ClockChủ Nhật, 25/10/2020 08:29

Đầu tư các công trình phòng chống thiên tai

TTH - Ngoài những giải pháp “mềm”, việc đầu tư các công trình phòng chống thiên tai được xem là giải pháp căn cơ hiện nay trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo điểm dừng kỹ thuậtĐẩy nhanh tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật

Đầu tư kè biển là giải pháp tối ưu ứng phó sạt lở biển, tuy nhiên cần nhiều kinh phí

Biển, sông “lấn” nhà

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, những năm gần đây, do ảnh hưởng BĐKH ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn tỉnh liên tục chịu ảnh hưởng bão, lũ, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn, ảnh hưởng việc xả lũ của các hồ thủy điện, yếu tố địa hình các sông trên địa bàn ngắn và dốc, lượng phù sa, bùn cát trong dòng sông bị mất cân bằng, nên từ năm 2009 đến nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp.

Qua các trận bão, lụt gần đây, do ảnh hưởng của triều cường làm bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (Phú Lộc) hơn 3,5 km; các xã Phú Thuận hơn 2,5 km, Phú Diên hơn 2 km, Phú Hải (Phú Vang) khoảng 1,5 km; Hải Dương (Hương Trà) khoảng 1 km; Phong Hải (Phong Điền) bị sạt lở bờ biển dài 3km, chiều sâu 30 m.

Triều cường cũng làm công trình kè chống sạt lở biển thôn An Dương, xã Phú Thuận bị xói chân khóa đầu kè, Chi cục Thủy lợi phối hợp với UBND xã Phú Thuận huy động hơn 100 người gồm lực lượng dân quân, công an, cán bộ địa phương, chiến sĩ BĐBP và vật tư dự trữ rọ đá, đá hộc, vải lọc, xử lý khẩn cấp chống xói lở.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, địa phương được đầu tư kè qua 2 giai đoạn trên chiều dài khoảng 1km, ở những điểm này không còn xảy ra tình trạng sạt lở, xâm thực biển. Tuy nhiên, ở những điểm chưa được đầu tư kè còn khoảng trên 3km nữa xâm thực biển diễn biến phức tạp, có nơi ăn sâu 50m, uy hiếp nhiều nhà dân ở khu vực này.

Cuối tháng 10/2020, do ảnh hưởng không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và đới gió đông gây sóng lớn, triều cường nên bờ biển xã Giang Hải tiếp tục bị nước xói lở sâu vào 50m, dài 1km, uy hiếp Tỉnh lộ 21 và hàng trăm hộ dân, khả năng mở cửa biển mới rất cao.

Khảo sát hiện nay, bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ (Hương Trà) cũng bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m; tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ đoạn qua xã Quảng Phú (Quảng Điền) cũng bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m; sông Bồ đoạn qua Phong An (Phong Điền) bị sạt lở 150 m, sâu 5 m.

Biển Giang Hải sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ mở cửa biển mới

Cần hơn 1.300 tỷ đồng

Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, ngoài triển khai các giải pháp trồng cây ngập mặn ven phá, cây chắn sóng ven biển, đầu tư xây dựng hệ thống kè, đê biển, sông được xem là giải pháp tối ưu trong việc ứng phó với BĐKH hiện nay. Tuy nhiên, chọn giải pháp này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống kè chống xói lở bờ biển với chiều dài hơn 4km (gồm các đoạn qua xã Hải Dương 730m; Quảng Công dài 1.500m; Phú Thuận dài 828m; Thuận An dài 380m). Hiện nay đang triển khai dự án (DA) kè chống xói lở bờ biển đoạn qua xã Giang Hải dài 2,5 km tổng vốn 200 tỷ đồng; DA chỉnh trị, nạo vét luồng cửa biển Thuận An giai đoạn 2, dài hơn 400 m, tổng vốn 50 tỷ đồng và đang lập DA chỉnh trị luồng cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc), kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Hải - Phú Diên (Phú Vang) với chiều dài 2 km.

Tỉnh đã đầu tư khoảng 81km kè bờ sông (trên sông Hương hơn 30 km; sông Bồ hơn 31 km; sông Ô Lâu 6,6 km; sông Truồi, sông Cầu Hai, sông Bù Lu 7 km và các sông khác trên địa bàn tỉnh. Các công trình phát huy hiệu quả rất lớn, ổn định đời sống của người dân, phòng chống thiên tai.

Hiện nay, 10 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó 9 hồ thuộc tiểu DA sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8 đang được sửa chữa, nâng cấp. UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư công trình giao thông, thuỷ lợi, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh; huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương thi công hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2020, vượt lũ an toàn.

Ngoài ra, DA vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện do JICA tài trợ. DA đang triển khai hoạt động Lô số 1 khảo sát LiDAR; Lô số 2 lắp đặt thiết bị đã ký kết hợp đồng và đang tiến hành các thủ tục phê duyệt bản vẽ thiết kế chi tiết, khởi công xây dựng tháng 8/2020…

Trước tình hình nguồn lực đầu tư ứng phó BĐKH khó khăn như hiện nay, UBND tỉnh đề xuất Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ sông, biển cho các đoạn xung yếu trong thời gian đến, kinh phí khoảng 1.336 tỷ đồng.

Tỉnh đã lập quy hoạch thủy lợi từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, cân đối nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kè trong thời gian tới nhưng hiện nay nguồn lực của tỉnh đang còn khó khăn. Sở NN&PTNT đã rà soát các công trình thủy lợi để đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bố trí quy hoạch sử dụng đất ven sông và ven biển hợp lý để tránh tình trạng sạt lở xảy ra gây ảnh hưởng đời sống người dân.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 công trình thủy lợi, ngoài các công trình vừa mới xây dựng đưa vào sử dụng, các công trình đầu tư đã lâu do ảnh hưởng của thời tiết nên đã xuống cấp. Theo đó, hệ thống kênh mương nội đồng có hơn 1.000 km xuống cấp, các trạm bơm phục vụ tưới tiêu có hơn 300 cái, hệ thống đê bao nội đồng còn hơn 400 km đê đất chưa được kiên cố, có hơn 100 km đê ven phá chưa được đầu tư nâng cấp. Các công trình vùng núi Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc xuống cấp rất lớn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1
Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư
Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

TIN MỚI

Return to top