ClockChủ Nhật, 30/07/2017 09:38

Anh ở đâu

TTH - Lê nhìn quanh quầy báo, mắt dừng lại chồng báo Cuối tuần đặt ở mé quầy. Cô cầm một tờ, nhìn mục lục ở trang nhất rồi lật tìm truyện ngắn Nắng thao trường của Lương Minh. Với Lê, truyện nào của tác giả này cũng đáng xem. Anh là lính? Chẳng phải! Những người lính ngày ngày mang ba lô đi ngoài đường, khỏi nhìn, Lê cũng biết trên mỗi ba lô có chiếc chiếu cuộn tròn, gập ngang, thấy mà thương. Đội kiểm soát quân sự quân khu vẫn thường qua đây, chỉ ba người mà các anh vẫn đi “một, hai”, mặc cho người xe trên phố hối hả. Có lần Lê và mấy nhỏ bạn trêu, các anh chẳng thèm ngoảnh sang, mặt lạnh như nước đá, khiến cả bọn rét. Lương Minh không thể là người như thế. Qua trang viết, Lê nghĩ anh yêu đời yêu người lắm lắm, yêu đến mức chắc trái tim phải đau đớn. Đằng này, những người lính Lê gặp (vô phép nói sau lưng họ) thật khó gần; súng đạn và thơ ca coi bộ khó hòa đồng lắm.

- Cho tôi mấy tờ Cuối tuần.

- Anh lấy đi.

Lê hơi hạ tờ báo đang đọc, thoáng thấy khách là anh bộ đội. Anh lật xem một hồi rồi lấy mấy tờ báo để riêng ra. Anh mở ví lấy tiền, hơi ngẩn người một chút rồi ngần ngại cầm một tờ báo đã lấy để lại chỗ cũ trên quầy.

- Tôi mua ba tờ Cuối tuần nhưng thiếu năm trăm đồng...

- Không sao đâu - Lê đặt tờ báo qua bên, ngước lên thấy nụ cười rụt rè của khách - Nhưng sao anh mua cùng loại nhiều thế?

- Tôi mua... giùm anh em.

- Anh mua ba loại khác nhau để chuyền nhau đọc có hơn không?

- Thôi kệ.

Khách mỉm cười, lúng túng. Lê đón những tờ bạc lẻ, khỏi đếm lại, bỏ luôn vào ngăn kéo. Anh bộ đội nấn ná, ý chừng chưa muốn rời quầy báo. Lê ngồi xuống ghế, đọc tiếp cái truyện của Lương Minh; khi ngước lên, chạm cái nhìn bối rối của khách. Dù anh cố nhờ sự che chở của tờ báo đang treo nhưng làn gió đã tố cáo anh khi không cho tờ báo đứng im.

- Mặt tôi dính lọ chăng?

Khách đỏ mặt... Lê nhìn cho đến khi đôi vai xuôi xuôi sau làn quân phục khuất hẳn. Người đâu mà nhìn phát sợ, dây thần kinh lịch sự bị liệt chắc?! Lê không lạ khi gặp ánh nhìn khác thường của bạn trai nhưng dẫu sao họ cũng kín đáo. Ngay hồi học phổ thông, Lê đã đoạt danh hiệu Hoa khôi của trường. Bởi thế nhiều bạn khuyên Lê thi vào trường điện ảnh hay sân khấu nhưng Lê muốn học ngữ văn, cô yêu văn mà. Ngày nghỉ, Lê lại giúp mẹ trông coi quầy báo và tha hồ đọc.

Là người thế nào nhỉ? Lương Minh ấy. Thông minh, đẹp trai, tất nhiên rồi; ánh nhìn của anh hẳn cũng khác người. Đôi mắt sau kính cận hay ngước cao để chiêm ngưỡng vũ trụ rồi nhìn xa để thâu lấy những gì xung quanh. Anh ít nói? Chắc phải thế bởi lời anh luôn thể hiện chiều sâu tri thức. Hồi học trung học, Lê có dự lễ đón một nhà thơ đến thăm trường; chắc người ta đón lãnh tụ cũng to thế là cùng. Do trời mưa nên buổi nói chuyện của nhà thơ phải chuyển từ sân vào hội trường quá nhỏ so với lòng mến mộ. Thế là chen lấn, bu cửa sổ, đứng lên vai nhau. Lê nhướng mỏi cổ, mỏi chân cũng chỉ thấy mỗi cái đầu hói trắng của nhà thơ...

 Lương Minh là người như thế, dễ chi gặp anh. Nếu được gặp, Lê sẽ hỏi cảm xúc nào cho anh có được những sáng tác quá hay. Rồi Lê sẽ nhờ anh chỉ cho cách viết văn. Hồi học phổ thông, Lê có những bài văn đạt điểm chín, được đọc trước lớp. Không lẽ hồi nhỏ, tập làm văn của anh chỉ toàn điểm mười? Nhưng chắc gì anh đã nói; không khéo anh lại cười: “Khó lắm, em ơi!”

 Lần thứ hai, anh bộ đội đến mua báo. Người xấu đến cả dáng đi, anh nhìn mãi xuống chân, ngỡ như mặt đường đã bị bọn đinh tặc giăng bẫy. Hẳn còn xấu hổ bởi cái nhìn tội lỗi lần trước, anh nói mà mắt vẫn dán vào tờ báo:

- Bạn cho ba tờ Cuối tuần.

Bạn? Từ bao giờ thế? Muốn làm dịu tình hình chắc? Hay tán? Chàng “thợ mộc” bắt đầu ra “cưa” đây!? Tinh thần cảnh giác của cô chủ nhỏ trỗi dậy. Nhìn khuôn mặt sạm nắng, có cái bớt vô lý nơi khoé miệng, Lê thích gây chuyện:

- Tôi chỉ bán cho anh một tờ.

- Lý do?

- Chắc anh mua báo chẳng phải để đọc!? Bởi nếu đọc, anh sẽ quý nội dung tờ báo. Chẳng hạn Cuối tuần số này có truyện ngắn Hai miền thương nhớ của Lương Minh...

- Bạn thấy sao?

- Sao gì?

- Truyện của Lương Minh ấy.

- Hay!

- Cảm ơn.

- Sao anh cảm ơn?

- Biết đâu... anh ấy là đồng đội tôi; như vậy bạn đã nghĩ tốt về người lính.

- Anh mông lung quá - Lê lắc đầu, cười thành tiếng.

 Khác lần trước, nhìn anh bộ đội cầm mấy tờ báo quay ra, Lê không thấy khó chịu. Vẻ nhã nhặn của anh khiến lòng cô dịu lại.

 Lương Minh vẫn có bài in đều trên báo Cuối tuần; rải rác trên các báo trung ương đã có truyện anh. Lần theo địa danh ở cuối bài, Lê biết khi anh ở trong Nam, lúc ngoài Bắc. Lê quyết định ghi thư cho anh. Người nhân hậu như anh chắc không nỡ dửng dưng trước sự ái mộ của bạn đọc. Nhưng làm sao tìm được anh giữa chín chục triệu người của đất nước mình? Đến toà soạn báo! Đúng rồi, ở đó, họ phải biết địa chỉ cộng tác viên.

***

“Lương Minh...”, nghe Lê hỏi, bác trưởng phòng hành chính của báo nhẩm lại. Bác ngẩn người, trán díu lại như đang đếm trí nhớ. Sao bác nỡ quên người nổi tiếng như thế!? Lê toan giải thích thì bác lên tiếng:

- Cháu hỏi Lương Minh hay viết truyện ngắn phải không?

- Dạ, đúng rồi!

Trao cho Lê mảnh giấy ghi địa chỉ của Lương Minh, bác nói:

- Theo kế hoạch, báo Cuối tuần ra ngày 22 tháng 12 năm nay sẽ giới thiệu về Lương Minh, cháu đón xem.

Từ toà báo, Lê đến bưu điện thành phố, bỏ thư vào hộp. Trước đó, cô cứ đưa phong bì vào hộp rồi lại rút ra. Mình đường đột quá chăng? Anh ấy có trả lời? Nỗi phấp phỏng bám riết Lê suốt ngày hôm đó và những ngày sau đó. Mười ngày rồi gần một tháng kể từ hôm gửi thư, vẫn không thấy hồi âm. Thư lạc? Cũng có thể nhưng cái chính là anh ấy không có thì giờ trả lời độc giả chăng?

Nhớ lời bác trưởng phòng hành chính, Lê nóng lòng chờ số báo Cuối tuần chào mừng kỷ niệm ngày thành lập quân đội. Đây rồi, “Đọc truyện cuối tuần - Giới thiệu tác giả trẻ Lương Minh”. Lê líu ríu mở nhanh tờ báo; có cả ảnh tác giả kèm theo bài viết. Lê kinh ngạc nhìn bức ảnh; hai tay nâng tờ báo đưa sát mặt, rồi lại đưa ra xa, mắt căng tròn. Lẽ nào Lương Minh lại là anh- anh bộ đội đã hai lần đến đây mua báo! Tình cảm cao đẹp trên những trang viết là của người bình thường đó sao!? Vô lý! Nhưng cái bớt nơi khoé miệng làm sao lẫn được và cả nụ cười toát lên vẻ khiêm nhường...

 Lê liếc nhanh phần LỜI TOÀ SOẠN “... Khi chúng tôi chuẩn bị số báo này thì nhận được tin Lương Minh đã hy sinh trong lần đi giúp dân tránh lũ mới đây. Anh đã lao vào dòng nước xiết cứu ba em học sinh; khi vớt được em cuối cùng thì anh đuối sức, bị dòng nước cuốn trôi... Truyện ngắn Đừng nhìn anh như thế mà các bạn đang xem là sáng tác cuối cùng được anh để lại trong nhật ký...”

NGUYỄN CẢNH TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài Đông Ba, nét đẹp cuối tuần

Với phong trào “Áo dài ngày thứ Bảy”, chị em tiểu thương chợ Đông Ba đã lan tỏa tình yêu áo dài và tạo nên một nét đẹp rất riêng ở chợ Đông Ba suốt gần 3 năm nay.

Áo dài Đông Ba, nét đẹp cuối tuần
Những không gian ấn tượng cho ngày cuối tuần

Trời mưa lạnh, đi lại có chút bất tiện, thế nên việc chọn cho mình địa điểm cà phê ăn sáng cuối tuần vừa ấm cúng, vừa đảm bảo phòng, chống dịch là lựa chọn hợp lý.

Những không gian ấn tượng cho ngày cuối tuần
Những chú ngỗng

Chiều cuối tuần, bạn gửi tấm ảnh mới chụp được cho tôi với lời nhắn kèm theo: yên bình không, cuối tuần thư giãn nhé!

Những chú ngỗng

TIN MỚI

Return to top