ClockThứ Bảy, 01/01/2022 11:58

Hiệp định RCEP thực thi từ ngày 1/1/2022: Động lực thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày hôm nay 1/1/2022 giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN.

WB cung cấp gói tín dụng hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau COVID-19IMF: Hàn Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu trong 2022Nền kinh tế thế giới sẽ vượt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022Ngân sách nhà nước: Vượt đích trong bão dịchHiệp định RCEP sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế ASEAN

Cùng với đó, Hiệp định RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý góp phần giúp môi trường thương mại công bằng trong khu vực  và được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thương mại góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19.

Cơ hội phát triển

Là một trong những ưu tiên hội nhập của ASEAN, Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Vì vậy, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Chia sẻ về Hiệp định RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiệp định này được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ kết nối 4 Hiệp định Thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng đối tác trước đây, tạo thành 1 khu vực thương mại tự do mới hơn; trong đó áp dụng 1 quy tắc xuất xứ và các quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Điều này giúp phát triển các chuỗi cung ứng khu vực, mở ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho Việt Nam cũng như tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ngày 1/1/2022 cũng là thời điểm đúng như dự tính của ASEAN - thời điểm kinh tế thế giới có khả năng phục hồi.

Vì vậy, với việc hiệp định lớn như RCEP được đưa vào thực thi với quy mô dân số và thương mại, các nước ASEAN; trong đó, có Việt Nam đều hy vọng Hiệp định RCEP là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Theo các chuyên gia, khi Hiệp định RCEP có hiệu lực cơ hội mang lại cũng sẽ song hành với những khó khăn và thách thức. Trước hết, Hiệp định RCEP có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự và năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, khi Hiệp định RCEP có hiệu lực sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.

Ngoài ra, đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, đặc biệt khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn hạn chế.

Tuy nhiên, kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy khả năng của Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực ngày càng tăng lên cùng với việc đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong Hiệp định RCEP theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa nội khối ASEAN, cụ thể là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN+1).

Vì vậy, quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trên là trong vòng khoảng 15 năm qua. Việc thực hiện Hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.

Hơn nữa, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì vậy, Việt Nam không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai thác triệt để lợi ích.

Tạo thế vững chãi

Nhìn lại năm 2021, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức do dịch COVID-19 gây ra. Trước bối cảnh này, các quốc gia không ngừng gia tăng chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước nên số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cả hai chiều không ngừng gia tăng.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng điều này sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA; trong đó, có RCEP có mức độ cạnh tranh khốc liệt.

Việc bị áp thuế phòng vệ thương mại sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác.

Thậm chí, trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế thấp, một số doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể không gia tăng như kỳ vọng, hay nói cách khác, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ làm kìm hãm tốc độ gia tăng xuất khẩu.

Do vậy, nhiều khuyến cáo đã đưa ra đối với doanh nghiệp là muốn tham gia “sân chơi” mở rộng như RCEP, đòi hỏi cần nắm vững quy định pháp lý để hạn chế rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn khi ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các vụ kiện hay tranh chấp thương mại để nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm cũng như tìm hiểu kỹ, chính xác mọi thông tin của đối tác về năng lực tài chính và các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, nhằm bảo đảm quá trình giao kết hợp đồng được đúng thủ tục pháp lý, quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của các bên.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những nguy cơ khi thực thi Hiệp định RCEP, theo ông Chu Thắng Trung, Cục Phòng vệ thương mại sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về phòng vệ thương mại.

Chẳng hạn như Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng chỉ rõ, các quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho doanh nghiệp khi thực thi. Vì thế, hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.

Cụ thể, với mặt hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh, về cơ bản Hiệp định RCEP tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn nên doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh.

Bên cạnh việc nâng cao tính chủ động từ phía doanh nghiệp sẽ luôn có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước để có thể khai thác triệt để hiệu quả những lợi thế mà Hiệp định RCEP mang lại.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

TIN MỚI

Return to top