ClockThứ Ba, 17/12/2024 12:50

Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường

TTH - Một chương trình nghệ thuật nhưng không đơn thuần chỉ có múa hát, ở đó một thông điệp được người làm chương trình định hình rõ ràng: Bảo vệ môi trường. “Hoa và rác” là một chương trình nghệ thuật như thế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay tại Huế - một thành phố được mệnh danh xanh - sạch - sáng của Việt Nam.

“Hoa và rác”-Thông điệp bảo vệ môi trườngTrịnh Công Sơn Foundation đồng tổ chức chương trình nghệ thuật “Hoa và Rác” tại Huế

Nhóm Feelings - một nhóm nghệ sĩ về ca nhạc và múa đương đại ở TP. Hồ Chí Minh trình diễn tại đêm nhạc 

Hai đêm diễn “Hoa và rác” vừa diễn ra vào giữa tháng 12 tại Nhà hát Sông Hương bên trong Học viện Âm nhạc Huế, cạnh bờ sông Hương thơ mộng đã để lại rất nhiều dư âm không chỉ người xem mà cả người tổ chức, những nghệ sĩ từ phương Nam xa xôi. Người xem ấn tượng bởi một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, lồng ghép một thông điệp luôn mang tính thời sự, nhức nhối toàn cầu đó là câu chuyện bảo vệ môi trường. Và với người tổ chức, họ là những người Huế xa quê, những nghệ sĩ yêu mến Huế bởi cảnh sắc, con người thân thiện, đặc biệt môi trường xanh, sạch, sáng.

“Trách nhiệm với Huế” – ông Nguyễn Trung Trực, đại diện Trịnh Công Sơn Foundation đã tâm tình như thế khi đưa chương trình về Huế - quê hương vợ ông, phần mở đầu chương trình nghệ thuật. Ý tưởng này cũng được ông Ngô Như Hùng Việt – một người gốc Huế hoạt động trong lĩnh vực môi trường đồng tình và quyết định làm một chương trình nghệ thuật đặc biệt.

Khi phông màn trên sâu khấu được kéo ra, nhiều người đã không khỏi bất ngờ bởi những tiểu cảnh, họa tiết trang trí trên đó đều được làm bằng phế liệu, rác thải. Những câu hỏi đề dẫn mở đầu được đặt ra liên tục về vấn nạn rác thải, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước… đâu đó là sự thờ ơ và trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện đại. Nhói lòng, tự vấn là cảm giác của những ai ngồi bên trong khán phòng.

Với hơn 2 giờ đồng hồ mỗi đêm diễn, chương trình nghệ thuật đã đưa người xem trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc với các chương Tình quê hương, Rải và nhặt, Môi trường muôn sắc, Hoa và rác. Hơn 100 nghệ sĩ chuyên lẫn không chuyên, trong đó chủ đạo là nhóm Feelings - một nhóm nghệ sĩ về ca nhạc và múa đương đại ở TP. Hồ Chí Minh đã “dẫn chuyện” bằng những ca khúc của những tên tuổi vang danh như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… với phong cách thanh lịch, sang trọng.

Lần lượt, Nước non ngàn dặm ra đi, Tình hoài hương, Mùa xuân đầu tiên, Sắc màu, Hôm nay tôi nghe… được các nghệ sĩ thể hiện theo cách riêng, đưa người xem đắm chìm trong không gian âm nhạc sâu lắng. Chương trình còn có những màn trình diễn múa kết hợp tương tác giữa nghệ sĩ với các tác phẩm tái chế được dịch chuyển trên sâu khấu. Cứ như thế, thông điệp bảo vệ môi trường dần hiện ra, rõ hơn và được người xem đón nhận rất tự nhiên, chân thật. Đâu đó còn là câu chuyện tái chế và xa hơn là nghĩa vụ của mỗi con người với trái đất mình đang hít thở.

Chương trình nghệ thuật “Hoa và rác” đã đi vào lòng và đọng lại trong lòng khán giả Cố đô, một vùng đất thơ mộng và nổi tiếng xanh, sạch, sáng, thành phố xanh, “rừng trong phố”. Tất cả không dừng lại ở chương trình giải trí mà được nâng tầm, mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống của mỗi người.

Nhà báo Minh Tự - một trong những vị khách của đêm diễn - đã rất ấn tượng với chương trình nghệ thuật này bởi sự độc đáo riêng có. Đó không chỉ là câu chuyện biến hoa thành rác và biến rác thành hoa mà đó còn là câu chuyện của đời sống con người. “Đó là câu chuyện của sinh và tử, thải và dọn, rải và nhặt, trồng và đốt, xây và phá, vui và buồn, sướng và khổ, mê và tỉnh... Hoa và rác, hoa hay là rác?”, nhà báo Minh Tự đúc kết sau khi xem đêm diễn. Anh nói thêm, điều thành công của chương trình chính là kịch bản được xây dựng với bố cục rất tài tình, thu hút người xem đến hồi kết.

Không riêng gì nhà báo Minh Tự, rất nhiều khán giả hôm đó đã không khỏi trăn trở khi rời khỏi khán phòng. Họ mang theo mình những nỗi lo và câu hỏi mong một ngày sẽ có câu trả lời không gì ngoài hành động: Bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên (HSV) Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2025), từ ngày 9/1-18/2, HSV và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025.

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025
Háo hức chờ… đếm ngược

Thời tiết đẹp, trời lạnh nhưng không mưa nên hàng ngàn người dân, du khách đã có mặt từ rất sớm để chờ đợi được hòa mình vào chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025. Sự háo hức của hàng ngàn khán giả hơn hẳn mọi năm bởi đây cũng là thời điểm họ sẽ đếm ngược đến giây phút Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương.

Háo hức chờ… đếm ngược
"Đại sư phụ" nghệ thuật nhà mồ

Người Cơ Tu tại huyện Nam Đông luôn tự hào về lớp nghệ nhân tài hoa, những người vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghề điêu khắc nhà mồ. Ông Phạm Xuân Tin (thôn 4, xã Thượng Long) được xem là “đại sư phụ” của nghệ thuật này.

Đại sư phụ nghệ thuật nhà mồ
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

TIN MỚI

Return to top