ClockThứ Sáu, 18/12/2020 07:30

Giải tỏa nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở TP. Huế: Cần giải pháp căn cơ

TTH - Lưu lượng phương tiện tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông ở TP. Huế chưa đáp ứng khiến nhiều tuyến đường, nút giao thông thường xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm.

Vừa giảm ùn tắc, vừa tiết kiệm, việc gì không làm?Tiếp tục kéo giảm tai nạn, khắc phục ùn tắc giao thôngNâng chất lượng, giảm ùn tắc giao thông

Dù đã được phân làn, lắp đặt đèn điều tiết giao thông nhưng vào giờ tan tầm, đoạn đường Đống Đa trước cổng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu vẫn là “điểm nóng” ùn tắc giao thông

Nạn kẹt xe “bủa vây”

Chiều muộn ngày 8/12, dòng xe máy, ô tô các nơi đổ về ngã tư đường Phan Chu Trinh - Điện Biên Phủ ken dày trên cầu Nam Giao. Lúc này xe cộ phải nhích từng chút một để di chuyển. Nhiều người đi xe máy leo lên vỉa hè để thoát khỏi điểm ùn tắc. Bản thân tôi di chuyển từ Ga Huế đến đường Phan Chu Trinh rẽ qua Điện Biên Phủ phải mất hơn nửa giờ mới thoát ra được điểm nghẽn.

Tại khu vực cổng Trường tiểu học Vĩnh Ninh, Quang Trung nằm trên đường Ngô Quyền, Nguyễn Huệ... luôn là “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc giao thông. Vào giờ cao điểm, nạn kẹt xe ở đây diễn ra thường xuyên ở tất cả các hướng khiến phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vào giờ đưa đón học sinh, xe của phụ huynh từ các ngả đổ về. Trong khi đó có nhiều ô tô đậu hai bên đường khiến lòng đường chật hẹp.

Ở cửa ngõ phía nam TP. Huế, đường Hùng Vương từ ngã 3 nghẹo Giàng Xay đến điểm giao đường Bà Triệu-Nguyễn Huệ được xem là những con đường lớn dù đã được phân làn, có đèn tín hiệu giao thông... nhưng giao thông tại đây thường bị ùn tắc không chỉ vào giờ cao điểm.

Chị Nguyễn Thị Khai (nhà ở đường Phan Chu Trinh, TP. Huế) công tác ở KCN Phú Bài (TX. Hương Thủy) thường qua lại cửa ngõ phía nam thành phố cho hay, vào giờ cao điểm, hàng trăm lượt người, phương tiện thường phải “chôn chân” từ 15-20 phút vẫn chưa ra, vào TP. Huế. Nhiều người cho rằng đi qua đây phải chịu cảnh này bởi đây là tuyến đường chính để ra vào thành phố trao đổi mua bán, làm việc, học tập.

Tại khu vực cầu Lòn, đường Bùi Thị Xuân, hàng ngày vào giờ cao điểm cũng rơi vào cảnh tương tự. Phía bắc sông Hương, nhất là các tuyến đường ra vào các cửa Đại Nội Huế, như Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng, Thạch Hãn, Nhật Lệ... cũng trong tình trạng căng thẳng bởi nạn kẹt xe, có thời điểm trong ngày phương tiện lưu thông hỗn loạn.

Giờ cao điểm tại điểm giao Ngô Quyền-Phan Bội Châu và cổng trường Tiểu học Vĩnh Nĩnh, TP. Huế, giao thông ùn tắc, kẹt xe

Cần có giải pháp căn cơ

Ông Lê Văn Tuyến (ở đường Điện Biên Phủ, TP. Huế) chia sẻ, hệ thống đường sá ở TP. Huế vốn chật hẹp nhưng gần đây phương tiện giao thông, nhất là ô tô cá nhân tăng nhanh di chuyển ngoài đường nhiều nên tình trạng kẹt xe, ùn tắc ở nút giao ngã ba, ngã tư là không tránh khỏi. Bản thân ông Tuyến mua ô tô vào đầu năm 2018, nhưng hiện nay không muốn đi ô tô trong thành phố vào giờ cao điểm vì phải tránh né.

Nhiều người thân của tôi sống ở TP. Huế không dưới 20 năm nay cũng có cảm nhận không khác ông Tuyến. Hiện nay vào giờ cao điểm họ không muốn di chuyển ô tô trong TP. Huế vì mệt mỏi với nạn ùn tắc, kẹt xe ở các giao lộ.

Thời gian qua chính quyền địa phương; ban ngành chức năng tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, như kẻ chỉ phân làn, phân chia đường hai chiều thành một chiều, cấm một số tuyến đậu vào ngày chẵn, ngày lẻ; lắp đặt các thiết bị điều khiển, điều tiết giao thông...

Ông Lê Tuấn Vĩnh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Huế thông tin, mới đây, đơn vị tiến hành khảo sát đề xuất UBND TP. Huế nâng cấp một số tuyến nội đô huyết mạch để góp phần giải tỏa nạn ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm, như Bà Triệu, Trần Phú, Bùi Thị Xuân, Nhật Lệ... nhưng do thiếu nguồn lực, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng quá lớn nên không thực hiện được.

Một cán bộ cảnh sát giao thông, thuộc Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP. Huế chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc tại các tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn là những đường huyết mạch nhưng nhỏ hẹp. Hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải ngày càng tăng nhanh của người dân. Lực lượng công an phải thường xuyên đến các nút ngã ba, ngã tư điều tiết giao thông để giảm tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn TP. Huế.

Để giải quyết căn cơ ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến đường hiện nay, ngoài ý thức của người tham gia giao thông, cần phải có những đường chia tải vì các tuyến giao thông chính gần như độc đạo. Vừa qua, UBND tỉnh đã nêu các dự án (DA) giao thông có tính chất quan trọng, cấp bách nhằm tạo cảnh quan, kiến trúc đô thị, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương và không nằm ngoài mục tiêu giảm tải ùn tắc, nạn kẹt xe ở TP. Huế. Trong đó có DA đầu tư mở rộng cầu Lòn, đường Bùi Thị Xuân; DA đường Tố Hữu nối dài đến sân bay Phú Bài; DA mở rộng đường Trưng Nữ Vương nối từ TX. Hương Thủy đến phường An Tây, TP. Huế; DA cầu sông Hương tại điểm đầu đường Nguyễn Hoàng; DA đường Vành đai 3... Hiện nay, những DA này được nhiều người dân trông đợi, mong được ưu tiên phân bổ nguồn lực, sớm triển khai xây dựng để tổ chức phân luồng, giải tỏa tình trạng ùn tắc kẹt xe ở các tuyến, giao lộ ở TP. Huế.

Theo thống kê số lượng ô tô đăng ký mới trên địa bàn tăng nhanh qua hàng năm. Năm 2017 số đăng ký mới là 2.766 xe; năm 2018 đăng ký 3.117 xe; năm 2019 đăng ký 3.411 xe. Năm 2020 dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng 10 tháng đầu năm số đăng ký mới là 2.505 xe. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 40.680 ô tô, tăng 2.560 xe so với năm 2016.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top