ClockThứ Tư, 27/11/2024 06:33

Nuôi cá lồng tránh lũ

TTH - Từ kinh nghiệm nuôi cá lồng nhiều năm và hướng dẫn từ ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, người dân ở Phú Lộc đã áp dụng các giải pháp để nuôi cá lồng giảm được rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng trong khu vực lấy nước sinh hoạt trên sông BồĐội mưa chăm cá lồng ngày lũHướng đến nuôi trồng thủy sản tránh lũ

 Chăm sóc cá lồng ở xã Vinh Hiền

Về xã Vinh Hiền một ngày vào tháng 10/2024, chúng tôi vẫn còn thấy người dân tất bật cho cá ăn trong các lồng cá trên vùng đầm phá. Đây là các giống cá được người dân khai thác từ tự nhiên đem về nuôi, chưa đủ kích cỡ nên chưa thể xuất bán. Một ngư dân ở đây chia sẻ: “Chúng tôi làm nghề, có những con cá nhỏ thì đem về nuôi để bán, áp dụng  phương pháp nuôi cá tránh lũ để đảm bảo kích cỡ mà thương lái yêu cầu”.

Ông Nguyễn Cư - một trong những hộ điển hình nuôi trồng thủy, hải sản có quy mô lớn với 20 lồng cá các loại ở thôn Hiền An 1 (xã Vinh Hiền) kể, nhờ thực hiện theo các khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương nên việc nuôi cá lồng của gia đình ông trong mùa mưa lũ ít bị ảnh hưởng, lợi nhuận hằng năm ít nhất 100 triệu đồng. “Khác với mọi năm, năm nay tôi có nuôi dặm thêm cá bớp. Từ đầu năm 2024 đến nay, trừ đi các khoản chi phí thì lợi nhuận của nghề nuôi cá lồng mang lại là 150 triệu đồng, chưa kể số lượng cá nuôi tránh lũ. Việc nuôi cá tránh lũ tuy có những rủi ro, nhưng vận dụng kinh nghiệm nhiều năm, nên chúng tôi cũng đã quen và có kinh nghiệm giảm rủi ro khi nước lũ làm ngọt hóa nguồn nước khiến cá chết”, ông Cư chia sẻ.

Theo ông Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, đối với các nguồn cá giống nhân tạo, bà con nhân dân nuôi và đảm bảo canh đúng thời gian để xuất bán trước mùa lũ. Riêng nguồn cá nuôi tránh lũ là cá do bà con đánh bắt được, kích thước nhỏ chưa thể xuất bán trước mùa lũ. Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm, các hộ nuôi cá lồng đã chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như đầu tư thêm thùng phao nổi; gia cố lại lồng bè, mua lưới chắn xung quanh các lồng cá; khi có nước lũ thì nhấn chìm lồng xuống đáy để đảm bảo độ mặn. Bên cạnh đó, người dân còn di chuyển lồng đến những vùng có dòng nước chảy yếu hơn, trong đó có khu vực đầm Hải Phú ở xã Lộc Bình. Chính quyền chỉ đạo các ban ngành, chi hội nghề cá khuyến cáo bà con thực hiện các giải pháp để tránh thiệt hại.

Xã Vinh Hiền là địa phương nuôi cá lồng trên đầm phá nhiều nhất của huyện Phú Lộc với 1.600 lồng của 350 hộ, chủ yếu nuôi các loại cá có giá trị cao như cá bớp, vẩu, mú, nâu, hồng... Nhờ nuôi cá lồng mà nhiều ngư dân trong xã xây được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học, có hộ thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên cũng có một số năm, vì cố tình để cá qua mùa mưa lũ nhằm được giá mới xuất bán khiến họ thiệt hại nặng nề. Do vậy, người nuôi cá luôn cần theo dõi kỹ thời tiết và có những giải pháp phù hợp.

Ông Phạm Văn Đào, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con những lồng cá nào đạt giá trị thương phẩm thì phải thu hoạch trước mùa mưa lũ. Song, đối với những lồng cá chưa đạt giá trị thương phẩm thì bà con thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó phù hợp và chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật để cá đạt giá trị thương phẩm. Việc nuôi cá trong mùa mưa lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tuy nhiên, bà con tại nhiều địa phương ven đầm phá đã áp dụng kinh nghiệm trong việc nuôi cá lồng tránh lũ nên cũng đảm bảo về kinh tế.

Cũng theo ông Đào, toàn huyện Phú Lộc có diện tích nuôi cá lồng khoảng 45ha với khoảng 4.300 lồng, đây là nguồn thu nhập của chính của nhiều hộ dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện và các địa phương thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, đồng thời nghiên cứu triển khai thêm nhiều mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chi hội trưởng Chi hội nghề nuôi cá lồng xã Vinh Hiền, ông Lê Thiết chia sẻ, người dân sống chủ yếu nhờ ngư nghiệp nên cũng rất chủ động tuân thủ lịch thời vụ và đa số thu hoạch sớm. Việc vận dụng kinh nghiệm để nuôi cá tránh lũ áp dụng cho các giống cá chưa thể xuất bán cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng về thời tiết, độ mặn của nước và các yếu tố khác. Các hộ nuôi có phương tiện để di chuyển lồng cá. Chi hội và các đơn vị liên quan cũng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật giúp các hộ nuôi cá lồng để đảm bảo mùa vụ thắng lợi.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định
Bảo vệ ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản mùa bão, lũ

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng rìa phía Nam đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh nên từ nay đến 3/10, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Để ứng phó mưa gió trong đợt này và bão, lũ sắp đến, người dân, các địa phương đang triển khai bảo vệ ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản nhằm tránh thiệt hại.

Bảo vệ ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản mùa bão, lũ
Đừng chủ quan trước và sau bão, lũ

Bão số 4 và các đợt mưa lớn đã đi qua nhưng người dân không nên chủ quan trong các hoạt động sản xuất, đi lại, nhất là đánh bắt thủy, hải sản trên biển, trên sông và đầm phá.

Đừng chủ quan trước và sau bão, lũ
Bảo vệ tàu, thuyền mùa bão, lũ

Không chỉ di chuyển vào các âu thuyền trú tránh, các chủ tàu, thuyền cần biết cách neo đậu để tránh hư hỏng thiết bị, máy móc, ngư cụ khi có bão và biển động.

Bảo vệ tàu, thuyền mùa bão, lũ

TIN MỚI

Return to top