ClockChủ Nhật, 14/10/2018 18:18

Chuyến đò không đưa em về

Cha & conLàng línhAnh ở đâu

1- Như bất cứ ngôi nhà nào nằm ở dòng sông mênh mông nước. Nhà của Lựu cũng có một chiếc cầu ván bắc nửa chừng. Đó là nơi cập bến của những chiếc xuồng máy đuôi tôm, đó còn là nơi để giặt áo quần. Và đó cũng là nơi ngóng xa vời của cô gái 17 tuổi.

Những con đò đưa dâu cũng xuôi qua con sông này. Đám cưới với những chiếc thuyền giăng những lá cờ màu rực rỡ, với người người quần áo mới. Biết bao nhiêu buổi chiều Lựu đã ngồi nơi chiếc cầu bắc lưng chừng ở bến nước để nhìn những chiếc thuyền đưa dâu ấy.  

17 tuổi bẻ gãy sừng trâu, người xưa đã ví von tuổi 17 như thế đó. Nhưng tuổi 17 của Lựu bẻ không gãy một, mà rất nhiều chiếc sừng trâu. Mỗi ngày cầm mái chèo xuôi dòng nước, Lựu trở thành cô gái làm đồ gốm ở một nơi cách nhà hai nhánh sông.

Những đám lục bình trôi xuôi khi buổi sáng Lựu chèo thuyền đi làm, những đám lục bình hoa tím trôi về khi buổi chiều Lựu xuôi chèo về lại ngôi nhà. Lựu không nghĩ đến một ngày mình sẽ trở thành cô dâu, sẽ lìa xa mái nhà tranh ven sông này. Nói cách khác, Lựu không nghĩ là đến một ngày nào đó tình yêu sẽ tới với mình.

Nhưng tình yêu đến có ai hay? Cũng như có ai ngờ một buổi sáng suốt dọc triền sông bỗng rợp trời cả sắc màu hoa ô môi tím. Những cuộc hẹn hò của những đôi trai gái cũng thơ mộng không kém khi chuyến đò hò hẹn dựng lại dưới gốc ô môi nở tím ấy. Cho đến một buổi chiều về muộn – con nước trên sông bỗng đổ ào về khiến cho Lựu không thể nào điều khiển được chiếc thuyền lá nhỏ của mình thì Hùng xuất hiện.

Trên chiếc giò lãi đang chạy ngược chiều cùng với Lựu. Hùng đã áp sát mạn thuyền em. Bằng động tác khéo léo, Hùng giữ chiếc thuyền của Lựu lại:

- Cô nhảy sang đây đi.

Lựu chần chừ thì tiếng nói càng như ra lệnh:

- Nhảy sang đi. Nhảy sang đi.

Họ quen nhau từ đó. Thì tình yêu cũng giống như sự trớ trêu của định mệnh. Có ai đoán biết được điều gì đã xảy ra. Hùng là một thanh niên nghèo, có nhiệm vụ đưa trứng bỏ mối cho những gian hàng ngoài chợ cho ông chủ lò vịt Mỹ Hưng. Hùng chú ý đến Lựu từ lâu, cho đến cái ngẫu nhiên của buổi chiều hôm đó, khi con nước lũ đổ ra khơi.

Những cây ô môi nở tím, rồi vàng cả triền sông màu vàng, hoa điên điển chứng kiến mối tình quê.

2- Nhưng sông nước thì cứ trôi mãi bao nhiêu nước ra biển. Như nắng vẫn chiếu vàng trên những đám lục bình trôi. Một chuyến đò cũng cờ bay, áo đỏ và tiếng cười đã đưa Lựu rời xa ngôi nhà lá có bao nhiêu năm buồn vui ở đó. Mình cũng có một ngày vui. Lựu đỏ hoe cả mắt khi bước chân xuống chiếc cầu hờ hững của bến sông theo chồng. Lựu không hình dung con đường phía trước sẽ như thế nào? Nhưng dẫu có muốn ngoảnh đầu quay lại cũng chẳng thể nào quay được. Cuộc sống vợ chồng đã bắt đầu từ đó.

Lựu nói:

- Em không ngờ mình phải chịu phận làm dâu với biết bao nhiêu cay đắng.

Bao nhiêu cay đắng mà Lựu kể là em phải giã từ cái lò gốm. Hàng ngày tất cả với đàn lợn, chuồng gà. Hàng ngày đi chợ, nấu cơm và lo chăm sóc vườn cây nhà chồng. Có ngày có khi trời tối mịt mới có thể ngả lưng ra mà nghỉ. Mặt trời chưa mọc phải lao đầu vào bếp lo bữa sáng cho gia đình.

Hàng ngày Hùng vẫn lênh đênh trên sông để bỏ mối trứng vịt. Anh biết mẹ và các em mình đối xử với vợ như thế nào. Nhưng cách duy nhất là phải có ngôi nhà riêng của hai vợ chồng. Bao nhiêu lần bàn bạc, bao nhiêu lần suy tính vẫn không nghĩ ra phương cách.

- Thôi, để em ra chợ bán rau. May ra – Lựu nói với chồng như thế.

- Nhưng, nhưng mẹ có cho không?

- Không cho em cũng đi. Miễn là anh đồng ý.

- Ừ, nhưng vốn đâu?

- Em có chỉ vàng dành dụm lâu nay.

Chợ có thêm một cô bán rau xinh đẹp. Hàng rau Lựu bán đông khách nhờ tánh mềm mỏng và biết bán lời vừa phải của em. Nhưng để đánh đổi sự tự do ngoài chợ là sự chì chiết, tiếng to tiếng nhỏ của gia đình chồng. Phải có căn nhà riêng? Phải có căn nhà riêng – Lựu nói với chồng bao nhiêu lần chuyện đó: “Anh yêu em không?”, “Sao lại không?”, “Vậy mình phải ở riêng”.

- Ừ, nhà riêng.

3- Như bất cứ cô gái quê nào cũng ảo tưởng về một đô thị phồn hoa, ở đó người ta tiêu tiền cho một bữa nhậu bằng một người ở quê đổ mồ hôi cả năm trời. Khi đứa con đầu lòng tròn một tuổi, Lựu mới thấy sự thiếu thốn tiền bạc như thế nào. Sự thiếu thốn thường nảy sinh ra những tật xấu. Nghe lời vợ, Hùng đã tìm cách dựng một ngôi nhà tranh nhỏ ở bãi đất trống cuối làng. Ngôi nhà giống như trong các chuyện cổ tích.

Hùng là một thanh niên chịu khó làm ăn. Nhưng lại là một thanh niên yếu đuối, nghe lời bạn bè. Một chuyến chở vịt đi bán, tất cả tiền của chủ đã được anh để lại trong sòng bài. Hậu quả là món nợ và công việc mưu sinh trút lên đầu vợ.

Thế là Lựu theo một chị bán hàng quen ở chợ lên đường về thành phố. Điều tất yếu đã xảy ra cho một cô gái quê xinh đẹp giữa bao cám dỗ của chốn phồn hoa.

Bao nhiêu rượu đã rót, bao nhiêu vòng tay đã ôm, bao nhiêu đêm say vì ép khách. Lựu không nhớ rõ. Mà làm sao nhớ được khi Lựu như một kịch sĩ đại tài diễn vở kịch cho chính cuộc đời mình. Em thuê một căn phòng nhỏ để trú thân. Hàng ngày đúng giờ lên phấn son, bước vào cuộc mưu sinh bằng thân xác mình. Nhưng cuộc mưu sinh này không có nắng chiếu trải vàng trên những bông hoa lục bình tim tím. Lựu bỗng giật mình khi thói quen của mình thay đổi tự bao giờ. Đó là thói quen mất đi cái cảm giác khi có một vòng tay xa lạ của một người đàn ông không phải là chồng mình choàng tay qua mình. Những vòng tay ấy được trả giá.

Những lá thư Hùng gởi cho vợ từ dòng sông ấy lá nào cũng như lá nào: “Con khóc và nhớ em nhiều. Căn nhà không có  em như trống vắng hẳn ra. Thôi vì gia đình em ráng chịu tha phương. Anh sẽ lên thành phố gánh vác dùm em phần gánh nặng”.

Lựu viết thư trả lời: “Không được đâu anh Hùng. Bà chủ may gia công bả sợ mình lười nên bả bắt phải làm việc liên tục, không cho nghỉ. Em cố giành dụm càng nhiều càng tốt để có thể trả cho xong món nợ cho anh. Em kiếm thêm chút nữa để mình  mở lò ấp vịt. Làm chủ thì may ra mình còn có cơ ngóc đầu lên”.

Cả nhà tưởng hàng ngày Lựu đang ngồi bên máy may đạp đều. Đôi lúc khi nhận được món tiền Lựu gởi về – Hùng cũng đặt câu hỏi: “Nghề may ở thành phố kiếm được nhiều tiền cho nên mọi người thích đi may?”.

Vài tháng, Lựu lại xóa bỏ phấn son. Leo lên chiếc xe đò, qua phà trở về nhà. Món nợ của Hùng trả hoài vẫn chưa xong. Người con trai năm nào đã ngăn chặn chiếc thuyền nan giữa dòng, đưa người con gái 17 về bến bờ. Những bông hoa ô môi tim tím dường như không còn là nơi hò hẹn của mối tình quê xưa. Lựu muốn tìm lại chút hơi ấm nồng nàn ở gia đình. Em thèm nghe buổi sáng tiếng gà gáy vang rân. Lựu thèm nghe tiếng cá quẫy đuôi bên dòng nước thân thiết. Thèm nhìn thấy chú ong lượn bay bên đóa hoa cải vàng. “Tôi muốn quay về. Tôi muốn sống bình an”. Trong sâu thẳm trái tim em đã gào lên 1 lời nói ấy.

4-  Có những ngoảnh đầu thì mọi việc đã trôi xa. Có những cái vẫy tay không kéo lại được cuộc chia lìa. Đó là một buổi chiều mưa tầm tã. Cơn mưa hạ mù đất mù trời khiến cho lòng người thêm nặng trĩu nỗi buồn.

Hành lang của Trại giáo dục phụ nữ im ắng. Những chiếc lá bàng rụng ấy. Rồi cô định quay lưng chạy. Trước mặt cô là Hùng.

Nhưng những bàn chân chạy trốn ấy chỉ là ngã quỵ. Đôi mắt Lựu tuôn trào những giọt nước mắt. Em đã bị bắt trong một lần kiểm tra. Em không chứng minh được mình là người trong sạch.

Trên chuyến xe về quê, Hùng chợt hiểu có điều gì xảy ra trong lòng người vợ của mình. Dù cố tình không son phấn, nhưng mùi son phấn đã thấm đẫm trong da thịt Lựu. Hùng bằng giác quan của người chồng đã ngửi được cái mùi bí ẩn ấy, khi vòng tay ôm vợ, anh chợt nghe có tiếng thở dài.

Hùng lên đường tìm kiếm Lựu. Ở nơi Lựu gọi là “tiệm may” ấy – anh hay tin Lựu vừa bị bắt.

- Anh đến đây làm gì? – Vùng vẫy trong tay chồng, Lựu hỏi.

- Anh đến bảo lãnh em về .

- Không. Em nhơ nhuốc lắm rồi. Liệu anh có sống được cùng em?

- Được mà.

- Em không tin

- Lựu. Về với anh đi.

Về với anh đi. Về với những bông hoa lục bình trôi tím cả buổi chiều trên dòng sông ấy. Về. Như con thuyền đám cưới ước mơ ngày nào đưa em về nhà chồng?

Lựu vùng khỏi tay chồng. Em chạy ào ra  mưa. Em chạy. Em muốn mưa rửa sạch những buồn bã của ngày qua. Và dòng sông quê em có bao nhiêu mối tình thơ không trọn vẹn.

Nhưng có một điều chắc chắn là chuyến đò năm xưa chẳng thể đưa được em về tuổi 17 ngày xưa.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top