ClockThứ Tư, 22/01/2014 17:07

Bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường Phước Tích

TTH - Năm 2009, làng Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) được Bộ VH - TT & DL công nhận là Di sản Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia với vai trò chủ đạo của hệ thống nhà rường có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nhà rường đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả người dân và chính quyền địa phương.

Di sản nhà rường truyền thống

Với diện tích chỉ 1,2 km2, nhưng làng Phước Tích còn lưu giữ đến 30 ngôi nhà rường với tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có 24 ngôi nhà ở và 6 nhà thờ họ. Nhà rường ở Phước Tích phổ biến là loại hình ba gian hai chái. Ngoài ra là kiểu kiến trúc một gian hai chái, còn gọi là nhà vuông, nhà bánh ú hay phương đình cũng là không gian cư trú quen thuộc, đồng thời, cũng được biết đến với chức năng là những ngôi nhà thờ họ.  

Nội thất một ngôi nhà rường ở Phước Tích

Cuối thế kỷ XX, do xu thế và nhu cầu của thị trường, nghề gốm đất nung truyền thống của người dân Phước Tích đi vào ngõ cụt. Mất nghề, lại vốn là ngôi làng không có đất ruộng, người dân Phước Tích bắt đầu ly hương đến các thành phố lớn làm ăn sinh sống, đặc biệt là lớp thanh niên trai tráng. Từ đó, chủ nhân của những ngôi nhà rường truyền thống nơi đây chỉ còn là người già. Sự thiếu hơi ấm con người, cộng với thời gian, mối mọt… tàn phá, khiến nhiều nhà rường Phước Tích bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có đến 5 ngôi nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Cuối năm 2012, ngôi nhà rường ba gian hai chái của gia đình ông Trương Duy Thanh may mắn được trùng tu bởi sự tài trợ của dự án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng và phát triển du lịch”, thuộc Chương trình Hợp tác song phương Việt Nam - Wallonie/Bruxelles tài trợ kinh phí tu bổ, dưới sự chủ trì của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn như vậy, vẫn còn đó nhiều ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng gia chủ thì lực bất tòng tâm.

Để bảo tồn nhà rường ở Phước Tích một cách bền vững và hiệu quả, thiết nghĩ, cần thiết phải có những giải pháp mang tính lâu dài.

Một số đề xuất

* Quy hoạch chi tiết

Cần thiết phải có một đề án quy hoạch chi tiết mang tính dài hạn nhằm khoanh vùng và phân loại nhà rường ở Phước Tích. Xếp hạng những ngôi nhà có giá trị bậc nhất để đưa vào diện quản lý, khai thác giá trị trong chiến lược phát triển du lịch địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần phải phân loại, xếp hạng theo nhóm những ngôi nhà bị hư hỏng một phần, hư hỏng nặng, những ngôi nhà đang có nguy cơ sụp đổ… để có thể theo dõi và đưa vào chương trình, kế hoạch phục hồi ngay khi có thể. Ngoài ra, việc quy hoạch về yếu tố cảnh quan, môi trường và đề xuất những yếu tố có khả năng tác động tiêu cực đến các di sản kiến trúc như mưa bão, lũ lụt… cũng cần được đề cập đến một cách nghiêm túc, khoa học.

* Vấn đề nguồn nhân lực

Hiện nay, hơn 70% dân số Phước Tích là những người trong độ tuổi từ 60 trở lên. Đặc biệt, chủ nhân của những ngôi nhà rường hầu hết là người cao tuổi. Số phận những ngôi nhà này sẽ như thế nào khi thế hệ này không còn nữa. Một thực tế cho thấy, hiện tượng hoang hóa đang dần phổ biến đối với nhà rường Phước Tích, trong khi đó, các lớp con cháu đều đã có cuộc sống ổn định ở các địa phương khác và tất nhiên, họ sẽ không trở về làng khi không có công việc và thu nhập ổn định.

Để bảo tồn nhà rường Phước Tích một cách hiệu quả, một yếu tố vô cùng quan trọng là phải kêu gọi người dân hồi hương. Tuy nhiên, để người dân trở về, trước tiên cần phải tạo ra được công việc và đời sống kinh tế ổn định. Từ đó, những thế hệ con cháu sẽ tiếp nối chăm sóc, bảo vệ những ngôi nhà rường - di sản quý giá của làng Phước Tích.

* Khai thác du lịch gắn liền với quyền lợi của người dân

Hiện nay Phước Tích đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên Huế. Hoạt động du lịch ở Phước Tích đã được định hình, những chuyến thăm quan nhà rường, thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương trong không gian nhà rường cổ kính, thăm các di tích văn hóa lịch sử như Lò Gốm cổ, di tích văn hóa Chăm, du lịch Homestay… đang khởi sắc.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở Phước Tích hiện nay đang trong tình trạng tự phát là chủ yếu. Người dân địa phương, đặc biệt là chủ nhân những ngôi nhà cổ chưa thực sự hưởng lợi từ hoạt động khai thác du lịch. Một quy chế cụ thể, chi tiết cần sớm được đề ra và thông qua, như bán vé tham quan; vai trò, trách nhiệm của ban quản lý, trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Một khi người dân được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch, họ sẽ tái đầu tư chăm sóc, tu bổ ngôi nhà rường của mình để có thể tham gia hoạt động du lịch một cách lâu dài, bền vững.

Có thể thấy, nhà rường là di sản quan trọng đối với người dân Phước Tích, vì vậy họ luôn quan tâm, bảo quản, tôn tạo mỗi khi chúng xuống cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, không phải gia chủ nào cũng có đủ khả năng để thực hiện được công việc này. Bên cạnh những chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, vai trò của người dân - chủ nhân của những ngôi nhà rường cần phải được đề cao hơn nữa tính tự chủ, sáng tạo trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nhà rường mà vẫn tuân thủ những quy định mang tính pháp lý với những di sản cấp quốc gia.

Nguyễn Long
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top