ClockThứ Năm, 06/02/2020 06:45

Tôm trượt giá, người nuôi tiếc nuối

TTH - Trước tết, giá tôm thẻ chân trắng ở mức cao nhưng hiện nay, tôm rớt giá, bí đầu ra khiến người nuôi tiếc rẻ.

Tôm thẻ chân trắng thắng lớn vụ tếtGiá tôm thẻ, cá tra đều giảm mạnh

Người dân Phong Hải thu hoạch tôm

Mất cơ hội vì chờ giá 

Vụ đông năm nay, tôm thẻ chân trắng khắp các địa phương vùng ven biển hầu như đều đạt sản lượng cao. Đây là vụ tôm chính mà người nuôi trông đợi trong năm. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không ít người nuôi tôm vui mừng khi tôm được mùa, được giá. Tại các xã Ngũ Điền (huyện Phong Điền), người nuôi tôm thẻ chân trắng thu hoạch tôm trước tết vui mừng vì tôm được bán với giá cao.

Anh Lê Văn Hòa (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) chia sẻ: Vụ đông vừa qua khí hậu thuận lợi với người nuôi tôm, dịch bệnh không xảy ra nên sản lượng từ lúc nuôi đến khi thu hoạch ít hao hụt. Hai hồ tôm có diện tích 3.000 m2/hồ của anh Hòa sau gần 6 tháng nuôi đạt sản lượng hơn 9 tấn/hồ, kích cỡ tôm đạt 50 con/kg. Với giá tôm trong tết thương lái thu mua hơn 200 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nhân công, anh Hòa có lãi hơn 1 tỉ đồng.

“Không chỉ tui mà hầu như người nuôi tôm nào cũng gặp thuận lợi trong vụ đông này. Nhờ tôm thu hoạch trước tết có giá cao nên thu lãi lớn”, anh Hòa cho biết.

Hiện nay, người nuôi tôm không phải ai cũng may mắn như anh Hòa. Ngoài những diện tích đã thu hoạch trước tết, rất nhiều chủ hồ tôm đang tiếc nuối khi quyết định găm hàng, chờ giá. Những dự báo về giá của người nuôi tôm sau tết nguyên đán khiến họ mất đi cơ hội có một mùa vụ bội thu.

Anh Hồ Duy Hoàn (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) đầu tư nuôi tôm được gần 2 năm nay. Vụ hè năm 2019, dịch bệnh hoành hành khiến diện tích tôm của anh bị ảnh hưởng cộng với việc giá tôm chạm đáy nên sau khi thu hoạch, sản lượng không như ý, lỗ hơn 100 triệu đồng.

Vụ đông này, như nhiều người nuôi khác, anh Hoàn dốc hết vốn liếng để đầu tư, bởi đây là vụ mà anh nắm chắc thắng lợi đến 80%. Thực tế, diễn biến thời tiết đã ủng hộ anh, những diện tích nuôi đạt sản lượng cao. Trước tết, giá tôm cao nhưng anh Hoàn quyết định không thu hoạch mà chờ giá, chỉ thu tỉa tôm còn lại trong hồ có mật độ hợp lý. Song, đến nay, quyết định của anh Hoàn là sai lầm, bởi tôm rớt giá.

Thông thường, giá tôm được thương lái thu mua cao hay thấp tùy theo kích cỡ. Nếu tôm càng to thì giá càng cao. Chính điều này khiến người nuôi tôm quyết định chờ giá.

“Thương lái thu mua tôm đưa ra giá tùy theo từng loại. Với người nuôi, nếu giai đoạn tôm đạt khoảng 80 con/kg thì sau đó thu hoạch sản lượng sẽ rất cao. Lúc này cần thu tỉa để mật độ tôm hợp lý, phát triển đến kích cỡ 30-50 con/kg. Với kích cỡ này, giá tôm sẽ cao hơn đáng kể.

Trước tết, nhiều người cho rằng giá tôm sẽ còn tăng cao nữa nên dù tôm đã vào giai đoạn thu hoạch (từ 60-70 con/kg) nhưng vẫn găm hàng. Song, hiện giá tôm giảm bất ngờ. Bây giờ, nếu thu hoạch, sản lượng có cao thì lãi sẽ không đáng kể, thậm chí hòa vốn bởi với mức giá 170 nghìn đồng/kg là thấp (loại 50 con/kg), cộng với chi phí nuôi tôm đội lên trong khoảng thời gian chờ giá. Không chỉ tui mà còn nhiều người khác quyết định chờ giá sau tết đang ngậm ngùi nhận thất bại trong mùa vụ tưởng chừng cầm chắc lãi lớn”, anh Hoàn chia sẻ.

Cung vượt cầu

Theo những thương lái thu mua, giá tôm thấp sau tết không chỉ diễn ra tại Thừa Thiên Huế mà còn khắp cả nước. Việc người nuôi chủ quan, cho rằng giá tôm sẽ tăng cao sau tết nên họ giữ hàng, dẫn đến thất bại ngay trong mùa vụ được xem là then chốt của năm.

Bà Trần Thị Bé (xã Điền Hải, huyện Phong Điền), một thương lái thu mua tôm số lượng lớn trong và ngoài tỉnh nói, chính việc người dân chủ yếu tập trung nuôi vụ đông khiến sản lượng tôm được tung ra thị trường quá lớn. Điều này dẫn đến cung vượt cầu, giá tôm vì thế giảm đáng kể.

“Mỗi ngày, tui thu mua khoảng 10 tấn tôm. Ngoài tôm trong tỉnh, lượng thu mua ở các tỉnh thành khác là rất lớn. Nếu xét về giá thì tôm trong tỉnh thường thấp hơn các tỉnh thành phía Bắc từ 1-2 giá vì phải mất thêm chi phí vận chuyển. Thị trường tiêu thụ của tôm Thừa Thiên Huế chủ yếu là ở miền Bắc”, bà Bé thông tin.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), vụ đông này diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh tập trung chủ yếu ở vùng ven biển các xã ở huyện Phong Điền, Phú Vang. Thời thiết thuận lợi khiến người nuôi tôm có một mùa vụ đạt sản lượng cao. Lúc này, nhiều vùng nuôi trong tỉnh đang trong thời kỳ hoạch tôm. Dù sản lượng đạt rất cao, song giá tôm thẻ chân trắng giảm khiến người nuôi gặp khó khăn.

Lý giải nguyên nhân làm giá tôm giảm mạnh, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, ngoài cung vượt cầu, người nuôi trong tỉnh đang có sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường.

“Ngoài các doanh nghiệp lớn, đầu ra ổn định thì giá bán tôm của người dân chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Trước đây, tôm từ Huế trở ra Bắc thường đi theo đường tiểu ngạch nên giá rất cao. Bây giờ xu thế xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch nên giá sẽ không bằng năm ngoái. Trong khi đó, giá bán nội địa cũng thấp hơn so với xuất khẩu. Do vậy, tôm rớt giá sau tết là điều không khó lý giải, và người nuôi thì thường cho rằng ra tết giá sẽ tăng nên họ đánh mất cơ hội trong tết, thời điểm nhu cầu tiêu thụ cao”, bà Hồng nói.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

TIN MỚI

Return to top