ClockThứ Bảy, 09/10/2021 13:59
THIẾU ĐẤT ĐẮP NỀN VÀ VƯỚNG MẶT BẰNG:

Các dự án giao thông khó đảm bảo tiến độ

TTH - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa dứt điểm và thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng là những nguyên nhân có nguy cơ làm chậm tiến độ các dự án (DA) giao thông trọng điểm ở Thừa Thiên Huế.

Để không “cháy” đất san nềnTăng nguồn cung đất san lấp

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu gói XL5, XL6 đẩy nhanh tiến độ

Nút thắt

DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn đang tổ chức thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư, đơn vị thi công đang gặp phải vấn đề thiếu nguồn vật liệu đất đắp nên khó đẩy nhanh hoàn thành DA theo tiến độ. Hiện tại hai gói thầu XL5, XL6 qua địa bàn Phong Điền dài 16km đang thiếu nguồn đất đắp nền hơn 0,6 triệu m3 do các mỏ địa phương đều giới hạn công suất khai thác, không đủ cung ứng.

Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng DA 2, thuộc Ban Quản lý (BQL) DA đường Hồ Chí Minh thông tin, ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, công tác GPMB cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn xã Phong Mỹ, Phong Điền còn vướng 4 hộ gia đình và việc khan thiếu đất đắp nền là “nút thắt” cho các gói thầu XL5 và XL6.

Lãnh đạo BQL DA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn) cho biết, tại thời điểm này DA cơ bản hoàn thiện đạt 62%; trong đó một số đoạn của gói thầu XL8, XL9 qua địa bàn tiếp tục gia tải và chuẩn bị lu nén để thảm nhựa. Để đảm bảo chất lượng hạng mục cuối này, hiện nay BQL thiết lập luồng xanh đường thủy đưa đá 5-10 từ Hà Nam vào cung ứng. Khó khăn lớn nhất hiện tại toàn tuyến qua địa bàn có nhu cầu đất đắp cho DA là 1,99 triệu m3 nhưng trữ lượng khai thác tại 8 mỏ chỉ đáp ứng được 0,5 triệu m3, bằng 25% nhu cầu. Trong các gói thầu xây lắp của DA, có 4 gói thầu có thể tự điều phối lượng đất đào đắp. Với 4 gói thầu XL2, XL5, XL6, XL11, mặc dù đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, song việc cung cấp đất đắp vẫn vô cùng khó khăn.

BQL DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã tập kết đá Hà Nam chuẩn bị thảm nhựa một số đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh

Tại DA đường Phong Điền - Điền Lộc (Phong Điền) dài hơn 16km vẫn duy trì thi công trong thời điểm dịch COVID-19, nhưng không nhộn nhịp như trước. Khó khăn lớn nhất của DA này vừa thiếu đất đắp 210 nghìn m3 và vướng mặt bằng đoạn qua xã Điền Lộc (Phong Điền) với hơn 1.200 ngôi mộ chưa di dời.

DA đường Phú Mỹ - Thuận An dài hơn 5km cũng thi công cầm chừng. Đại diện Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - đơn vị thi công gói thầu 6 và 14 với hơn 1,2km và 4 cống hộp của DA này cho biết, ảnh hưởng dịch COVID-19 việc cung ứng vật tư về công trình đang khó khăn, hiện tại công tác GPMB qua địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang còn 10 hộ chưa chịu di dời làm chậm tiến độ DA.

Sớm tháo gỡ khó khăn

Tháo gỡ khó khăn cho DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn, BQL DA đường Hồ Chí Minh kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp nguồn đất đắp còn thiếu hụt. Theo đó, tỉnh cần chấp thuận tăng công suất khai thác cho mỏ Trường Thịnh (đang dừng khai thác), tận thu mỏ Trường An (đang dừng khai thác), tận thu đất tầng phủ khu vực mỏ đá sét đen và quặng laterit xã Phong Mỹ, tận thu đất đá thải trong khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm 1 triệu m3, tận thu các vị trí nạo vét lòng hồ trên địa bàn để bổ sung nguồn đất đắp cho 2 gói thầu XL5, XL6 (tại huyện Phong Điền).

Với nguồn đất đắp thiếu hụt tại gói thầu XL11, BQL DA đường Hồ Chí Minh đề xuất được điều phối đất từ Km25 của cao tốc La Sơn - Túy Loan, vận chuyển đất dôi dư của DA Nhà máy Sản xuất viên nén năng lượng tại huyện Nam Đông, chấp thuận chủ trương đầu tư mỏ đất tại khu vực xã Lộc Sơn, Phú Lộc để cung cấp đất đắp phục vụ thi công gói thầu này.

Ngoài việc tháo gỡ nguồn đất đắp, đơn vị này phối hợp chính quyền địa phương tiêm phòng vắc-xin ngừa COVID-19 cho cán bộ, công nhân tham gia trên công trường DA. Đến thời điểm này đã có 900/1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc DA đã tiêm mũi 1, phấn đấu đến cuối năm 2021 hoàn thành 100% tiêm mũi 2. Đây là giải pháp nhằm không để đứt gãy nguồn lao động và di chuyển trang thiết bị thi công trong, ngoài tỉnh của các nhà thầu, góp phần đẩy nhanh tiến độ DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc BQL Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh (đơn vị chủ đầu tư DA Phú Mỹ - Thuận An và Phong Điền - Điền Lộc) cho biết, các DA trên đang gặp khó khăn, nhất là vướng mắc liên quan đến GPMB và vật liệu khan thiếu. Tháo gỡ khó khăn này, BQL đã đề nghị các nhà thầu cần mua đất nhiều mỏ khác nhau trên địa bàn và chấp nhận cự ly vận chuyển xa hơn. Đồng thời, kiến nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh xem xét, bổ sung các mỏ vật liệu, mở rộng quy mô, tăng công suất khai thác... để tăng nguồn cung và cho phép tận dụng cát tại các DA nạo vét trên địa bàn để đắp công trình. Riêng vướng công tác GPMB rất cần sự quan tâm các cấp ngành, huyện Phú Vang, Phong Điền hợp tác vào cuộc để tháo gỡ, sớm xử lý dứt điểm không làm ảnh hưởng tiến độ của các DA.

DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, DA được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.

Bài, ảnh: SONG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

TIN MỚI

Return to top