ClockThứ Sáu, 05/04/2024 07:01

Đô thị Huế hiện đại & hành trình phát triển - Kỳ 3: Điều chỉnh và mở rộng để phát triển

TTH - Không ngừng được mở rộng về địa giới để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Huế xứng đáng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Đô thị Huế hiện đại & hành trình phát triển - Kỳ 2: Đi tìm mô hình phù hợpĐô thị Huế hiện đại & hành trình phát triển - Kỳ 1: Thành phố bên bờ sông Hương

 Khách sạn Century, điểm nhấn kiến trúc đô thị Huế thời kỳ đổi mới. Ảnh: Trang Century Riverside Huế

Thành phố - Tỉnh lỵ Bình Trị Thiên

Ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Về tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh có thành phố Huế và các huyện trực thuộc. Thành phố Huế có 3 quận gồm quận Một, quận Hai và quận Ba. Dưới quận, chia thành các phường, xã và dưới các phường, xã chia thành các khóm, thôn. Toàn thành phố có 26 khóm phố và 4 xã, thôn ở vùng ngoại ô. Đến tháng 6/1975, xóa bỏ cấp quận và hình thành 11 khu phố trực thuộc thành phố Huế.

Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị có Nghị quyết 245 - NQ/TW và sau đó ngày 27/12/1975, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V ra Nghị quyết về hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên. Đến ngày 15/4/1976, việc hợp nhất tỉnh hoàn thành. Thành phố Huế là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Trị Thiên có 17 phường, xã. Qua 2 lần mở rộng, đến đầu năm 1977, thành phố Huế có 11 phường, gồm: Vĩnh Ninh, Vĩnh Lợi, Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Thuận, Phú An, Phú Cát, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Thành và 6 xã: Hương Lưu, Thủy Xuân, Thủy Phú, Thủy Phước, Thủy Trường, Xuân Long.

Ngày 13/3/1979, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 102 - CP, phân vạch địa giới hành chính một số xã và phường thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Theo đó, ở thành phố Huế, giải thể và sáp nhập phường Phú An vào phường Phú Cát.

Ngày 11/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 64 - HĐBT; theo đó, thành phố Huế được mở rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến bấy giờ. Cụ thể, tách các xã Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Hồ, Hương Bình, Hương Thọ (trừ thôn Dương Hòa sáp nhập về huyện Hương Phú) và các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bồn Trì, Bồn Phổ, An Lưu của xã Hương Chữ thuộc huyện Hương Điền để sáp nhập vào thành phố Huế; tách các xã Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy An, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân và các xóm Cồn Trâu, Cổ Thành, Vườn Trầu, Đông Giáp của xã Thủy Vân thuộc huyện Hương Phú để sáp nhập vào thành phố Huế.

Thành phố Huế sau khi mở rộng bao gồm các phường Thuận Thành, Thuận Lộc, Thuận Hòa, Tây Lộc, Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Cát, Phú Hiệp, Vĩnh Lợi, Vĩnh Ninh và các xã Thủy Trường, Thủy Phước, Thủy Xuân, Xuân Long, Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Bình, Hương Thọ, Thủy bằng, Thủy Biều, Thủy An, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Thủy Phú (gồm cả xóm Đông Giáp), Hương Lưu (gồm cả xóm Cồn Trâu và xóm Cổ Thành), Hương Hồ (gồm cả các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, An Lưu, Bồn Trì, Bồn Phổ).

Ngày 17/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 73 - HĐBT phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Theo đó, ở thành phố Huế thành lập xã Hương An trên cơ sở sáp nhập các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bồn Trì, Bồn Phổ, An Vân Thượng và An Hòa Thượng, tách từ xã Hương Hồ. Như vậy, qua nhiều lần điều chỉnh, thành phố Huế đến cuối năm 1981 có 10 phường và 24 xã. 

Ngày 6/1/1983, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 3 - HĐBT phân vạch địa giới một số xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Tại thành phố Huế, chia xã Hương Hải thành 2 xã lấy tên là xã Thuận An và xã Hải Dương. Thành lập xã Bình Điền (khu kinh tế mới Bình Điền 1) và xã Bình Thành (khu kinh tế mới Bình Điền 2). Chia phường Phú Thuận thành 2 phường Phú Bình và Phú Thuận. Thành lập phường An Cựu trên cơ sở tách các tổ dân phố từ tổ 3 đến tổ 12 của phường Vĩnh Lợi và thôn Nhất Tây của xã Thủy An. Thành lập phường Phường Đúc trên cơ sở tách khu vực Lịch Đợi của phường Vĩnh Ninh và thôn Thượng Năm của xã Thủy Xuân. Đổi tên xã thành phường: Xã Xuân Long thành phường Kim Long, xã Hương Lưu thành phường Vỹ Dạ, xã Thủy Phú thành phường Xuân Phú, xã Thủy Phước thành phường Phước Vĩnh và xã Thủy Trường thành phường Trường An.

Thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh

Ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị có Quyết định số 87/QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế từ 1/7/1989. Tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế và 4 huyện. Thành phố Huế có 18 phường và 22 xã.

Ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 345 - HĐBT về việc điều chỉnh địa giới các huyện Phú Lộc, Hương Phú, Hương Điền và thành phố Huế. Theo đó, chuyển 8 xã Thủy Bằng, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Mậu, Thuận An, Phú Thanh, Phú Dương, Phú Tân thuộc thành phố Huế về huyện Hương Phú và chia huyện này thành 2 huyện Hương Thủy và Phú Vang. Chuyển 9 xã Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình, Hương Hồ, Hương An, Hương Vinh, Hương Thọ, Hương Phong, Hải Dương về huyện Hương Điền và chia huyện này thành 3 huyện là Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền. Tính đến cuối năm 1990, thành phố Huế có 18 phường và 5 xã. Ngày 24/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 355/CT công nhận thành phố Huế là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 22/11/1995, Chính phủ ra Nghị định số 80/CP phân chia phường Vĩnh Lợi thuộc thành phố Huế thành 2 phường là Phú Nhuận và Phú Hội, chia phường Phú Hiệp thành 2 phường Phú Hiệp và Phú Hậu. Hội nghị lần thứ 8 BCH Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XI họp từ ngay 29/5 đến 2/6/1998 ra Nghị quyết về Định hướng phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế, nêu rõ mạng lưới đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế là đô thị loại II và 8 thị trấn – huyện lỵ là đô thị loại IV. Ngày 23/1/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, xếp thành phố Huế là một trong các đô thị trung tâm cấp quốc gia cùng với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và là một trong trung tâm vùng trọng điểm Trung Bộ (Đà Nẵng và Huế).

Ngày 24/8/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg công nhận thành phố Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định sự phát triển của thành phố Huế trong sự phát triển của đất nước. Thành phố Huế có 20 phường và 5 xã. Năm 2005, có diện tích 70,99km2 và dân số 326.301 người. 25 phường gồm có: Phú Thuận, Phú Bình, Tây Lộc, Thuận Lộc, Phú Hiệp, Phú Hậu, Thuận Hòa, Thuận Thành, Phú Hòa, Phú Cát, Kim Long, Vỹ Dạ, Phường Đúc, Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận, Xuân Phú, Trường An, Phước Vĩnh, An Cựu và 5 xã gồm Hương Sơ, Thủy Biều, Hương Long, Thủy Xuân và Thủy An.

(Còn tiếp)

Kỳ 4: Hiện thực hóa giấc mơ thành phố trực thuộc Trung ương

ĐAN DUY
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

TIN MỚI

Return to top