ClockThứ Hai, 19/04/2021 16:22

Những “anh nuôi” trong cuộc tìm kiếm ở Thủy điện Rào Trăng 3

TTH - Sự vất vả, nỗ lực của lực lượng tìm kiếm công nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền) được người dân ghi nhận, khâm phục. Và đằng sau họ - các “anh nuôi” (Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh) cũng luôn vượt qua khó khăn để đảm bảo từng bữa ăn, giấc ngủ phục vụ cho đội tìm kiếm.

Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng trên bờ và các bãi bồiNỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3

 Hai "anh nuôi" đưa cơm đến tận nơi cho đội tìm kiếm

Trong các đợt tìm kiếm, để chạy đua với thời gian, các lực lượng tìm kiếm tổ chức ăn, nghỉ tại hiện trường. Chính vì thế, công việc của những “anh nuôi” không những bảo đảm đầy đủ cơm chín, nước sôi cho các lực lượng tìm kiếm mà kiêm luôn nhiệm vụ “shipper” khi mỗi ngày vận chuyển cơm, nước từ bếp ăn xuống hiện trường với đoạn đường núi gần 15km.

Đường xa, điều kiện rừng núi hiểm trở, vì vậy, bữa sáng của đội tìm kiếm cũng là cơm trắng, đồ ăn mặn cho chắc bụng. Để có buổi sáng đúng giờ, tờ mờ sáng, hai “anh nuôi” của đoàn đã dậy chuẩn bị cơm cho hơn 50 cán bộ, chiến sĩ kịp ăn để hành quân lên điểm tìm kiếm đúng giờ.

Cứ như thế, mỗi ngày, sau khi đoàn rời đi, cả hai anh mới có thời gian ăn vội bữa sáng của mình để tiếp tục gấp rút chuẩn bị cho bữa ăn trưa.

Trung úy Nguyễn Vinh Quang, nhân viên Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Thực phẩm thì có đội ngũ của Phòng Hậu cần mua và vận chuyển lên. Nhiệm vụ của hai anh em chúng tôi là lên thực đơn, nấu ngày 3 bữa cho đội tìm kiếm. Nấu ăn thì không khó, mà khó là vì điều kiện ở vùng núi nên các cán bộ, chiến sĩ đều phải ăn cơm cả ba bữa, nên để các cán bộ, chiến sĩ ăn no, ngon miệng, chúng tôi phải thay đổi thực đơn từng bữa sao cho thật phong phú. Mặc dù công tác bảo đảm hậu cần ở địa bàn rừng núi, xa dân cư thật không dễ, song chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để có thể đảm bảo từng bữa ăn no, đủ chất dinh dưỡng cho lực lượng tìm kiếm.

Đại úy Nguyễn Thành Điệu, cán bộ tìm kiếm thuộc Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Công việc vất vả, nhưng được các "anh nuôi" tiếp sức bằng những bữa ăn ngon, phong phú nên chúng tôi rất hài lòng. Hai "anh nuôi" phục vụ hơn 50 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm trong điều kiện rừng núi cũng vất vả chẳng kém gì đội ngũ tìm kiếm chúng tôi, nhưng các anh vẫn luôn đảm bảo cơm nóng, canh ngon.

Bếp ăn cách xa điểm tìm kiếm, nên để các lực lượng kịp ăn trưa lúc 11h30, thì việc nấu nướng phải kết thúc trước 10h. Sau đó, thức ăn, cơm nước được chuyển lên xe, đưa vào khu vực tìm kiếm. Do chở thực phẩm, lại đi qua nhiều điểm sạt lở, đường rừng núi hiểm trở nên bắt buộc xe phải đi rất chậm. Đoạn đường 15km nhưng có ngày các anh phải vận chuyển hơn 40 phút mới tới nơi. Hơn nữa, không phải ô tô có thể vào tận hiện trường tìm kiếm, mà các anh nuôi thêm một đợt “tăng bo” qua suối mới đưa đến tận tay lực lượng tìm kiếm. Đường xa, địa hình hiểm trở, nhưng mỗi suất cơm đến tay lực lượng tìm kiếm luôn nóng hổi, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thiếu tá Phạm Ngọc Sơn, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh kể: Giao xong cơm bữa trưa, chúng tôi lại “tức tốc” về bếp tranh thủ nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục chuẩn bị bữa chiều cho lực lượng tìm kiếm. Vất vả bao nhiêu cũng chẳng thành vấn đề, các cán bộ, chiến sĩ ăn no, ngon miệng là chúng tôi vui rồi. Hy vọng những đóng góp nhỏ của chúng tôi sẽ giúp các lực lượng tìm kiếm luôn đảm bảo sức khỏe, “chân cứng đá mềm” để tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm gian nan này.

Thượng tá Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trong các đợt tìm kiếm, Phòng Hậu cần luôn được giao nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tìm kiếm. Để có thể bảo đảm được tốt nhất từng bữa ăn cho các lực lượng tìm kiếm, Phòng Hậu cần cùng đội ngũ làm nhiệm vụ mà trực tiếp là các “anh nuôi” xây dựng những thực đơn hợp lý với tình hình nơi núi rừng, nhưng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đảm bảo sẵn sàng các thực phẩm khô như mì tôm, lương khô và nước uống các loại để phục vụ cho các lực lượng tìm kiếm.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

Nằm nép mình dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ, thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su
Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi
Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du

Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, tổng lượng mưa đo được từ ngày 10 đến ngày 14/12 phổ biến 200-300mm. Các hồ đập đã điều tiết, khống chế mực nước trên các sông trên báo động (BĐ) I đến dưới BĐ II.

Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du
Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

TIN MỚI

Return to top