ClockThứ Bảy, 14/12/2024 14:32

Gieo mầm thịnh vượng

TTH - Cầm trên tay danh sách gương điển hình trong phong trào thi đua phát triển nông thôn mới do Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ cung cấp, tôi ấn tượng với bà Lê Thị Hương ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền, và bà Nguyễn Thị Kim Oanh, ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Họ không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ấn tượng ban đầu càng trở nên sâu sắc hơn khi tôi được lắng nghe câu chuyện và những chia sẻ chân tình từ chính họ.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàuNông dân thành thị làm giàu

 Bà Nguyễn Thị Kim Oanh chăm sóc hoa chuẩn bị phục vụ tết

Năng động,  cần mẫn

Trong cái nắng vàng nhè nhẹ của buổi sáng cuối năm, tôi gặp bà Lê Thị Hương, người phụ nữ có nước da trắng, khuôn mặt phúc hậu và đầy nghị lực. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây trĩu quả chuẩn bị cho thị trường tết, bà Hương kể, hồi trước, vùng này chủ yếu là vườn tạp, chẳng đem lại giá trị kinh tế đáng kể. Nhưng tôi nghĩ, đất là nguồn sống, nếu mình biết cách khai thác, nó sẽ đổi thay. Và tôi bắt đầu từ những cây ăn quả, chủ yếu là cây thanh trà.

Với sự kiên trì, bà Hương đã cải tạo 5ha đất vườn, chuyển đổi sang trồng thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP. Đất không phụ lòng người, vườn cây mang lại thu nhập ổn định từ 70 đến 80 triệu đồng mỗi năm. Với bà Hương, thành công không chỉ dừng lại ở nông nghiệp, bà chủ động tìm hiểu kỹ thị trường rồi dần “lấn sân”, mở rộng sang kinh doanh. Bà mạnh dạn dùng số tiền lãi có được từ vườn thanh trà đầu tư vào gia công đúc bờ lô, vận chuyển hàng hóa và buôn bán vật liệu xây dựng. Tiếp nối thành công, bà tự tin mở đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp, phục vụ nhu cầu canh tác của bà con trong vùng. Với uy tín và trách nhiệm, các sản phẩm của bà Hương dễ dàng chinh phục thị trường, không chỉ trên địa bàn xã Phong Thu mà còn mở rộng trên địa bàn toàn huyện.

Chính nhờ những hoạt động kinh doanh đa dạng này, bà Hương đã giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, trong số đó có 2 lao động từng thuộc diện hộ nghèo nay đã vươn lên trở thành hộ khá.

“Chứng kiến mọi người có việc làm, ổn định cuộc sống, tôi cảm thấy hạnh phúc. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa”, bà Hương chia sẻ.

Hình ảnh bà Hương giữa khu vườn xanh mướt hay bên những chuyến xe hàng bận rộn chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự cần mẫn và tinh thần dám nghĩ dám làm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà còn gieo những hạt mầm thịnh vượng cho cộng đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương xã Phong Thu.

Vượt khó làm giàu

Ở tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, bà Nguyễn Thị Kim Oanh được biết đến như một người phụ nữ bản lĩnh và quyết đoán. Với vợ chồng bà, 6ha đất không chỉ là tài sản mà còn là cơ hội để họ viết nên câu chuyện vươn lên làm giàu, dù con đường không hề dễ dàng.

Trang trại của bà Oanh là một mô hình kinh tế tổng hợp với nhiều loại hình, như chăn nuôi thỏ, nuôi cá giống, cá thịt và trồng các loại cây như bưởi da xanh, gừng, nghệ. Đây là thành quả của cả một hành trình dài học hỏi và vượt qua thất bại. “Những ngày đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đôi khi con giống kém chất lượng, thỏ hoặc cá bị bệnh, nguồn vốn thì hạn hẹp... nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ nản chí. Chúng tôi chịu khó tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước và rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại. Chính những bài học đó đã giúp chúng tôi có được thành công như ngày hôm nay”, bà Oanh tâm sự.

Giờ đây, mỗi năm, trang trại mang lại tổng doanh thu gần tỷ đồng, với lợi nhuận ròng hàng trăm triệu đồng. Thành công ấy không chỉ mang đến cho gia đình bà cuộc sống khá giả mà còn góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương.

Từ mô hình của mình, bà Oanh đã tạo công việc thường xuyên cho 10-15 lao động, phần lớn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, với mức thu nhập 150 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/người/ngày. Đối với những lao động này, bà Oanh không chỉ là người chủ mà còn là người thầy, người chị, sẵn sàng hướng dẫn từng kỹ thuật nhỏ nhất để họ tự tin hơn trong công việc.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Nguyễn Thị Kim Oanh còn tích cực tham gia các phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thủy Phương, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hội viên. Bà không ngại kể về những khó khăn từng trải qua để khơi dậy ý chí vươn lên trong chị em. Nhờ những đóng góp tích cực của bà, nhiều phụ nữ địa phương đã mạnh dạn khởi nghiệp, thoát nghèo và xây dựng cuộc sống ổn định.

Hai câu chuyện, hai con người, nhưng cùng chung một tinh thần không ngại khó, không ngại khổ. Bà Lê Thị Hương và bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã chứng minh rằng, với ý chí và quyết tâm, không gì là không thể. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, giúp cộng đồng cùng vươn lên.

Nhìn những khu vườn thanh trà xanh mướt của bà Hương, những bể cá đầy sức sống hay vườn bưởi trĩu quả của bà Oanh, tôi không chỉ thấy thành quả lao động, mà còn thấy cả niềm tin, hy vọng và tình yêu dành cho quê hương. Họ chính là những ngọn lửa thắp sáng phong trào thi đua lao động sáng tạo, làm giàu từ chính đôi tay và trái tim đầy nhiệt huyết.

Bài, ảnh: TUẤN KHOA
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top