|
Người dân Phong Điền hiến đất chung tay xây dựng nông thôn mới |
Tiên phong
Thửa đất rộng hơn 514m2 nằm mặt tiền trục đường chính của xã Phong Xuân, huyện Phong Điền của gia đình ông Nguyễn Bá Hùng, thôn Hiền An 2, hiện là cơ sở 2 của Trường mầm non Phong Xuân. Ngôi trường với những lớp học có tường sơn màu hồng, đầy sức sống, giờ ra chơi rộn rã tiếng vui cười của con trẻ có một phần đóng góp của gia đình ông Hùng và họ hàng.
Người đàn ông tuổi 75 nhớ lại, nhiều năm trước, khi lãnh đạo xã đến nhà ông trao đổi về dự định xây dựng cơ sở hai Trường mầm non Phong Xuân, giúp các cháu mầm non thuận tiện đến trường và muốn tôi hiến đất để làm trường, ông không chần chừ, do dự mà đồng ý ngay. "Thương các cháu nhỏ, trong đó có cả con cháu mình phải lặn lội mưa gió, vượt quãng đường xa đến trường, đến lớp nên tôi quyết định hiến đất của mình làm trường học, vì tương lai của thế hệ trẻ mà không chút đắn đo", ông Hùng bộc bạch.
Quyết định nhân văn đó được người nông dân chất phác Nguyễn Bá Hùng lặp lại thêm ba lần sau đó, gồm hiến 80m2 để làm đường vào khu mộ 11 liệt tại thôn Hiền An 2 và 30m2 đất ruộng để xây dựng cổng chào tại thôn Hiền An 2. Cách đây 3 năm, trong lúc giá đất đang "sốt", ông Nguyễn Bá Hùng vẫn tình nguyện hiến hơn 550m2 đất để làm đường liên thôn từ Hiền An 2 qua Tân Lập - Xuân Lộc. Trị giá số tiền, chính quyền xã Phong Xuân ước tính hơn 1 tỷ đồng. Chưa kể, trên thửa đất lúc hiến là những cây xà cừ nhiều năm tuổi và và hơn 200 cây keo tràm gần 2 năm phải chặt bỏ.
Việc làm của ông Hùng không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào hiến đất tại địa phương, mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm đến cộng đồng. Nhờ thế đã có những con đường mới được xây giúp nối liền các thôn xóm và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phong trào hiến đất tại huyện Phong Điền phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, huyện đã huy động gần 4.000 người tham gia với hơn 500 cuộc vận động, tuyên truyền. Kết quả, người dân đã tự nguyện hiến gần 580.000m² đất, trị giá 57,8 tỷ đồng để xây dựng 229 công trình công cộng.
Tại huyện Nam Đông, phong trào cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ đầu năm đến nay, có 162 hộ dân hiến 31.381m² đất, huy động hơn 33.720 lượt nhân công chỉnh trang đường làng, ngõ xóm và thực hiện các công trình công cộng. Tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp tích cực của người dân đã giúp Nam Đông giữ vững đà phát triển và cải thiện chất lượng sống.
Gắn kết lòng dân
Phong trào hiến đất làm đường tại Thừa Thiên Huế không chỉ đơn thuần là việc đóng góp đất đai, mà còn thể hiện sự đồng thuận cao với Đảng, chính quyền của người dân. Qua các buổi họp thôn, phát thanh tuyên truyền và vận động trực tiếp, người dân đã hiểu rõ rằng, họ không chỉ là có trách nhiệm đóng góp, mà còn được thụ hưởng thành quả từ phong trào.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: “Để phong trào tiếp tục lan tỏa, chính quyền huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể tiêu biểu. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, vận động người thân tích cực hưởng ứng. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ như đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được thực hiện nhanh chóng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân”.
Nhờ sự chung tay, đồng thuận đó nên đến nay, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lê Thành Nam, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 80/94 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 85,1%. Trong đó, 72 xã đã được công nhận, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện Quảng Điền và thị xã Hương Thủy đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Thành Nam cũng khẳng định, phong trào hiến đất làm đường, chỉnh trang khu dân cư không chỉ giúp thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, thể hiện người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Những con đường rộng rãi, những công trình công cộng khang trang chính là biểu tượng cho sự đổi thay tích cực ở các làng quê.
Để phong trào tiếp tục phát huy hiệu quả, các ban ngành, địa phương trên toàn tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động thi đua để thu hút sự tham gia của toàn dân. Công tác tuyên truyền, khen thưởng và hỗ trợ người dân cũng được chú trọng hơn nữa. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể sẽ nhập cuộc mạnh mẽ, chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống.
Phong trào hiến đất làm đường không chỉ là câu chuyện về sự hy sinh vì lợi ích chung, mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng những miền quê trù phú, hiện đại.