ClockThứ Sáu, 19/01/2024 07:26

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với quảng bá đất nước, con người Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 21/TB-VPCP ngày 18/1/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam".

Công nghiệp văn hóa vững mạnh góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vựcÁo dài Việt & góc nhìn từ HanbokPhát huy giá trị văn hoá nón lá HuếHội Báo toàn quốc 2023: "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo"Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là giá trị cốt lõi

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Thông báo kết luận nêu rõ, văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, gồm: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, thể hiện qua tỷ lệ đóng góp vào GDP, số lượng cơ sở kinh tế và lực lượng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo.

Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; vẫn phải đối mặt với những hạn chế, khó khăn, thách thức, điển hình là: Chưa quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn trong một số lĩnh vực, cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ; cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa hiệu quả; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực.

Phát triển công nghiệp văn hóa phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên các quan điểm cơ bản: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đáp ứng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững" trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng"; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính chất đột phá; cần "Tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển" các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa "tiềm năng" thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao.

Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; chủ động, tập trung, phối hợp chặt chẽ, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí…) để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Xây dựng, triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương trước mắt xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó tập trung định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và giải pháp thực hiện, bảo đảm sát tình hình, khả thi; giao trách nhiệm, nhiệm vụ đầy đủ, cụ thể, phù hợp cho các bộ, ngành, địa phương, các đề nghị cụ thể đối với các tổ chức, doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia, nhân lực sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là về cơ chế, chính sách, các nội dung, hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, việc tăng cường liên kết, kết nối, hình thành mạng lưới không gian sáng tạo; hồ sơ đầy đủ của dự thảo Chỉ thị nêu trên báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2024.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động lựa chọn, xác định việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam hoặc xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế của Việt Nam cho giai đoạn tới, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị nêu trên; chủ trì hoặc phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan và xây dựng, triển khai các nội dung, hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; lưu ý trách nhiệm của các Bộ trong chủ trì, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cụ thể thuộc phạm vi, chức năng quản lý, việc xây dựng gói tín dụng ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” đến danh hiệu di sản

Trong bức tranh toàn cảnh về người Cơ Tu, lễ hội mừng lúa mới giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, làm nổi bật các đặc trưng văn hóa tộc người, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan cũng như các hệ tri thức bản địa. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong quá trình xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở vùng Nam Đông, huyện Phú Lộc, TP. Huế”.

“Tìm đường” đến danh hiệu di sản
Khi văn hóa mang lại kinh tế cho cộng đồng

Cách đây chưa lâu, khi nhắc đến A Lưới nhiều người vẫn ái ngại vì dịch vụ lưu trú ở huyện vùng cao còn quá nghèo nàn và thiếu thốn. Thế nhưng hôm nay, khi quay lại A Lưới, mọi người đều bất ngờ với sự thay đổi ngoạn mục, chất lượng dịch vụ du lịch nơi đây phát triển vượt bậc. Những cảnh quan nhiên, như suối A Nor (Hồng Kim), Par Le (Hồng Hạ)… được đầu tư, đánh thức. Các khu homestay, farmstay… mọc lên đã làm thay đổi bộ mặt du lịch, biến A Lưới trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Khi văn hóa mang lại kinh tế cho cộng đồng
Huế có thêm không gian văn hóa, ẩm thực

Tổ hợp trải nghiệm văn hóa - ẩm thực - quà tặng đặc sản kinh đô nằm ở tầng 1, tòa nhà Sốngcentre Huế (khu A2 Khu thương mại Hùng Vương, đường Bà Triệu, quận Thuận Hóa) vừa chính thức khai trương, mở cửa đón người dân và du khách vào chiều 19/4.

Huế có thêm không gian văn hóa, ẩm thực
Lan tỏa Tủ sách Huế & văn hóa đọc trong học đường

Để lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế và văn hóa đọc trong học đường, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức các hoạt động giới thiệu Tủ sách Huế ở các trường học. Báo Huế ngày nay đã có cuộc trò chuyện với ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố về những hoạt động này.

Lan tỏa Tủ sách Huế  văn hóa đọc trong học đường

TIN MỚI

Return to top