ClockThứ Ba, 03/05/2022 06:43

Cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn FDI

TTH - Đầu tư nước ngoài đang là lực đẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khi đây là khu vực có thế mạnh về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam thu hút trên 2,1 tỷ USD vốn FDI trong tháng 1 năm 2022Thu hút FDI năm 2021 tăng ngoạn mục, vượt mốc 31 tỷ USD

 Doanh nghiệp FDI đóng góp rất lớn cho ngân sách

Đóng góp hơn 26% ngân sách

Trước khó khăn của dịch bệnh, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn có những bước tăng trưởng mạnh. Nhiều DN còn mở rộng quy mô sản xuất, tận dụng lợi thế nguồn lao động địa phương tạo nên những bứt phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần không nhỏ trong đảm bảo an sinh trước khó khăn của dịch bệnh.

Số liệu thống kê phần nào chứng minh cho nhận định này khi khu vực FDI cuối năm 2021 đã đạt doanh thu hơn 1.200 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ, nộp ngân sách đạt 129 triệu USD, tăng 19,5% và chiếm 26,2% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Một trong những điểm sáng của khu vực này phải kể đến Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam khi DN này đóng góp ngân sách lớn nhất cho tỉnh với mức 88,3 triệu USD, chiếm 68,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực FDI. Điều khá thú vị, trong năm này dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, song nhiều DN FDI nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may vẫn tăng trưởng mạnh. Trong đó, Công ty Scavi Huế đã đầu tư thêm nhà máy tại Khu công nghiệp Quảng Vinh (Quảng Điền) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý II/2022 và sẽ giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động địa phương; đồng thời đóng góp ngân sách 12 triệu USD, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2020.

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài đóng góp vào ngân sách, các DN FDI có những đóng góp lớn trong giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống người dân. Tính đến cuối năm 2021, số lao động hoạt động trong khu vực này đạt hơn 25.000 người, trong đó, các DN dệt may giải quyết nhiều lao động với mức lương bình quân cao hơn so với trong khu vực Nhà nước hoặc khu vực ngoài Nhà nước. Khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các DN khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Cũng không thể phủ nhận thực tế, khu vực FDI đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ và là kênh quan trọng giúp Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng hội nhập sâu rộng hơn cả về kinh tế - xã hội với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới với những ngành mũi nhọn như: điện tử, công nghiệp, phần mềm…

Tạo sức hút đầu tư

Với lợi thế là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới..., Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư. Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với nhiều dự án (DA) hàng tỷ USD và bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng ưu tiên phát triển công nghệ, lợi thế sẵn có của Thừa Thiên Huế.

Sự chuyển dịch ấy còn nằm ở tư duy xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh khi ngoài những thị trường truyền thống có tiềm năng như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các DN đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn đến Huế tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Con số 114 DA FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4 tỷ USD; và ngay trong năm 2021, năm khó khăn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư ra ngoài thì tỉnh cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 4 DA FDI với tổng vốn đăng ký 169,1 triệu USD (tương đương 3,873 nghìn tỷ đồng) đã phần nào chứng minh những đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

Điểm qua những DA cấp GCNĐKĐT trong năm này với những DA mũi nhọn như khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung; sản xuất máy biến dòng; hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng; nhà máy chế biến nông sản tập trung đều đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp mang hàm lượng công nghệ cao… Những DA này khi đi vào hoạt động sẽ không chỉ đóng góp vào ngân sách, mà còn góp phần quan trọng tạo điểm nhấn trong lĩnh vực công nghệ, phần mềm, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu trên địa bàn…

Theo ông Phan Quốc Sơn, một trong những thành công lớn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư chính là Thừa Thiên Huế đang xây dựng được môi trường kinh doanh theo hướng thân thiện, tiết giảm chi phí không chính thức cho DN bằng việc nâng cao các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh như PCI, PAPI, PAR Index. Đồng thời, việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương cấp huyện theo hướng mở, lắng nghe ý kiến của DN để hoàn thiện dần các hoạt động hỗ trợ theo hướng thực chất, tháo gỡ khó khăn cho từng DA đang được Thừa Thiên Huế triển khai.

Cũng theo ông Sơn, xác định các nhà đầu tư FDI trên địa bàn là các nhân tố tích cực nhất trong việc xúc tiến đầu tư FDI. Vì thế, tỉnh luôn tập trung hỗ trợ, “chăm sóc” các dự án FDI đã vào đầu tư tại tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN này phát triển, và phối hợp, liên kết với cộng đồng các DN của tỉnh; đưa quỹ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh vào hoạt động có hiệu quả; tiếp tục kêu gọi vốn cho các DA khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tăng cường công tác thu hút đầu tư, tập trung hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai, và kiên quyết xử lý các DA vi phạm tiến độ đầu tư. Đồng thời, tập trung sử dụng các hình thức xúc tiến, giới thiệu đầu tư trực tuyến, tích cực tham gia các diễn đàn trực tuyến do các cơ quan bộ, ngành Trung ương để giới thiệu, kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng; rà soát các tiêu chí kêu gọi đầu tư nhằm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1
Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư
Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á
Để Huế xứng tầm thành phố Trung ương

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là cơ hội cho sự chuyển mình về không gian đô thị mà còn góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế, xã hội bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế. Tuy nhiên, cùng với đó sẽ là những thách thức đan xen buộc Huế phải có chiến lược, cơ chế phát triển và đổi mới không ngừng.

Để Huế xứng tầm thành phố Trung ương

TIN MỚI

Return to top