ClockThứ Ba, 22/03/2016 07:50
XỬ LÝ BÈO LỤC BÌNH TRÊN CÁC DÒNG SÔNG:

Trước mắt, cần có những đợt huy động lực lượng để vớt bèo

TTH - Những ngày này, bèo lục bình “tấn công” các dòng sông trong thành phố khiến nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường và du lịch.

Xuất hiện sớm hơn mọi năm

Dạo quanh một vòng khắp các con sông trên địa bàn của thành phố, bèo lục bình phủ xanh khắp các mặt nước, tạo nên những tảng lớn, trôi dạt vào các bờ sông. Khi thủy triều lên, có gió, những tảng bèo tỏa ra giữa dòng sông.

Bèo tỏa ra giữa sông Hương 

Chị Hà Châu, một người dân Huế kể: “Hôm trước tôi đón đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh ra đây tham quan, định giới thiệu ra sông Hương ngắm cảnh và đi thuyền rồng nhưng nhìn thấy bèo dập dềnh tự dưng thấy ốt dột nên đành đổi tuyến khám phá khác. Lên các trang mạng xã hội thấy nhiều người than phiền về hình ảnh đẹp của sông Hương không còn khiến tôi thấy không vui”.

Những tảng bèo tấp vào hai bên chân bến khiến việc neo đậu của các thuyền du lịch gặp khó. Ông Trương Ngọc Cộng (chủ thuyền du lịch sông Hương) cho biết: “Khoảng một tuần nay, lượng bèo xuất hiện trên sông Hương rất nhiều. Tui là dân sông nước mấy chục năm, đây là lần đầu tiên bèo lục bình xuất hiện vào tháng giêng, tháng 2 âm lịch thay vì tháng 5-6 như thường lệ”.

Việc bèo xuất hiện trên sông Hương sớm hơn so với mọi năm là điều bất thường, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan cũng như vấn đề du lịch trên sông Hương. “Bình thường khi chở khách từ bến thuyền du lịch Tòa Khâm đến chùa Linh Mụ chỉ mất 30 phút, nhưng bèo xuất hiện khiến chân quạt thuyền có khi bị kẹt cứng, tụi tui phải xuống gỡ bèo mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tâm lý của du khách. Vào buổi tối, thả đèn hoa đăng bị mắc vào những tảng bèo trôi dạt trên sông trông thiệt khó chịu. Bèo xuất hiện nhiều khiến nước có mùi hôi, muỗi có dịp sinh sôi, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt cũng phục vụ du lịch”, ông Cộng chia sẻ.

Không chỉ sông Hương, ở các con sông như An Cựu, Bạch Yến, Đông Ba… bèo cũng xuất hiện khá nhiều khiến cho nguồn nước ở những con sông này chuyển màu và có mùi hôi. Bà Nguyễn Thị Đài, một ngư dân đánh bắt trên các con sông chia sẻ: “Vợ chồng tui đánh bắt cá bằng chiếc thuyền chèo bằng tay khắp các con sông. Sông mô cũng có bèo nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn”.

“Một mình công ty không đảm đương nổi”

Nói về nguyên nhân bèo lục bình xuất hiện nhiều và sớm hơn mọi năm, một người làm nghề sông nước lâu năm cho rằng: “Bèo xuất hiện ở sông Hương được đổ về từ các con sông khác như, Bạch Yến, An Cựu, Đông Ba và các kênh rạch, hói trong và ngoài thành phố. Mấy năm nay, không xuất hiện lũ, bèo đổ về sông Hương không thể theo dòng chảy trôi về hạ lưu nên cứ trôi dạt hai bên bờ sông”.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Đô thị Huế, bèo lục bình thường xuất hiện trên sông vào thời điểm nắng nóng, khoảng từ tháng 7-9. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hồ thủy điện tích nước nên lưu lượng nước ở các dòng sông càng ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, các con sông bị bồi lấp khiến bèo lục bình xuất hiện nhiều và sớm hơn mọi năm .

Bèo lục bình sinh sôi trên các dòng sông, khi có gió và thủy triều lên, bèo theo hướng từ cầu Chợ Dinh, Bao Vinh, sông An Cựu chảy ngược vào sông Hương và từ Bao Vinh chảy vào sông Đông Ba rồi đổ vào sông Hương. “Trước tình hình đó công ty đã làm rào che để chắn bèo. Tuy nhiên, vào buổi tối, người dân khai thác thủy sản, cát sạn thì những rào che được mở ra và bèo vẫn trôi vào”, ông Sơn cho biết.

Những năm trước, khi bèo lục bình không xuất hiện nhiều như thời điểm này, Công ty CP Môi trường và Đô thị Huế thường huy động lực lượng vớt bèo. Các lao động vớt bèo phải đảm bảo chứng chỉ về bơi lội, chèo đò. “Theo quan điểm cá nhân tôi, đây là hiện tượng không bình thường do ô nhiễm nguồn nước. Bèo xuất hiện khá sớm nên công ty rơi vào bị động. Bây giờ với lượng bèo như vậy, công ty không thể đảm đương được”, ông Sơn nói.

Hiện nay, Công ty  CP Môi trường và Đô thị Huế được UBND TP Huế giao đảm bảo vệ sinh, quản lý 6 con sông trong địa bàn thành phố, tương đương với 36km chiều dài. Bình quân mỗi con sông có 2 lao động và một con thuyền để làm công tác đảm bảo vệ sinh. Vừa qua, Công ty CP Môi trường và Đô thị Huế có văn bản báo cáo UBND tỉnh và thành phố, đề nghị chỉ đạo các huyện thị xã có các đợt ra quân để vớt bèo lục bình; phải có đơn vị đầu mối giám sát tình hình bèo lục bình ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố; về lâu dài phải cần có dự án nạo vét khơi thông các dòng chảy. Ngoài ra, Công ty còn kiến nghị với UBND TP Huế cần có những đợt ra quân vớt bèo để đảm bảo mỹ quan đô thị  trong dịp Festival Huế.

“Nguyên tắc của bèo sinh sôi là do ô nhiễm nguồn nước nên muốn giải quyết bèo lục bình thì phải giải quyết về vấn đề nguồn nước để kìm hãm sự phát triển. Trước mắt, chúng tôi tập trung vệ sinh, vớt bèo tại các đoạn sông trọng điểm như Đập Đá và dọc hai bờ sông Hương. Công ty chỉ đảm bảo về công tác vệ sinh trên các dòng sông, những lúc bình thường, bèo ít thì không có vấn đề gì chứ bèo nhiều như thế vượt quá khả năng, chúng tôi không thể đảm đương được. Cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành”, ông Sơn nói. 

Thọ - Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 22/11, tại thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo- Người tàn tật vàTrẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hội Người khuyết tật- Bảo trợ người khuyết tật & trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình trao quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 6,với tổng trị giá gần 127 triệu đồng.

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Return to top