ClockChủ Nhật, 22/09/2024 15:43

Núi trở mình trong đêm

TTH - Ruộng lúa gần hai sào, sắp đến ngày thu hoạch. Thửa ngô năm nay mất mùa, phần bị khỉ về phá, chẳng còn được bao nhiêu. Đêm ở lại trên rẫy canh ruộng, Nam khó ngủ. Cậu thấy bất an trong người. Gió thổi từng đợt len lỏi qua các khe hở, lạnh đến thấu xương. Nam ngồi dậy, nhóm lại bếp lửa sưởi ấm.

Thời hoa niênBạn “nợ đời”

Sáng sớm, mưa lớn, nước chảy thành dòng. Đám kiến đen bị nước làm ngập tổ, bò nối từng hàng lên trên nóc lán. Con suối dưới chân đồi đục ngầu chỉ sau một đêm. Quá trưa, không làm rẫy được, Nam quay về nhà, chăm đàn ngan, lợn. “Bố mẹ ở lại cẩn thận, mưa lớn đừng ra ngoài mà nguy hiểm. Con về xem nhà như thế nào rồi mang lương thực lên”, Nam dặn bố mẹ, tay cầm rựa, lưng mang gùi, về làng. Bà Vân, đứng trong lán nhìn theo hình bóng con. Ông chồng ngồi sưởi bên bếp lửa, miệng lẩm bẩm: “Mưa gió vậy có tí rượu thì đỡ”.

***

Để lên đến được rẫy phải hơn một giờ đi bộ. Ngày nắng còn đỡ, mưa xuống đường trơn trượt, vượt suối nguy hiểm. Đôi ủng không bám được vào mặt đất trơn khiến Nam cứ trượt ngã. Con suối chảy xiết. Muốn sang được bờ bên kia chỉ còn một cách, đi trên thân cây ngã vắt ngang dòng nước. Nam bỏ đôi ủng vào gùi, tay cầm chặt chiếc rựa rồi lần mò bò trên thân cây qua suối. Bên dưới một số đoạn bày trơ lớp đá sắc lẹm. Cậu cố giữ bình tĩnh, tiếp tục di chuyển.

 

Bất giác một đàn chim từ hạ nguồn suối lũ lượt kéo nhau bay lên thượng nguồn. Tiếng kêu vang cả khu rừng. Nam dừng lại, ngước mắt nhìn theo: “Có chuyện vậy?” Lũ chim vừa bay qua thì đàn khỉ hú hét, nhảy chuyển từ cây này sang cây khác lên phía đầu nguồn con suối. Nam linh tính được điều gì đó, cậu bò nhanh qua bờ bên kia, chạy một mạch về làng. Làng Nam ở nằm dưới chân một quả đồi cao, bên cạnh con suối nhỏ. Nguồn nước của dân làng từ bao đời nay dựa vào dòng suối. Phía trước mặt là con sông Rào Nặm.

Nam về đến nhà, mọi thứ ngổn ngang. Đàn vịt núp mưa dưới sàn nhà, lũ gà nhảy lên đứng trên hiên, phân, lông lá vương vãi khắp nơi. Đám thanh niên không đi rẫy, ngồi quây bên nhau ở nhà trưởng thôn, nói chuyện gì đó rôm rả. Cậu dọn dẹp mọi thứ, cho gà vịt ăn rồi qua nhà hàng xóm chơi. Mưa vẫn đổ xuống mỗi lúc một lớn, nước dưới sông dâng cao đến mép bờ. Củi khô theo dòng lũ kéo về nổi đầy đặc mặt nước. Gió thổi thốc lên từng đợt. Chưa năm nào, mưa gió như năm nay. Nước sinh hoạt bây giờ chỉ trông chờ từ những chiếc lu hứng mưa.

Cả làng chìm trong bóng tối. Nam trằn trọc mãi chẳng ngủ được. Tiếng côn trùng, tiếng ầm ào của suối khuấy động không gian tĩnh mịch. Đùng ùng ùng, ầm ầm… Vừa phả hơi thuốc vào không khí, Nam nghe những tiếng nổ lớn từ trên núi. Đất đá, cây cối theo dòng nước chảy từ trên núi tràn về làng. Chỉ trong tích tắc, những ngôi nhà sàn bằng gỗ, nhà bê tông đã bị đất đá san phẳng. Những tiếng la hét, kêu cứu vang lên giữa đêm tối mịt mờ.

Mọi người chạy tán loạn, không kịp mang theo vật dụng gì. Một số chạy lên quả đồi cao tránh. Người chạy thẳng qua xóm bên xin tá túc. Khi bình tĩnh trở lại, họ bắt đầu tìm kiếm nạn nhân bằng những ánh sáng yếu ớt. Sóng điện thoại cũng chập chờn. Ông Tuấn phải cắt rừng, chạy lên một quả đồi cao, đứng dò sóng điện thoại để điện ra cầu cứu từ chính quyền.

Những tiếng kêu cứu, tiếng rên rỉ của nạn nhân bị thương vang lên giữa bốn bề núi rừng. Dân làng dò theo tiếng kêu la tìm người. Một vài người mắt kẹt được đám thanh niên đưa ra khỏi đống đổ nát, sơ cứu. Trai tráng khỏe mạnh đặt nạn nhân trong võng, gánh chạy bộ ra trạm y tế cách đó hơn mười ki lô mét. Đường đi một số điểm bị sạt lở, bùn đất ngập quá đầu gối, họ phải nhích từng mét khó nhọc. Ai cũng rã rời, nhưng họ không thể chậm chân.

***

Bà Vân đêm đó cứ thấy người nóng rực, lòng không yên, trằn trọc mãi trên giường. Linh tính của người mẹ khiến bà nghĩ đến chuyện gì đó không may ở nhà.

“Về nhà xem như thế nào đi ông. Tôi linh tính có chuyện chẳng lành”, bà lay ông chồng dậy.

“Nhưng đêm tối thế này, về kiểu gì được”, ông chồng ngồi dậy, dụi dụi hai mắt.

“Cứ dò đường mà đi, được đoạn nào tính đoạn đó”, bà Vân đáp.

“Nhưng mà có chuyện gì?”

“Tôi không biết, thấy nóng lòng lắm. Về đi ông”, người vợ vừa giục chồng, vừa quơ lấy tấm áo mưa.

Hai người mò mẫn trong đêm tối, về làng. Về đến nơi khi vừa sáng. Trước mắt họ là một đống đổ nát. Đất đá, cây cối từ núi kéo về san phẳng mọi thứ.

Bà Vân chạy lại chỗ đám đông tụ tập. Mọi người đang cố đưa một thi thể từ trong bùn đất lên. “Có chuyện gì vậy, sao nhà cửa sập hết thế này?”, bà Vân hỏi dồn.

“Bị từ tối qua, sau một tiếng nổ lớn khi mọi người đang ngủ”.

“Thằng Nam bị nạn rồi, nó bị vùi lấp đâu đó, không ai tìm thấy”, ai đó trong đám đông nói lớn.

Đầu óc bà lúc này quay cuồng. Ông chồng chạy từ chỗ này sang điểm khác cũng không xác định được vị trí nhà mình.

“Nam ơi! Nam ơi, con ở đâu?”, tiếng ông bố kêu la giữa đống đổ nát. Tiếng gọi dội vào núi, vọng lại, nhưng chẳng có ai trả lời.

Bà Vân như người mất hồn. Họ muốn tìm con, nhưng cả hai ông bà chưa ai xác định được vị trí ngôi nhà của mình. Quân đội, công an vẫn miệt mài lật từng tấm tôn, thanh gỗ tìm kiếm người. Một chiếc lán dã chiến được dựng lên, ai bị thương nhẹ được sơ cứu tại chỗ, những người nặng vẫn đang chờ võng khiêng ra trạm xá. Những ánh mắt thất thần, phờ phạc. Từ khi dựng làng, sống qua bao đời nay, chưa khi nào xảy ra cảnh tang tóc như vậy.

Chạy lại chỗ mấy chú bộ đội, bà Vân hỏi dồn dập: “Tìm thấy con tôi chưa? Nó đâu rồi. Cứu nó đi. Đem con về cho tôi đi”. Bà quỳ khụy gối xuống bùn, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hốc hác.

“Mẹ bình tĩnh đi, chúng con vẫn đang tìm kiếm đây. Nhiều người bị vùi lấp lắm”, một chiến sĩ đỡ bà đứng dậy, an ủi.

“Đây rồi bà ơi! Đây rồi!”, chồng bà đứng trên một thân cây lớn, gọi vợ.

“Đâu? Nó đâu? Thằng Nam đâu?”

“Chỗ nhà mình đây này”, câu trả lời của ông chồng làm bà mất hết hy vọng.

Chiếc xe Wave bị vùi lấp, chỉ còn lộ tấm biển số lên trên. Đó là đầu mối duy nhất để ông bố xác định vị trí ngôi nhà. Hai vợ chồng vội lật từng tấm tôn, thanh gỗ tìm kiếm. Một vài chiến sĩ chạy lại giúp sức. Nhưng cả tiếng đồng hồ, lật hết mọi thứ vợ chồng bà Vân vẫn không thấy con.

Một số thi thể được tìm thấy, người dân lấy ván đóng vội chiếc quan tài, đặt xuống, vùi đất chôn. Hương cắm lên khói nghi ngút. Không một lễ vật. Không một nghi lễ nào. Lạnh tanh. Bên dưới quả đồi, lực lượng chức năng vẫn tìm kiếm, cứu nạn. Bà Vân vẫn cứ đi lui đi tới quanh chỗ đất được cho là nhà mình. Bà lật mấy khúc gỗ, mắt đỏ hoe, tìm con.

Xe múc, thêm vài đoàn quân đội được tăng cường vào tìm kiếm. Trời hửng nắng khi về chiều. Từ vị trí làng nhìn lên núi, một vệt đất bị xé toác, dài cả trăm mét. Không ai còn nhận dạng được con suối hiền hòa, cấp nước nuôi sống dân làng từ bao đời nay đâu nữa. Cũng không ai nghĩ, có một ngày từ cái nguồn sống đó lại gây hại cho dân làng. Họ đâu làm gì có lỗi với núi, với rừng, với dòng suối.

Trời tối dần, sương núi kéo xuống che khuất quả đồi sạt lở. Những gói mì được pha vội, một số người nhai sống, lấy chút sức lực tìm kiếm. Mọi thứ vẫn cứ ngổn ngang. Vài thi thể lại được phát hiện, đưa lên chôn cất vội vã. Ánh trăng lờ mờ và những chiếc đèn pin chẳng soi rọi được gì cho cuộc tìm kiếm. Các lực lượng được lệnh dừng tìm kiếm, sơ tán ra nơi an toàn nghỉ ngơi.

Bà Vân không muốn đi. Bà muốn ở lại với con, nhưng không được chính quyền cho phép. Họ sợ núi đồi no nước, lại sạt lở. Sau một cuộc vận động, bà Vân và dân làng mới chịu di tản. Mưa rả rích. Sáng hôm sau, từ sớm bà Vân và chồng đã di chuyển vào làng. Tiếp tục tìm kiếm con. Mười hai người vẫn đang còn mất tích. Không ai biết họ nằm ở đâu dưới đống đổ nát và bùn đất dày đặc kia.

“Con ơi! Con ở đâu, về với mẹ đi”, bà Vân tay cầm bó nhang, đi từ điểm này qua điểm khác, tìm con. Những nơi đi qua, bà cắm vài cây xuống, khói lên nghi ngút.

Cuộc tìm kiếm đi đến ngày thứ ba. Lực lượng vũ trang đào bới từ trên cạn, rồi chèo ghe len lỏi qua các rều, củi ken đặc trên dòng Rào Nặm nhưng không có thêm kết quả gì. Thời gian vàng cho việc cứu sống người xem như đã hết, ai cũng hiểu, bây giờ chỉ hy vọng tìm thấy thi thể nạn nhân càng sớm càng tốt.

Trải qua mấy ngày, khuôn mặt bà Vân hốc hác, đầu tóc dần ngả bạc. Đôi lúc bà mê sảng, nói năng lung tung. Bà không tin đứa con của mình đã chết dù tất cả mọi góc, từng thớ đất, gốc cây đều được lực lượng tìm kiếm lật tung cả lên.

“Thằng Nam kìa. Thằng Nam con bà Vân”, giọng ai đó vang lên. Bà Vân cùng dân làng chạy ra.

“Đúng là thằng Nam rồi”, ông Tuấn trưởng thôn hét lên.

Bà Vân thấy con, xúc động ngất luôn lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, bà đã thấy mọi người đưa vào nằm trong lán.Thằng Nam ngồi bên xoa bóp.

***

“Mày đi đâu mấy hôm nay làm mọi người tìm?”, ông trưởng thôn hỏi.

Nam kể, đêm đó không ngủ được, dậy châm thuốc hút thì nghe tiếng nổ lớn sau núi. Nó hét lên kêu mọi người di tản. Nhưng tiếng hét không nhanh bằng sức càn lướt của đất đá, cây cối tràn về. Vừa hét, nó vừa chạy lên trên một quả đồi tránh. Đất đá đẩy mọi thứ xuống dòng sông. Nam thấy một người chới với dưới sông, cậu lao xuống cứu. Khi ôm được nạn nhân kéo vào bờ thì nước lớn đổ về, cuốn cả hai người đi. Nam bị cuốn về hạ nguồn cách làng hơn năm ki lô mét, được người dân sống hai bên bờ cứu sống. Cậu được dân nấu cháo bồi bổ, chăm sóc mấy vết thương khắp cơ thể. Người hàng xóm được Nam bơi ra ứng cứu đã bị cuốn trôi, dân làng ở đó không thấy tung tích. Nghe vậy, nó lặng người đi.

Sức khỏe ổn định, Nam xin phép mọi người trở về nhà. Dân làng cắt cử người lấy xe máy chở cậu về. Đường sá sạt lở, đi được một đoạn, Nam chia tay người dân rồi đi bộ về. Núi đã vỡ, chỗ đất cũ không còn là địa thế an toàn. Người dân được đưa ra ở khu tái định cư mới, trong những ngôi nhà mới bằng bê tông kiên cố.

Ngày rảnh Nam vẫn hay vào lại làng cũ chơi. Dòng suối giờ nước đã trong lành, dù hình dáng không còn như lúc đầu. Mấy cây bằng lăng bị đất đá xô nghiêng cũng kịp hồi sức, đơm hoa tím ngắt một vùng.

Nguyễn Đắc Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top