ClockThứ Bảy, 01/01/2022 05:49

Thức cùng Hue-S

TTH - Đồng hành cùng các hoạt động của tỉnh nhà, hơn một năm qua, ứng dụng Hue-S và đội ngũ thực hiện đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân của mảnh đất cố đô.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong giai đoạn thích ứngHUE IOC kích hoạt hàng loạt ứng dụng thông qua nền tảng Hue-SĐăng ký hồ sơ hỗ trợ trực tuyến qua Hue-S hoặc địa chỉ hotrocovid19.thuathienhue.gov.vn

Hue-S đã cho thấy những tiện ích thiết thực trong đời sống

Tiện ích, hiệu quả

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, qua 4 đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay, Hue-S luôn tiên phong, đẩy mạnh công nghệ trong phòng, chống dịch. Hiện nay, Hue-S đảm nhiệm gần 20 chức năng để phục vụ các cơ quan phòng dịch. Tiêu biểu có thể kể đến chức năng giám sát người, xe ra vào thành phố, hỗ trợ công tác truy vết. “Xe qua các chốt kiểm soát sẽ được tiến hành quét mã QR, khai báo y tế lấy thông tin để xác minh dữ liệu của tài xế, qua đó phục vụ cho công tác quản lý. Đặc biệt, thông tin cụ thể của từng cá nhân được đưa về đến cấp cơ sở như thôn, xã, giúp người dân dễ dàng biết được tình hình dịch bệnh diễn biến trên địa bàn”, ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết. Hue-S cũng xây dựng những công cụ để cập nhật các biến động ở các khu cách ly. Các biến động như người mới được đưa vào khu cách ly, người hết thời gian cách ly, người trở về giám sát y tế tại nhà, người trở thành F0… đều được cập nhật chi tiết và đầy đủ trên ứng dụng Hue-S. Điều này giúp cho công tác quản lý tại các khu cách ly và địa phương phần nào dễ dàng và thuận tiện hơn.

Đồng hành cùng công tác chống dịch của tỉnh nhà, trong thời điểm dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng căng thẳng, Hue-S đã hỗ trợ cho bà con từ phương xa đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 có nhu cầu về Huế tránh dịch khai báo y tế và đăng ký phương tiện di chuyển. Nhờ đó, rất nhiều thai phụ, học sinh, người cao tuổi, người yếu thế bị mắc kẹt tại TP. Hồ Chí Minh đã có cơ hội trở về quê hương trên những chuyến tàu, chuyến bay đong đầy nghĩa tình.

Một trong những bước đi lớn phục vụ công tác chống dịch trong thời gian qua là việc triển khai thẻ kiểm soát dịch bệnh thông qua mã QR quốc gia. Đây là một công cụ tích hợp thông tin khai báo y tế, tiêm chủng vắc-xin và các địa điểm đã lui tới của người dân, với thao tác nhanh gọn, thuận tiện trong sử dụng, góp phần kiểm soát dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”. “Hiện đã có 1,2 triệu người (hơn 95% dân số tỉnh Thừa Thiên Huế) được cấp thẻ kiểm soát dịch bệnh. Thông qua thẻ kiểm soát có thể giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng truy vết, thông báo và tiến hành hỗ trợ y tế cho người dân, giúp cho người dân kiểm soát được lịch trình di chuyển của mình trong thời điểm dịch bệnh”, ông Hoàng Minh chia sẻ.

Vượt qua khó khăn

Đồng hành cùng ứng dụng Hue-S, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh còn triển khai đường dây nóng 19001075 hỗ trợ người dân 24/7. Đây là đường dây nóng luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ người dân, doanh nghiệp đến với cơ quan Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực cũng như hỗ trợ, cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh, thông tin về chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh cho người dân trong và ngoài tỉnh, đảm bảo đầu mối thống nhất tiếp nhận và hỗ trợ thông tin cho bà con. “Vào lúc cao điểm, có tới 6.000-7.000 cuộc gọi/ngày”, ông Hoàng Minh thông tin.

Luôn theo sát những hoạt động của tỉnh nhà trong thời gian qua, Hue-S và đường dây nóng 19001075 cũng có lúc bị tình trạng quấy phá. Một số trường hợp gọi đến tổng đài viên buông lời khó nghe, nặng lời, chọc ghẹo. “Có nhiều trường hợp rất “dở khóc dở cười”, khi nhiều người không ý thức được rằng 19001075 là đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hiện trường cũng như hỗ trợ trong phòng, chống dịch COVID-19. Người ta gọi đến, hỏi về những vấn đề rất trời ơi đất hỡi như xin số điện thoại của tổng đài viên, xin facebook,… hay quá đáng hơn là buông lời thóa mạ. Những lúc như vậy, tôi đành tặc lưỡi cho qua, động viên mọi người tiếp tục công việc để phục vụ người dân”, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, tổng đài viên của Hue-S bộc bạch.

Để có thể liên tục phục vụ người dân 24/7, Hue-S cũng gặp khó khăn về khả năng vận hành. Ông Hoàng Minh cho biết, tổng đài 19001075 gồm 15 người, mặc dù đã huy động thêm nhân lực của Sở Thông tin – Truyền thông nhưng vẫn xảy ra tình trạng quá tải. “Các tổng đài viên phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ phải gác lại việc gia đình, các sở thích, thú vui để đồng hành cùng người dân. Thậm chí, từng có trường hợp tổng đài viên là F2 nhưng phải ở lại tự cách ly tại cơ quan để tiếp tục công việc trực đường dây nóng do khối lượng công việc là rất lớn, gấp đôi, gấp ba lần bình thường”, đại diện Sở Thông tin  - Truyền thông cho hay.

Hướng tới ứng dụng đa chức năng

Phát triển từ giữa năm 2018 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019, đến nay Hue-S đã trở thành một ứng dụng đa chức năng, đa nền tảng để phục vụ người dân Huế. Hiện nay Hue-S đã có rất nhiều chức năng hữu ích như chức năng gọi xe taxi, thanh toán tiền điện, tiền nước, thanh toán học phí đã được áp dụng tại một số trường THPT, điển hình như Trường THPT Hai Bà Trưng. Trong thời gian tới, đội ngũ phát triển Hue-S sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện về giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ người dân một cách tốt nhất.

Chị Nguyễn Thị Mai Quỳnh, phường Phường Đúc nhận xét: Hue-S thật sự là một ứng dụng tốt. Các cảnh báo về thiên tai, dịch bệnh được gửi đến người dân một cách thường xuyên, những phản ảnh của người dân về tình hình trong tỉnh được xử lý rất nhanh. Ứng dụng cũng có chức năng hỗ trợ thanh toán học phí và các chi phí sinh hoạt, giúp người dân dễ dàng chi trả trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Với những thành công của mình, Hue-S đã xuất sắc được công nhận “Giải thưởng Sao Khuê 2021” trong lĩnh vực các nền tảng chuyển đổi số. Thực tiễn vận hành các dịch vụ đô thị thông minh trên ứng dụng Hue-S đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý Nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với hoạt động của chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Hoàng Minh, trong tương lai, Hue-S mong muốn phát triển thêm những tính năng để phục vụ cho du khách đến Huế, giới thiệu được những danh lam thắng cảnh của quê hương, cũng như phát triển thêm nền tảng du lịch tại chỗ như 3D VR nhằm thích ứng với tình hình “bình thường mới”.

Bài: Đăng Trình

Ảnh: Hue-S cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thử thách làm cho thế giới sạch hơn”

Nhằm góp phần nâng cao nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Cuộc thi Thử thách làm cho thế giới sạch hơn trên nền tảng số Hue-S từ ngày 2 - 31/6.

“Thử thách làm cho thế giới sạch hơn”
Chuyển đổi phương thức đăng nhập Hue-S bằng VNeID từ 30/5

Với mục tiêu tạo sự thuận tiện, thống nhất, đảm bảo quyền lợi và an toàn thông tin cho người dân, từ ngày 30/5/2024, tất cả các tài khoản đăng nhập Hue-S và các ứng dụng do nhà nước cung cấp cho người dân đều chuyển đổi thống nhất qua tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Chuyển đổi phương thức đăng nhập Hue-S bằng VNeID từ 30 5
Dễ dàng tìm kiếm thông tin, định vị địa điểm diễn ra Festival Huế

Nhằm giúp người dân và du khách có một kênh thông tin chính thống cung cấp toàn bộ thông tin các chương trình, hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị thu thập, số hóa dữ liệu cung cấp thống nhất thông qua website https://huefestival.com và app Hue-S (ứng dụng dành cho du lịch).

Dễ dàng tìm kiếm thông tin, định vị địa điểm diễn ra Festival Huế

TIN MỚI

Return to top