ClockThứ Tư, 10/04/2019 14:30

Triển khai cắm mốc dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn

TTH - Các địa phương trong vùng ảnh hưởng dự án (DA) đang tích cực phối hợp với Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn triển khai cắm mốc DA đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Cắm mốc giải phóng mặt bằng đường cao tốc Cam Lộ - La SơnQuốc hội khảo sát tuyến cao tốc Cam Lộ - La SơnBấm nút khởi công đường La Sơn - Túy Loan

UBND huyện Phong Điền chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các xã trong vùng dự án có các giải pháp quản lý chặt chẽ tình hình đất đai

Thuận lợi trong giải phóng mặt bằng

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ- La Sơn được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư ngày 19/6/2018 với tổng chiều dài hơn 98km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, phần mặt đường rộng 14m, phân kỳ đầu tư giai đoạn một 2 làn xe rộng 8m; trong đó, chiều dài qua địa phận tỉnh hơn 61 km.

Tại huyện Phong Điền, tuyến cao tốc đi qua 3 xã Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn với chiều dài 24,5km.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương xác định công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) nhanh chóng, thuận lợi là “tiền đề” để triển khai DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn trong thời gian ngắn nhất.

Ngày 27/3, UBND huyện Phong Điền phối hợp cùng Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh và các ngành chức năng tiến hành cắm mốc GPMB để bàn giao cho các địa phương thực hiện công tác đo đạc, kiểm kê tài sản và hoa màu trên đất, chi trả đền bù cho người dân bị ảnh hưởng, đảm bảo DA được tiến hành triển khai theo đúng tiến độ.

Ông Hùng thông tin, diện tích dự kiến làm các khu tái định cư (TĐC) cho 3 địa phương (3 điểm) ảnh hưởng DA là 16 ha với 114 hộ dân. Trong đó, Phong Xuân là địa phương có hộ dân bị ảnh hưởng TĐC nhiều nhất với 67 hộ. Hiện tại, các địa phương trong vùng DA, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đang thực địa cắm mốc để triển khai công tác GPMB sau này.

Sau khi bàn giao cắm mốc, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các xã trong vùng DA có các giải pháp quản lý chặt chẽ tình hình đất đai và hiện trạng trên đất (bằng quay phim, chụp ảnh lưu hiện trạng đất) để tránh tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng trục lợi trong công tác đền bù GPMB như đã diễn ra một số địa phương; quản lý phạm vi ranh giới giao đất của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tránh thất thoát kinh phí của Nhà nước.

Tại TX. Hương Thủy, DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn 6 xã, phường gồm: Thủy Bằng, Thủy Phương, Thủy Châu, Phú Bài, Phú Sơn, Thủy Phù với tổng chiều dài tuyến đã nhận mốc GPMB là 12,4km. Tổng số mốc đã nhận là155/426 mốc, còn tuyến giữa cầu Tuần về giữa thôn Nguyệt Biều (Thủy Bằng) đến nay đơn vị tư vấn chưa liên hệ bàn giao mốc GPMB. Hiện tại các địa phương đang rà soát quỹ đất và vị trí TĐC. Sau khi nhận bàn giao đủ mốc mặt bằng từ Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh, các địa phương sẽ tiến hành ngay công tác GPMB.

Các địa phương trong vùng dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn triển khai cắm mốc lộ giới

Chuẩn bị phương án tái định cư

Hiện nay, UBND huyện Phong Điền chủ động chỉ đạo Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp chính quyền các địa phương đánh giá lại hiện trạng sử dụng đất, diện tích từng thửa đối với từng hộ ảnh hưởng DA, chuẩn bị phương án TĐC; qua đó nắm bắt đối với những hộ có nhu cầu TĐC tại chỗ hoặc tái định cư xen ghép trong khu dân cư và những hộ buộc phải di dời TĐC.

Theo chính quyền địa phương xã Phong Xuân, hiện có 7 hộ dân ở khu vực thôn Xuân Điền Lộc là những hộ dân mới TĐC ảnh hưởng từ mỏ đá của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm trên địa bàn. Tuy nhiên, 7 hộ dân này hiện nay nằm trên tuyến đường dẫn vào cao tốc La Sơn - Túy Loan dự kiến sẽ GPMB.

Ông Trần Văn Cân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân thông tin, trong cuộc họp mới đây giữa các ban ngành địa phương, xã Phong Xuân đã đề xuất phía Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan xem xét nghiên cứu lại khu vực mái đường dẫn lên cao tốc bởi các hộ dân này mới TĐC năm 2013 nếu khi triển khai DA cao tốc tiếp tục TĐC lại thì rất khó khăn cho bà con.

Tuy nhiên, đây mới là đề xuất xem xét nghiên cứu để giảm thiểu ảnh hưởng mức thấp nhất đến các hộ dân này, trong trường hợp “bất khả kháng” thì phải chấp nhận di dời, phục vụ DA.

Theo Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh, DA qua địa phận tỉnh dài 61 km gồm các huyện, thị xã Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc với diện tích GPMB 356 ha. Ước tính tổng kinh phí đền bù GPMB trên toàn tuyến trên 320 tỷ đồng và có 151 hộ dân TĐC. Trong đó, đền bù đất các loại trên 130 tỷ đồng; đền bù nhà cửa, vật kiến trúc trên 81 tỷ đồng; kinh phí ổn định đời sống và sản xuất cho người dân khi nhà nước thu hồi đất trên 62 tỷ đồng; kinh phí xây dựng khu TĐC mới cho 151 hộ dân thuộc diện di dời trên 60 tỷ đồng...

Hiện nay, đơn vị đang thực hiện cắm mốc mặt bằng, dự kiến khoảng giữa tháng 4/2019 sẽ hoàn thành việc cắm mốc để bàn giao cho các địa phương thực hiện công tác đo đạc, kiểm kê chi trả đền bù. Các địa phương cũng tập trung rà soát quỹ đất và vị trí khu TĐC để triển khai việc đầu tư xây dựng hạ tầng, kịp thời cho việc di dân phục vụ DA.

Trong cuộc làm việc với Bộ GTVT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung khẳng định, tỉnh đã có quyết định giao cho Sở GTVT làm đầu mối trong công tác GPMB, tái định cư DA này và đã thành lập hội đồng GPMB để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc. Phía tỉnh sẽ quyết liệt triển khai công tác GPMB, bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo tiến độ DA.

Nối các vùng kinh tế trọng điểm từ Quảng Trị - Quảng Ngãi

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn khi hoàn thành sẽ nối thông với đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Trị và nối thông với DA cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp hoàn hành và tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác. Đồng thời, kết nối cơ bản các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung từ Quảng Trị - Quảng Ngãi, Quốc lộ 9, thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Quảng Bình, kết nối liên hoàn hạ tầng kinh tế cảng biển Chân Mây, Tiên Sa; đặc biệt sẽ rút ngắn khoảng cách từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và sân bay Phú Bài.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc bắc-nam

Năm 2024 qua đi, trên “đại công trường” dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) tiếp tục ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực và chuyển biến mạnh mẽ. Các đơn vị ngành giao thông miệt mài từng ngày, từng giờ “chạy nước rút”, tăng tốc thi công nhằm nối thông tuyến cao tốc bắc-nam.

“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc bắc-nam

TIN MỚI

Return to top