ClockThứ Hai, 03/04/2023 13:57

Xuất khẩu thủy sản của cả nước quý đầu năm 2023 đạt 1,85 tỷ USD

Tính đến hết quý 1, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, xuất khẩu cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ; cá ngừ giảm 31%, chỉ đạt 179 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản có hồi phục?Cơ hội lớn xuất khẩu cá tra sang Trung QuốcXuất khẩu thủy sản của cả nước dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD

leftcenterrightdel
 Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế hết quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý 1/2022.

Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm 8-39%; trong đó, xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất với 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%.

Tính đến hết quý 1, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, xuất khẩu cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ, đạt 54 triệu USD. Riêng xuất khẩu các loài cá biển tăng nhẹ 3% đạt 435 triệu USD.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep, phân tích thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản giảm, giá nhập khẩu cũng giảm theo.

Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý 2 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Tuy nhiên, xu hướng chung trong nửa đầu năm 2023 là xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.

Xuất khẩu cá tra khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau thời gian dài dịch COVID-19.

Xuất khẩu các loài cá biển dự báo tiếp tục tăng; trong đó, có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công, xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu như: cá hồi, cá tuyết cod, cá minh thái.

Tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống tại các siêu thị cho người tiêu dùng châu Á. Do vậy, xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.

Về thị trường, theo bà Lê Hằng, Trung Quốc sẽ vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.

Trước đó, Mỹ luôn giữ vị trí thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất, tuy nhiên xuất khẩu sang Mỹ có chiều hướng sụt giảm từ quý cuối năm 2022 và tiếp đà giảm sâu trong những tháng đầu năm nay.

Dù lạm phát hạ nhiệt, giá xăng giảm, nhưng các chi phí sản xuất và giá các sản phẩm thiết thực của Mỹ vẫn cao.

Người dân Mỹ vẫn phải thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này, và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn.

Tương tự, xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.

Từ thực tế biến động thị trường, các doanh nghiệp thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu.

Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, doanh nghiệp quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á, nghĩa là các dòng sản phẩm truyền thống đang hút khách như hàng khô, nước mắm, mắm ruốc...

Theo các doanh nghiệp, trong thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao đã tích cực tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, diễn đàn kết nối giao thương với một số thị trường.

Các doanh nghiệp thủy sản mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình giao thương với các thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm để tìm kiếm khách hàng mới, cải thiện xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp rất trông chờ các cơ quan quản lý tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Theo TTXVN/Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top