ClockThứ Năm, 19/07/2012 05:42

Cốt lõi vẫn là giải phóng mặt bằng

TTH - Dài 2km, mặt đường rộng 18,5m với tổng mức đầu tư 154,76 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng, mở rộng đường Điện Biên Phủ (do Ban đầu tư và xây dựng TP Huế làm chủ đầu tư) là một trong những dự án được người dân kỳ vọng. Đây là tuyến giao thông quan trọng, nối với các điểm di tích, danh lam thắng cảnh phía tây thành phố. Hơn thế nữa, người dân quan tâm đến việc mở rộng, chỉnh trang và thông tuyến vì con đường này đã bao nhiêu năm rồi gần như không có lề, đường chật, người tham gia giao thông đông, tình trạng vi phạm thường hay xảy ra... Đó cũng là một trong những căn nguyên của tai nạn và mang đến bất an cho người tham gia giao thông.

Do được phê duyệt vào khoảng đầu quý 2, nên người dân hy vọng rằng, dự án sẽ được xúc tiến ngay sau khi Festival Huế 2012 kết thúc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, về mặt trực quan, dường như chưa thấy một động thái nào của việc vận hành chỉnh trang, mở rộng. Trong mối quan tâm của người dân, trong các diễn đàn tiếp xúc cử tri, đây là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất.

Tuyến đường Điện Biên Phủ sẽ được mở rộng khang trang hơn

Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư năm này, dự án được tập trung chủ yếu cho công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng và tái định cư... Một thông tin đáng phấn khởi là JICA Việt Nam đã chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh trong việc phân chia lại gói thầu, ưu tiên hạng mục thoát nước đường Điện Biên Phủ và đường Đống Đa (thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế). Ban quản lý dự án này cũng đã chuẩn bị thủ tục để đấu thầu và dự kiến sẽ khởi công hạng mục thoát nước vào tháng 9/2012. Với sự khởi động trước một bước, dự kiến quý I/2013, dự án chỉnh trang, mở rộng đường Điện Biên Phủ sẽ được khởi công.

Nhưng nhìn từ những khó khăn nội tại, nhiều người đặt câu hỏi, liệu dự án có được khởi công, hoặc sẽ được tiến hành như thế nào khi việc giải phóng mặt bằng được xem là vấn đề mấu chốt. Cũng theo nguồn từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thì giá trị đền bù để giải phóng mặt bằng của dự án đã được xác định là 83,2 tỷ đồng (hơn 1/2 tổng mức đầu tư) và số hộ phải tái định cư khá lớn nhưng hiện vẫn đang còn một số vướng mắc khi các hộ gia đình đã di dời công trình theo NĐ 36/CP yêu cầu được đền bù đất theo hiện trạng ban đầu. Chưa đạt đến thỏa thuận và thống nhất chung, những điều này làm cho dự án chậm thực thi, người dân thì băn khoăn, trông chờ...
 
Tương tự là dự án mở rộng, chỉnh trang đường Đống Đa với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 66,99 tỷ đồng (dài 1km, mặt cắt 36m) do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư. Trong năm 2012, nguồn vốn bố trí cho dự án này là 50 tỷ đồng. Mặc dù đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư như dự án đường Điện Biên Phủ nhưng đến thời điểm hiện tại, việc giải toả mặt bằng mới chỉ dừng lại ở con số nhỏ. Với tổng giá trị đền bù là 40,7 tỷ đồng, khó khăn được xác định ở đây không gì khác ngoài việc triển khai giải toả mặt bằng, trong đó nguyên nhân chủ yếu là điểm đến dự kiến cho các hộ tái định cư là khu tái định cư khu vực 4 phường Xuân Phú chưa đủ điều kiện về hạ tầng để bố trí.
 
“Cả hai dự án này đã được UBND tỉnh hết sức tạo điều kiện trong việc bố trí nguồn vốn và các vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, tính thời gian thì dự án mới được phê duyệt hơn hai tháng. Với một khoảng thời gian như vậy, có những vấn đề mà TP Huế không thể đốt cháy giai đoạn được - ông Nguyễn Kim Dũng, Bí thư Thành uỷ Huế chia sẻ - TP sẽ phối hợp với các cơ quan của tỉnh để thúc đẩy việc bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ của dự án trong khả năng sớm nhất có thể”.
 
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc giải tỏa mặt bằng và tái định cư phải được xem là vấn đề cốt lõi và phải đi trước một bước. Hiện toàn tỉnh có 102 chương trình, dự án được bố trí vốn để thực hiện việc chỉnh trang, phát triển đô thị Huế với tổng mức đầu tư trên 3.168 tỷ đồng. Trong đó, vốn đã bố trí là 1.983,91 tỷ đồng. Giá trị thực hiện các dự án trong 6 tháng đầu năm mới ước đạt 169,5 tỷ đồng và giá trị giải ngân đến hết tháng 5 vừa qua là 174,83 tỷ đồng (trong đó giải ngân cho khối lượng thực hiện là 130,42 tỷ đồng). Đây cũng là vấn đề của ngành giao thông vận tải để mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Thừa Thiên Huế. Chính vì thế, điều mà Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Ngô Văn Tuân đề nghị là các địa phương có tuyến Quốc lộ 1 A chạy qua cần làm tốt công tác giải toả mặt bằng và tiến độ của công trình nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào việc này.
 
Nằm trong các nhiệm vụ, giải pháp cần được thực thi từ nay đến cuối năm 2013, việc xây dựng kết cấu hạ tầng đạt chuẩn đô thị đã được tỉnh xác định là một trong những công trình, nhiệm vụ cần được tập trung đầu tư. Nguồn vốn đã được bố trí. Khó khăn, vướng mắc cũng đã được “cắt nghĩa”, vấn đề còn lại là ở chỗ nó sẽ được nhìn nhận, tháo gỡ và thúc đẩy như thế nào để Huế thực sự thay đổi và chuẩn bị cho một tiến trình dài hơn, xa hơn. Tìm chỗ và ưu tiên tái định cư cho những dự án đã bố trí vốn, đền bù sớm để người dân chủ động và triển khai ngay các phương án, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cùa dự án... là những vấn đề đã được Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Ngọc Thiện kết luận tại Kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh khoá 4 vừa diễn ra trong hai ngày 10 và 11/7 vừa qua.
 
Hạnh Nhi

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khu trung tâm & tầm nhìn theo hướng rồng bay

Một số biến chuyển thuận lợi trong bối cảnh quốc gia và quốc tế cho thấy: Đã đến lúc Huế có thể vươn mình thức dậy, giành lại vị thế một đô thị hàng đầu trong nước, như Cố đô Huế đã từng đạt được trước đây.

Khu trung tâm  tầm nhìn theo hướng rồng bay
Vượt cửa biển, băng đầm phá

Những cây cầu nối biển, vượt đầm phá được xây dựng không chỉ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, mà còn thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, đô thị vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống của người dân.

Vượt cửa biển, băng đầm phá
Tàu, xe về quê ngày Tết

Ngày 25/1 (26 Tết) - ngày đầu tiên trong chuỗi ngày nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chính thức bắt đầu cũng là lúc tàu, xe tăng chuyến để phục vụ việc đi lại của người dân.

Tàu, xe về quê ngày Tết
Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết

Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) đã lên kế hoạch, sẵn sàng các phương án cần thiết nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết

TIN MỚI

Return to top