ClockThứ Ba, 09/11/2021 06:30

Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải thêm khó

TTH - Chưa thoát ra cảnh khó vì đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gần đây giá xăng dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải rơi vào nỗi lo kép.

Giá cả thị trường “leo” theo giá xăngThêm một cú va đậpGiá xăng tăng mạnh, RON95 vượt mốc 24.000 đồng/lít

Bến xe vắng khách

Cạn nguồn lực

Những ngày đầu tháng 11, các DN vận tải trở lại hoạt động sau một thời gian dài “đắp chiếu” vì dịch COVID-19 thì lại gặp giá xăng dầu leo thang nên rơi vào tình trạng lo lắng.

Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế chia sẻ, thời gian qua, các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất. Đơn vị ông có gần 100 phương tiện (gồm tuyến nội, ngoại tỉnh) phải “trùm mền” thời gian dài vì dịch, nay thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để khôi phục hoạt động lại.

“Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút. Xe vắng khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng” - ông Cuộc nói.

Theo ông Giáp Hòa, Giám đốc Taxi Vàng chi nhánh Huế, dịch bệnh kéo dài đã làm cho các DN taxi cạn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. Giá xăng dầu tăng trong thời kỳ dịch bệnh, khách đi xe ít khiến họ không có thu nhập, nguy cơ lái xe bỏ việc rất cao. Hiện tại DN Taxi Vàng - chi nhánh Huế có hơn 200 phương tiện, nhưng hoạt động chưa đến 50%, doanh thu chỉ đạt 15%-20% so với trước dịch, trong khi đó DN phải trả nợ ngân hàng và nhiều chi phí khác.

Taxi nằm bãi vì vắng khách

Anh Nguyễn Văn Vinh, lái xe thuộc Công ty Vận tải Trường Thịnh vừa cho xe khởi động từ Quy Nhơn (Bình Định) ra Huế vào ngày 3/11 chở chưa đến 10 khách, bằng 1/4 số ghế trên xe. Anh Vinh phân tích, trước đây giá xăng dầu mức cũ, mỗi chuyến anh chi phí 3,5 triệu đồng tiền dầu (khoảng 200 lít) nay phải nâng lên 4,5 triệu đồng do giá xăng dầu tăng lên. Thực tế hiện nay, xe chạy thu không đủ chi, nhưng nhà xe chưa thể tăng giá vé vì dịch giã khách đi lại hạn chế. Điều này khiến doanh nghiệp chịu rất nhiều khó khăn, nhưng xe phải hoạt động để cầm cự, giữ tuyến.

Đề xuất xem xét giảm thuế

Ông Đoàn Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thừa Thiên Huế chia sẻ, trong hoạt động vận tải, chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35%-40% cơ cấu giá thành vận tải. Trước thực trạng giá xăng, dầu tăng buộc DN phải điều chỉnh giá cước, nếu không sẽ tăng trưởng âm trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước hiện nay cũng không dễ, nếu có điều chỉnh tăng chỉ từ 5-10% so với mức phí cũ do việc đi lại người dân trong thời điểm dịch bệnh rất hạn chế.

Từ ngày 26/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng/lít lên 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít lên 24.330 đồng/lít, mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và đạt ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế nêu quan điểm, việc giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội) tăng cao sẽ tác động đến các lĩnh vực. Đơn cử như lĩnh vực giao thông vận tải đang bị tác động, ảnh hưởng rất lớn của giá xăng, dầu. Hiện công cụ để kiểm soát giá xăng dầu mà Nhà nước có thể tính đến là thuế, phí. Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế môi trường ở mức hợp lý. Hiện mức thu loại thuế bảo vệ môi trường ở lĩnh vực xăng dầu khá lớn, từ 3.800-4.000 đồng/lít. Do vậy, để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, các bộ, ngành chức năng cần xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Nếu làm được điều này sẽ ít gây xáo trộn trong hoạt động kinh doanh vận tải và không tác động nhiều trong dây chuyền đến các lĩnh vực liên quan.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, giá xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải. Hiện có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý sẽ giảm được tỷ lệ tăng của giá xăng dầu, giúp mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội được ổn định hơn.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp
Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

Những ngày này, các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024, vừa tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động chuẩn bị hậu cần phục vụ người trực Tết; tổ chức trao quà Tết tặng cán bộ, công nhân viên; trợ cấp cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cho người lao động ở xa về nhà đón Tết.

Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

TIN MỚI

Return to top