ClockThứ Tư, 25/01/2023 08:43

Gỡ vướng giải ngân gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%

Gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước được Chính phủ công bố hồi tháng 5/2022. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Tiến độ thực hiện chương trình này rất chậm, hiện chỉ mới giải ngân được một phần nhỏ của gói hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023Tiền nhàn rỗi “chảy” về ngân hàngĐảm bảo giao dịch ngân hàng trước, trong và sau tết

Giao dịch khách hàng tại chi nhánh Ngân hàng Vietcombank.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã có Tờ trình về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. Theo đó, một số vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình NHNN và các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng khảo sát thực tế tại địa phương.

Khó tiếp cận gói vay

Theo nhiều đại diện lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM), các ngân hàng đều triển khai rất quyết liệt nhưng kết quả còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân, nhất là tâm lý e ngại của chính khách hàng vay vốn. Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội chuyển đổi việc hỗ trợ gián tiếp qua lãi suất vay vốn bằng chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước hoặc cơ chế giảm thuế cho các đối tượng cần được hỗ trợ.

Số liệu tập hợp từ các NHTM cũng cho thấy, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu. Thậm chí, một số khách hàng đã nhận hỗ trợ lãi suất, song chủ động hoàn trả NHTM toàn bộ số tiền lãi được hỗ trợ. Lý do lớn nhất là tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: “Ngại khâu hậu kiểm vì đây là ngân sách nhà nước, được hưởng một chút mà lại thanh kiểm tra thì thật sự ái ngại”.

Một vướng mắc lớn nữa liên quan quy định “có khả năng phục hồi” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, các NHTM không thể “đánh giá khả năng phục hồi” của khách hàng mà chỉ có thể đánh giá “có đủ điều kiện cho vay hay không” mà thôi. Qua báo cáo và khảo sát từ các NHTM và khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi”, vì hiện nay các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh phải tăng; hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng, triển vọng kinh doanh của khách hàng…

Trong bối cảnh hiện nay, các tiêu chí này là rất khó đánh giá, nhất là tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào, áp lực lạm phát… Do vậy, tiêu chí “có khả năng phục hồi” cần được sửa đổi. Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ: “Chúng tôi muốn giải ngân nhiều hơn cũng không được vì doanh nghiệp không đủ điều kiện. Chúng tôi cũng đăng ký chỉ tiêu hỗ trợ nhiều nhưng không làm gì được, do đó, đề nghị các bộ, ngành xem xét lại các điều kiện này cho phù hợp thực tế”.

Sớm điều chỉnh điều kiện

Hiện tại, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình này, kiến nghị chính sách cùng các bộ, ngành liên quan; đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên báo cáo chi tiết về việc triển khai chương trình và có những tháo gỡ quyết liệt trong thời gian tới.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết, Vietcombank tiếp tục tổ chức tập huấn nội bộ và tiếp thu ý kiến từ khách hàng để khẩn trương kiến nghị giải pháp đến các cơ quan chức năng. “Chúng tôi đã sẵn sàng nguồn lực, chỉ đợi chính sách”, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 23.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 78 tỷ đồng. Trong khi đó, theo rà soát của của các NHTM tại thời điểm 30/9/2022, dư nợ của nhóm khách hàng thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất ký kết thỏa thuận cho vay giải ngân sau 1/1/2022 khoảng 850.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 750.000 khách hàng.

Các NHTM đã chủ động tiếp cận gửi thông tin cho khách hàng. Tuy nhiên, trong số đó, có tới 650.000 khách hàng (87%) không đáp ứng được điều kiện, còn hơn 100.000 khách hàng (13%) đáp ứng điều kiện vay thì có 7% khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất, 26% khách hàng chưa phản hồi và 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng gặp vướng mắc ở chỗ xác định đúng đối tượng với yêu cầu đặt ra là phải đăng ký kinh doanh.

Trong khi đó, trên thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh, hộ gia đình chưa đăng ký kinh doanh. “Trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, các cấu phần trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là gói hỗ trợ lãi suất, bản thân các doanh nghiệp cũng e ngại về việc thanh tra, kiểm ra, sai sót sau này. Rõ ràng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp; đồng thời cần sự vào cuộc rất quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

Cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn cho thị trường, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất
Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công

Ngày 31/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm) tổ chức nghiệm thu 2 đề án khuyến công từ nguồn vốn sự nghiệp cho hoạt động khuyến công tỉnh năm 2024 tại địa bàn huyện Quảng Điền.

Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công

TIN MỚI

Return to top