|
Thí sinh tham dự kỳ thi thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN |
Bà Nguyễn Thu Thủy phân tích, với hệ thống hỗ trợ tuyển sinh hiện nay, dù xét sớm thí sinh vẫn phải nhập tất cả các nguyện vọng lên hệ thống theo kế hoạch của đợt xét tuyển chung, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cuối cùng thí sinh chỉ đỗ ở một nguyện vọng duy nhất, vào một trường duy nhất. Trong khi đó việc xét tuyển sớm tốn kém nhiều nguồn lực của các trường. Thí sinh cũng mất nhiều thời gian, chi phí để đăng ký hồ sơ vào các trường, dù điều đó có thể giải quyết được một phần áp lực tâm lý.
Mục tiêu ban đầu của việc tuyển sinh sớm (như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển) là để tuyển được thí sinh vượt trội, tài năng. Nhưng việc xét tuyển sớm mà các trường đang thực hiện lại phần lớn có lợi cho các em học sinh yếu, khi học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường. Thậm chí, lâu nay việc xét tuyển sớm còn gây bất lợi, thiếu công bằng cho những thí sinh không có khả năng tham gia kỳ thi riêng, không có điều kiện thi các chứng chỉ.
Theo bà Thủy, sau khi tiếp nhận ý kiến chuyên gia, thầy cô giáo, Ban soạn thảo quy chế tuyển sinh sẽ trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm. Khái niệm xét tuyển sớm ở đây là sớm về mặt thời gian, xét tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường có thể sử dụng tất cả phương thức xét tuyển, như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các kỳ thi riêng… Hiện nay, hệ thống chung của Bộ đã hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ việc xét tuyển đại học ở mọi phương thức.
Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ đang lấy ý kiến có quy định các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu.
Khái niệm xét tuyển sớm là chỉ các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Bộ. Việc xét tuyển sớm được nhiều trường tổ chức chức, bằng các phương thức xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí. Những năm gần đây, việc xét tuyển sớm có sự canh tranh khá gay gắt ở các trường top đầu; tuy nhiên cũng có không ít trường lấy điểm đầu vào rất thấp ở các đợt này.
Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm, Bộ dự kiến bổ sung thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với nhóm ngành Sức khỏe, Sư phạm. Điều chỉnh này tạo thuận lợi, công bằng hơn cho các thí sinh tự do. Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ đang lấy ý kiến, điểm sàn ở các nhóm ngành này chỉ dùng điểm học bạ.
Một điểm thay đổi kỹ thuật khác là các trường đại học phải có cách thức để quy đổi điểm tất cả các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung hoặc điểm trúng tuyển tương đương. Khi đó, không còn giới hạn tỷ lệ chỉ tiêu ở các phương thức tuyển sinh mà sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp, ở tất cả các phương thức. Bộ cũng quy định các trường khi xây dựng tổ hợp xét tuyển một ngành, chương trình phải có số lượng môn chung nhất định, đó là những môn học kỹ năng, năng lực cốt lõi của ngành đó.