Thế giới

Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế ASEAN

ClockThứ Bảy, 25/12/2021 11:37
TTH - Đây là nhận định được ông Sithanonxay Suvannaphakdy, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) tại Singapore đưa ra trong một bài viết, được xuất bản trên Tạp chí The Diplomat.

Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn hiệp định thương mại RCEPRCEP sẽ mở ra “kỷ nguyên châu Á” mới

Hiệp định RCEP đã được ký kết chính thức vào ngày 15/11/2020, và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Ảnh minh họa: BTK ASEAN/TTXVN

Vào ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ chính thức có hiệu lực, đóng vai trò như một động lực chính thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế cho toàn khu vực. Trước đó, hiệp định này đã hội đủ điều kiện để được thực thi. Tính đến ngày 7/12, 11 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định, bao gồm 6 quốc gia ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam), và 5 quốc gia ngoài ASEAN (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc).

Động lực quan trọng của thương mại và đầu tư

Theo ông Sithanonxay Suvannaphakdy, hiệp định RCEP sẽ đóng vai trò là một động lực quan trọng của thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bao trùm hơn ở ASEAN vào năm 2022 và xa hơn nữa.

Thứ nhất, RCEP cắt giảm thuế nhập khẩu và giúp hài hòa những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 (chẳng hạn như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản). Kể từ ngày có hiệu lực, hiệp định RCEP sẽ xóa bỏ lên đến 90% thuế quan đối với hàng hóa được giao dịch giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm tới.

Vào năm 2022, Trung Quốc, 1 trong 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của các quốc gia ASEAN sẽ xóa bỏ khoảng 70% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN. Trong khi đó, các quốc gia ASEAN bao gồm Brunei, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ xóa bỏ khoảng 75% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thứ hai, hiệp định RCEP sẽ tăng cường sự hài hòa của các biện pháp phi thuế quan, như tiêu chuẩn sản phẩm về an toàn thực phẩm, các yêu cầu về đóng gói và dán nhãn mác bằng cách thúc đẩy tính minh bạch, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và công nhận lẫn nhau về những thủ tục đánh giá sự phù hợp của các đối tác RCEP.

Các điều khoản của RCEP về tính minh bạch và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế yêu cầu các cơ quan quản lý của những đối tác RCEP phải đưa thông lệ quốc tế tốt nhất vào quá trình xây dựng quy tắc trong nước, và ngăn chặn quy định tạo ra những rào cản không cần thiết đối với thương mại.

Bên cạnh đó, việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa 2 hay nhiều đối tác RCEP sẽ giúp đảm bảo các thương nhân không phải đối mặt với yêu cầu hoặc thủ tục trùng lặp, trước những quy định khác nhau giữa các thị trường.

Cuối cùng, hiệp định RCEP dự kiến ​​sẽ kích thích thương mại điện tử xuyên biên giới, và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tham gia vào thương mại quốc tế. Hiệp định này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử, chẳng hạn như sự bảo vệ đối với người tiêu dùng trực tuyến và dữ liệu cá nhân trực tuyến; đồng thời tạo điều kiện chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử, và ngăn chặn việc sử dụng các yêu cầu lưu trữ dữ liệu cục bộ như một điều kiện để tiến hành thương mại điện tử trong các đối tác RCEP.

Cơ hội

Sự phát triển của thương mại điện tử tạo cơ hội cho các DNVVN tham gia vào thương mại điện tử, qua đó tăng cường sự phục hồi của các doanh nghiệp này từ đại dịch COVID-19 trong năm 2022 và xa hơn nữa.

Có thể thấy, tại Singapore, tỷ trọng của doanh số bán lẻ trực tuyến trong tổng doanh số bán lẻ vào năm 2020 đã tăng gấp đôi so với mức trước đại dịch, mở rộng từ 5,9% trong năm 2019 lên mức 11,7% vào năm 2020. Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 đang diễn ra, nhất là các biến thể có khả năng lây lan cao như Delta và Omicron, nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại điện tử trong việc tăng cường sự phục hồi thương mại của khu vực.

Dù vậy, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, lợi ích của số hóa đối với các DNVVN không phải là “tự động”. Bởi điều đó yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư vào việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, đồng thời có được những kỹ năng mới để thúc đẩy sự đổi mới dựa trên dữ liệu. Bên cạnh đó, các Chính phủ ASEAN cần cung cấp một môi trường hoạt động được hỗ trợ trong nước và quốc tế.

Việc bắt đầu thực hiện RCEP vào năm 2022 là thời điểm thích hợp để chuyển các điều khoản của RCEP về thương mại điện tử thành những kế hoạch hành động quốc gia của các thành viên ASEAN. Điều này sẽ mở đường cho việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn cho thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như cải thiện khả năng thích ứng của các DNVVN đối với thương mại điện tử trong khu vực.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Diplomat)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
Châu Á - Thái Bình Dương:
Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm

Khối lượng cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự phục hồi vào năm 2025, nhờ hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) và môi trường lãi suất thuận lợi, sau khi giảm trong 3 năm liên tiếp.

Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm
Return to top