ClockThứ Bảy, 30/07/2022 14:10

Vốn FDI vào Việt Nam của 7 tháng cao nhất trong 5 năm qua

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), một điểm sáng khác thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đó là vốn giải ngân tăng khá mạnh, ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được coi là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn FDI4 tháng năm 2022: FDI đạt trên 10,8 tỷ USDKinh tế Việt Nam phục hồi dù tăng trưởng có xu hướng giảm tốc

Nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến và mở rộng kế hoạch đầu tư kinh doanh. Ảnh: TTXVN

"Việt Nam luôn duy trì được vị thế là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, nhất là xét trong mục đích tái cơ cấu, thực hiện dịch chuyển dòng vốn trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra", Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết.

Mặc dù số vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch COVID-19 bùng phát năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Vốn đầu tư tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác, phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới.

Cụ thể: Tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê của cơ quan quản lý, số vốn cấp mới có giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, có 927 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ).

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngược lại, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng khá mạnh. Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tuy chậm lại so với các tháng đầu năm song quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao, ví dụ của Samsung, được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng năm 2022.

Trong 7 tháng năm 2022, đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong đó, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore với 1,22 tỷ USD, chiếm 21,3%; Trung Quốc 651,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Hàn Quốc 567,8 triệu USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản 534,8 triệu USD, chiếm 9,3%...

Vốn đăng ký điều chỉnh có 579 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,37 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,06 tỷ USD, chiếm 15,9%; các ngành còn lại đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 11,8%.

Hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông....

Theo bà Nguyễn Thị Hương, để duy trì tăng trưởng thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển. Về phía các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao năng lực: năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý. Cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước; rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): các KCN cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các KCN cần thu hẹp.

Nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ: Việc Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, để các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự mang lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, Việt Nam cũng cần “khắt khe” hơn trong việc lựa chọn dự án, nhằm thu hút những dự án có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động và mang lại giá trị gia tăng cao, đồng thời hạn chế những dự án dùng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn lực.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất
Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

Những ngày này, các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024, vừa tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động chuẩn bị hậu cần phục vụ người trực Tết; tổ chức trao quà Tết tặng cán bộ, công nhân viên; trợ cấp cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cho người lao động ở xa về nhà đón Tết.

Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

TIN MỚI

Return to top