ClockThứ Hai, 31/05/2021 08:48

Nhiều dự án lớn sẽ được triển khai

TTH - Tận dụng nguồn vốn kết dư của dự án Cải thiện môi trường nước (DACTMTN) TP. Huế, sắp tới nhiều DA quy mô lớn sẽ được triển khai trên địa bàn TP. Huế nhằm hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và hạ tầng đô thị trung tâm.

Thu hút đầu tư có chọn lọc - bài 1: “Quả ngọt” đầu tưThêm nhiều dự án mới

Chỉnh trang hai bờ sông Hương là một trong những dự án trọng điểm tiếp tục được triển khai

DACTMTN TP. Huế có tổng kinh phí đầu tư 24,8 tỷ yên (khoảng 5.052 tỷ đồng) từ nguồn vay ODA Nhật Bản, khởi công từ tháng 8/2015. DA triển khai trên địa bàn 11 phường ở phía nam thành phố Huế, trong đó xây dựng một nhà máy xử lý nước thải trên diện tích 9,5ha tại phường An Đông, 8 trạm bơm và xây mới hệ thống cống thoát nước hỗn hợp để thu gom nước mưa và nước thải ở khu vực nội thị nam sông Hương.

Mục tiêu của DA nhằm xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị phía Nam TP. Huế; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát, không được xử lý và chống ngập úng cho thành phố… Hiện nay, nhà máy xử lý nước thải đã chính thức đưa vào khai thác và vận hành với lưu lượng nước thải về nhà máy từ 15.000 - 17.000m3/ngày đêm.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý DACTMTN TP. Huế, hiện DA đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Về phần vốn kết dư của DA với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư và giao UBND tỉnh lập phương án đầu tư một số hạng mục công trình nhằm tăng hiệu quả của DA.

Theo đó, vốn kết dư này sẽ sử dụng để đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Khu đô thị An Vân Dương; xây dựng hệ thống kè chống xói lở tại một số vị trí trên địa bàn TP. Huế và khu đô thị An Vân Dương, xây dựng hệ thống thoát nước và chỉnh trang đường Phạm Văn Đồng. UBND tỉnh đã có quyết định thay đổi chủ đầu tư để thực hiện phần vốn kết dư này và UBND TP. Huế sẽ làm chủ đầu tư.

Ông Tuấn Anh cho biết, Ban Quản lý DACTMTN TP. Huế đang đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi để chuyển các cơ quan thẩm định triển khai thực hiện DA. Dự kiến, công trình sẽ triển khai trong quý II, III/2022, trong đó thời gian thực hiện phần vốn kết dư được cơ quan hợp tác Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam gia hạn đến 30/6/2024.

Cùng với nguồn vốn kết dư của DACTMTN, năm 2021 TP. Huế tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác chỉnh trang, chiếu sáng, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị để triển khai thực hiện 5 chương trình và 7 DA trọng điểm nhằm đổi thay diện mạo đô thị.

Trước mắt, thành phố phối hợp triển khai hoàn thành đề án địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và thành lập các phường thuộc TP. Huế theo quy hoạch trước năm 2022; tập trung hoàn thiện các quy hoạch phát triển, nâng cấp đô thị Huế, phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị hướng biển. Mục tiêu lâu dài là quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm trên cơ sở bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữ gìn và phát huy các giá trị di sản và phát triển các khu vực TP. Huế mở rộng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm chỉnh trang đô thị..

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạ tầng xanh từ dự án Đô thị xanh

Dự án (DA) Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) (gọi tắt DA Đô thị xanh) với mục tiêu chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng đang mang lại diện mạo “xanh - sạch - sáng” cho đô thị Huế.

Hạ tầng xanh từ dự án Đô thị xanh

TIN MỚI

Return to top