính, Xuyến không được mẹ chồng đỡ đần, đôi khi còn bị chì chiết nặng nhẹ, nhưng cô vẫn tự dỗ dành: “Thì mình cũng khổ cực từ thuở cha sinh mẹ đẻ, phải mô tới đây mới cực khổ!”. Cho nên khi mẹ chồng nằm liệt giường đến gần sáu năm mới mất, Xuyến vẫn cháo cơm hầu hạ không một lời than vãn. Người cha chồng hiền lành, ít nói ngay sau đó lâm bệnh nặng. Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt của người bệnh cùng với tiền thuốc khiến cô xoay trở như quay mòng mòng. Gánh đôi triêng gióng chất đầy bốn chục cân củ đậu chạy bộ từ làng lên chợ Vinh Thanh rồi lại quay về gánh tiếp cho đủ hai chuyến cho mỗi phiên chợ. Đòn gánh vít cong, lưng áo ướt rồi lại khô, đọng vết mồ hôi trắng loang lổ. Thế nhưng có đêm bên cối gạo, giọng hò cô Xuyến vẫn thảnh thót: “Có phước mới lấy chồng già/ Ăn xôi để cháy, ăn gà để xương”. Tiếng cười vẫn giòn tan...

Khi dôi ra được chút tiền do tiện tặn chằm vá cùng vay mượn đắp đổi, cô mới bước ra khỏi cái càng xe, nơi nhiều ngày tháng qua đã phải còng lưng kéo thay trâu và các con phụ theo sau xe để đẩy. Đôi trâu tậu được đã cần mẫn đỡ đần cho mấy mẹ con rất nhiều. Ba giờ sáng đến tận nửa đêm, móng trâu gõ lộp cộp trên đường làng, xe trâu chở thuê vật liệu cho người ta cũng kiếm được chút tiền. Thu nhập khá hơn cộng với số tiền chắt bóp lâu nay, bà Xuyến quyết định sửa lại gian nhà chính, vốn chỉ là nền đất tuềnh toàng, nếu cha chồng ra đi thì cũng có chỗ lo hậu sự cho ông được khô ráo, ấm áp. Từ lâu bà đã xem ông nội các con là cha đẻ của mình rồi...

Cho đến ngày thằng Út khôn lớn và thành danh thì người chồng cũng từ bỏ những cuộc gặp với bạn rượu. Đơn giản là vì trọng bệnh. Khi bệnh viện tỉnh trả người về, bà lại chăm ông cho đến những ngày cuối đời, vẫn chưa nhận được từ chồng một ánh mắt cảm thương. Bà lại nuốt nước mắt, nhủ thầm “Đau ốm thì ai mà không khó tính!”. Ngày đưa ông ra đồng, bà mới thấy mình thật sự cần có ông bên cạnh. Nhìn căn nhà trống trải khi con cháu đã đi hết, bà thắp nhang cho ông và buột miệng trong tiếng nấc:

- Ông ơi, răng ông không ở lại? Có chi đi nữa thì ông cũng cứ nằm ở đó cho tui, bao lâu cũng được. Tui lo hết, tui chịu hết. Tui nói thiệt đó, ông ơi!...

Ngôi nhà ngày càng khang trang. Vườn quýt lúc lỉu trái trước đây đã thay bằng nhiều chậu hoa và cây cảnh được thiết kế thẩm mỹ. Có hồ bán nguyệt và vườn tượng điêu khắc, đêm đêm thoảng mùi hoa cau, hoa mộc dịu dàng. Những đứa con đã bù đắp cho mẹ, không để bà phải lo chuyện tiền bạc chi tiêu. Muốn ngôi nhà và khu vườn bớt lạnh lẽo, bà gọi anh con trai thứ đưa vợ con ở xa về. Gánh trần ai tưởng chừng đã trút bỏ thì bỗng đứa con dâu phát hiện nan y không mấy ngày thì mất. Anh con trai bỗng ngơ ngẩn, có khi cuồng lên lại sinh chuyện, sinh vạ cho xóm làng. Mấy anh em phải xúm nhau vào thu xếp, quyết định đưa nó vào trại. Ba đứa cháu nội giờ chỉ biết nương tựa vào bà. Đi bệnh viện cấp cứu, vừa tỉnh ra lại đòi về ngay: “Bác sĩ ơi, tui phải về kẻo để quên ba cục vàng ở nhà!”...

Ai cũng hỏi sao bà không đưa các cháu theo vào Nam với chú thím Út, giờ đã là doanh nhân có tiếng tăm. Bà cười, những dấu chân chim hằn sâu đuôi mắt, đôi mắt đẹp ngày xưa chưa từng để riêng cho ai thương nhớ:

- Nhà tui đây, làng xóm tui đây. Đi rồi bỏ ông tui lại cho ai? Ai nhang khói cho mấy cố?

Và lại cười nhìn ra vườn, nơi nắng thu rót vàng như mật.

Nguyễn Thị Duyên Sanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top