ClockThứ Năm, 15/08/2024 06:05

Để các chợ truyền thống luôn nhộn nhịp

TTH - Trái với hình ảnh đông đúc, rộn ràng ở các trung tâm thương mại, siêu thị, thì các chợ truyền thống ở Huế lại ảm đạm, vắng khách. Giải pháp nào để chợ truyền thống luôn nhộn nhịp là điều đáng suy ngẫm.

Thay đổi diện mạo cho sản phẩm truyền thốngĐể khách đến Huế không lo về giá Xây dựng hình ảnh chợ văn minh thương mại

 Không gian của chợ truyền thống

Thay đổi thái độ phục vụ và chú trọng chất lượng hàng hóa

Hiện nay, các hoạt động mua, bán hàng qua kênh online phát triển mạnh; đồng thời, sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi đã tác động không nhỏ đến hoạt động của chợ truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Kiều (P. Thủy Châu, TX. Hương Thủy) chia sẻ, nhiều năm nay nhìn chung các chợ truyền thống có sự đầu tư về diện mạo, được tu sửa; các khu bán hàng được bố trí hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, những thay đổi về hình thức chưa đủ để chợ truyền thống giữ vững được vị thế của mình. “Nhiều tiểu thương vẫn chưa chịu thay đổi phương thức, thái độ bán hàng, đáng buồn là vẫn còn tình trạng nói thách, hét giá. Thông thường mỗi khi đến chợ mua hàng, tôi hầu như tìm đến những mối bán quen” - bà Kiều nói.

Nói về nguyên nhân dịch chuyển mua sắm từ chợ truyền thống sang những kênh mua sắm hiện đại, chị Trần Thu Huệ (P. Thủy Xuân, TP. Huế) cho biết, bây giờ số người đến chợ phần là lớn tuổi, còn những người trẻ thường chọn mua hàng qua mạng. Việc mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị tiện ích hơn, không gian mua sắm hiện đại, sạch sẽ... “Hàng hóa ở siêu thị được niêm yết giá, vừa thoải mái lựa chọn và chẳng sợ nói thách như mua hàng ở chợ” - chị Huệ chia sẻ.

"Để có thể hấp dẫn được người tiêu dùng, các chợ truyền thống cần được tổ chức, nâng cấp, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá rõ ràng, đa dạng các hình thức bán hàng…", anh Nguyễn Thanh Hùng (P. An Cựu, TP. Huế) góp ý.

Nên cập nhật phương thức bán hàng mới

Theo anh Nguyễn Thanh Hùng, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối hiện đại, như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, vì chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng… Tuy nhiên, nếu không thay đổi cung cách phục vụ, niêm yết giá cả thì việc bán lẻ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với cách bán lẻ hiện đại.

Trước sự cạnh tranh ngày càng lớn, thay vì duy trì cách thức bán hàng truyền thống, tiểu thương tại các chợ cần chủ động thay đổi phương thức bán hàng phù hợp. Đã có nhiều tiểu thương ở các chợ bắt đầu cung cấp thêm nhiều dịch vụ như giao hàng tận nơi, đưa các phương thức thanh toán hiện đại vào giao dịch, kết hợp bán hàng thông qua mạng xã hội…

Ông Nguyễn Văn Cừ, Trưởng Ban quản lý chợ An Lỗ (Phong Điền) chia sẻ: “Tôi tham gia quản lý ở chợ An Lỗ hơn 30 năm, nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng ế ẩm như hiện nay. Ngoài khu vực hàng thịt cá, rau củ quả còn có khách, chứ khu bán quần áo, mỹ phẩm rất vắng khách. Chúng tôi đang trăn trở nhưng rất mong các ban, ngành chức năng có những chính sách, hướng phát triển hợp lý để các chợ truyền thống phát triển theo hướng hiện đại”.

Bà Lê Thị Phương, tiểu thương chợ An Lỗ (Phong Điền) cho biết, mấy người con ở TP. Hồ Chí Minh về thăm quê kể rằng, các khu chợ truyền thống ở khu vực phía Nam hiện đã tổ chức nhiều phiên livestream bán hàng, nên hiệu quả trong việc thu hút, kết nối khách hàng rất cao. Tôi thấy hình thức này hay, nếu các chợ truyền thống ở Huế cũng tổ chức như vậy thì giúp các tiểu thương tiếp cận với hình thức bán hàng mới để tăng doanh thu.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng Ban quản lý chợ An Cựu (TP. Huế) thông tin: Hiện nay, tại chợ có hơn 300 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh buôn bán với hơn 400 gian hàng. Do nhiều nguyên nhân, nhất khi các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn ra đời thì lượng khách vào chợ mua bán ít dần. Bà Hằng nhận định, chợ truyền thống vẫn sẽ là kênh mua sắm không thể thiếu của người tiêu dùng, nơi giao thương từ xưa với những nét đẹp mua bán từ lâu đời nên khó thay thế. Để duy trì phát triển, Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, vận động các tiểu thương thay đổi dần cách kinh doanh phù hợp với xu thế hiện nay, như mở thêm các kênh kết nối với khách hàng, tận dụng hình thức bán hàng online... Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa kinh doanh theo hướng văn minh để giữ vững vị thế của mình.

 “Chợ truyền thống không chỉ là nơi để tiểu thương mưu sinh, mà còn là những người truyền bá văn hóa, nét đẹp văn hóa của vùng đất…”, bà Hằng chia sẻ.

Thống kê từ Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 147 chợ đang hoạt động; trong đó có 4 chợ hạng nhất, 22 chợ hạng hai, còn lại là hạng ba. Dù đang trong giai đoạn cao điểm mùa du lịch nhưng sức mua sụt giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước.


Bài, ảnh: MINH HOÀI
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (2)
LA
Lan Anh - 15/08/2024 07:40
Tại các nước phát triển cũng chưa bao giờ bỏ chợ truyền thống, họ xây dựng chợ truyền thống rất đẹp, rất sạch sẽ và tạo thành các điểm mua sắm và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực rất thú vị. Tư duy cải tạo chợ truyền thống thành siêu thị hoặc trung tâm thương mại là sai lầm và sẽ giết chết dần các chợ truyền thống và tạo nên các chợ tạm chợ cóc nhếch nhác, mất vệ sinh, mất trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ, gây cản trở giao thông. Việt Nam cần sớm có chiến lược cải tạo các chợ truyền thống tại các địa phương, cần tạo nên các mẫu và tiêu chuẩn thiết kế chợ đẹp sạch thuận tiện (thiết kế chợ đẹp và thẩm mỹ và mang nét văn hoá lịch sử của địa phương nơi có chợ, trần chợ cao thoáng đãng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, bố trí sạp hàng tươi sống và lối đi tiện cho xe hai bánh mua hàng phục vụ bữa ăn hàng ngày mà không cần phải gửi xe, có thiết kế hệ thống thoát nước thải đảm bảo vệ sinh cho khu vực bán và chế biến thực phẩm tươi sống, hệ thống thu gom rác thải và PCCC đạt chuẩn, bố trí khu vực giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương như OCOP, bố trí khu vực ăn uống ẩm thực sạch sẽ và thuận tiện, không chia nát chợ thành quá nhiều kios ..) để chợ truyền thống không chỉ là nơi mua sắm thực phẩm thông thường mà còn là nét đẹp văn hoá, là điểm check in thu hút khách du lịch, làm sạch sẽ đường phố nhờ giảm chợ cóc chợ tạm, trả lại lối đi cho khách bộ hành và tăng văn minh đô thị ..
LA
Lan Anh - 15/08/2024 07:39
Một trong những khu chợ truyền thống nổi tiếng nhất ở Mỹ phải kể đến đó chính là Pike Place Market. Khu chợ này nằm tại thành phố Seattle, và cũng được xếp vào danh sách điểm đến cực kỳ hút khách. Pike Place Market là nơi buôn bán nhiều mặt hàng khác nhau. Trong đó, bạn có thể tìm thấy cả nông sản, hải sản, thời trang và cả ẩm thực. Chợ Pike Place Market được xem là nơi bắt nguồn cho văn hóa của thành phố. Chợ hầu như ngày nào cũng đông nghịt khách từ sáng đến tối, khách du lịch rất nhiều, họ muốn trải nghiệm không khí và những điểm mua sắm thú vị ở chợ, từ khu vực nông sản và hoa quả đa dạng đầy màu sắc, khu chợ cá với những anh chàng vui vẻ tung cá và hát "I need a job", những con tôm và cua hoàng đế đỏ chói to đùng, con đường kẹo cao su màu mè thơm phức, những khách du lịch háo hức xếp hàng dài mua cà phê và những chiếc bánh sừng bò thơm ngào ngạt hoặc chờ đến lượt phục vụ bên ngoài những quán ăn, hoa đủ loại được bầy chen chúc tỏa hương trên những chiếc kệ, những hàng bán đồ lưu niệm nhỏ xinh thú vị tràn ngập khắp nơi, ngoài chợ rất nhiều các cửa hàng cà phê & bánh và các quán ăn, những cửa hàng bán dụng cụ nhà bếp chất lượng, những cửa hàng bán tranh đủ loại, những cửa hàng với các loại gia vị trên thế giới được bày bán. Quán cà phê Starbuck nổi tiếng thế giới cũng bắt nguồn chuỗi thành công của mình từ đây. Khu chợ truyền thống thú vị này chưa từng làm du khách thất vọng và đem lại doanh thu đáng kể cho thành phố.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn thực phẩm từ Sáng kiến Một Sức Khỏe

Cải thiện an toàn thịt lợn tại các cơ sở giết mổ và chợ truyền thống là mục tiêu hướng đến tại Hội nghị tổng kết Hợp phần An toàn thực phẩm Sáng kiến Một Sức Khỏe do Quỹ CGIAR Trust Fund tài trợ, Viện Thú y thuộc Bộ NN & PTNT phối hợp cùng Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức, diễn ra tại TP. Huế trong ngày 27/12.

An toàn thực phẩm từ Sáng kiến Một Sức Khỏe
BIDV ra quân đồng hành cùng tiểu thương

Ngày 4/9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Ban Khách hàng bán lẻ phối hợp với BIDV chi nhánh Thừa Thiên Huế và BIDV chi nhánh Phú Xuân triển khai lễ ra quân chiến dịch BIDV đồng hành cùng tiểu thương Thừa Thiên Huế với chủ đề “Một vòng Huế thương”.

BIDV ra quân đồng hành cùng tiểu thương
Nhộn nhịp thị trường năm học mới

Cùng với việc chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới ở các trường học, không khí mua sắm sách giáo khoa, đồ dùng học tập, cặp sách... tại các nhà sách cũng diễn ra sôi động.

Nhộn nhịp thị trường năm học mới
Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy

Sáng 12/7, đại diện UBND huyện Nam Đông cho biết, chợ Khe Tre đã hoạt động trở lại sau hơn 7 tháng tạm dừng để thi công, sửa chữa khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 12/2023.

Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy

TIN MỚI

Return to top