ClockThứ Năm, 25/08/2022 19:30
Kỷ niệm 55 năm thành lập Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế (1967 - 2022):

Tạo dấu ấn từ đào tạo đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

TTH.VN - 55 năm qua, Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế liên tục gặt hái nhiều thành tựu, thực hiện tốt sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học - công nghệ (KHCN) tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển.

Trường ĐH Nông Lâm đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ các cấpTrường ĐH Nông Lâm trao bằng cho 652 tân kỹ sư và bác sĩ thú yGần 300 đại biểu tham dự hội nghị khoa học trẻ toàn quốc ngành thuỷ sản

Doanh nghiệp đến trường phỏng vấn tuyển dụng sinh viên sắp ra trường tại các ngày hội việc làm hằng năm

Hiệu quả trong đào tạo

Ngày hội việc làm năm 2022 mới đây của nhà trường thu hút 2.772 chỉ tiêu tuyển dụng từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực liên quan, nhiều sinh viên ra trường có đến 2-3 cơ hội việc làm. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và làm đúng với nghề nghiệp trong những năm qua đạt 88% và có ngành lên đến 100% trong vòng 12 tháng sau khi ra trường.

Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đánh giá: “Qua nhiều năm tuyển dụng, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho thấy có kiến thức tốt, chăm chỉ, chịu khó. Nhà trường gắn kết với doanh nghiệp, đưa sinh viên đi thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Mô hình đào tạo theo học kỳ doanh nghiệp này đã giúp sinh viên tiếp cận được với thực tế sản xuất ngay từ khi còn trên ghế nhà trường”.

Theo PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng nhà trường, kể từ khi thành lập, nhà trường không ngừng đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo; đa dạng hóa và mở rộng quy mô đào tạo một cách hợp lý, nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Nhà trường chú trọng gắn đào tạo với thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn với doanh nghiệp từ các khâu đào tạo, thực hành, thực tế, kiểm tra, đánh gia, tuyển dụng.

Tham tán chính trị Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tới thăm và làm việc tại Trường ĐH Nông Lâm

Đến nay trường có 25 ngành đào tạo bậc ĐH, 9 ngành đào tạo tiến sĩ, 11 ngành đào tạo thạc sĩ. Trải qua hơn 55 năm xây dựng và phát triển, trường đã đào tạo cung cấp cho đất nước trên 35.000 kỹ sư, 2.700 thạc sĩ và trên 80 tiến sĩ. Tổng quy mô đào tạo mỗi năm hiện nay trong toàn trường lên đến hơn 5.000 sinh viên hệ ĐH, cùng với hơn 200 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trường có các chương trình liên kết với các doanh nghiệp. Năm 2022, nhà trường đã hoàn thành đào tạo 10 nghiên cứu sinh ngành Chăn nuôi bằng tiếng Anh cho 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam theo chương trình Mekarn 2.

Thế mạnh trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

Theo lãnh đạo ĐH Huế, không chỉ trong đào tạo, nhiều lĩnh vực khác, nhất là nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Nông Lâm cũng tạo ra được nhiều dấu ấn nổi bật.

Tầm nhìn đến năm 2030, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế là trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, là một trong những trường ĐH hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước. Chính vì vậy, lĩnh vực nghiên cứu khoa học luôn là thế mạnh và được nhà trường xem là nhiệm vụ then chốt. Điều này không chỉ là sứ mệnh của nhà trường mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

5 năm qua, nhà trường đã thực hiện 631 đề tài bao gồm: 7 nhiệm vụ quốc gia; 17 cấp bộ; 48 cấp tỉnh; 22 nafosted; 85 cấp ĐH Huế; 164 quy trình KHCN với kinh phí hơn 85 tỷ đồng và thực hiện 224 chương trình, đề tài hợp tác quốc tế. Một trong những nét nổi bật của Trường ĐH Nông Lâm đó là thông qua các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm. Nhà trường đã tiến hành thương mại hóa, xây dựng sản phẩm có thương hiệu của trường như trà hoa sen Huế, măng muối chua, nấm Sò và nấm Vân Chi, giống cá Dìa, hoa Chuông và mô hình hoa Hướng Dương kết hợp du lịch nông nghiệp, phân bón hữu cơ HUAF, dưa lưới HUAF ….

Nhiều sản phẩm Khoa học công nghệ từ kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm

Trung bình mỗi năm nhà trường có xuất bản trên 120 bài báo trong nước và trên 60 bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín. Bên cạnh đó, Tạp chí Khoa học và Công nghệ nông nghiệp được xuất bản từ 3/2017, chỉ sau 5 năm hoạt động đã xuất bản 16 số với 320 bài báo khoa học. Cùng với đó, Tạp chí đã được công nhận, tính điểm trong 4 Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước.

Cùng với nghiên cứu khoa học, hoạt động hợp tác quốc của Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế luôn được duy trì, phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt, đóng góp đáng kể vào kinh phí hoạt động chung của trường, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, hỗ trợ đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, nâng cao uy tín khoa học và thương hiệu của trường trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2015-2020 đã có 34 đề tài, dự án được triển khai với tổng kinh phí đưa vào hoạt động hơn 64 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Nông Lâm cũng là một trong những trường ĐH có thế mạnh về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đối với sinh viên. Thông qua các đề tài sinh viên, sinh viên nhà trường có thể thể hiện niềm đam mê khoa học của mình và phát triển trong tương lai.

 Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế tiền thân là Trường ĐH Nông nghiệp II – Hà Bắc, được thành lập ngày 14/8/1967 theo Quyết định số 124/CP của Hội đồng Chính phủ. Ngày 5/8/1983, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 213/CP chuyển Trường ĐH Nông nghiệp II từ Hà Bắc vào TP. Huế sáp nhập với Trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế thành Trường ĐH Nông nghiệp II - Huế. Ngày 4/4/1994, Chính phủ ra Nghị định số 30/CP thành lập ĐH Huế trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các trường ĐH, Cao đẳng tại Huế. Trường ĐH Nông nghiệp II - Huế được gọi tên là Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế và là một trường ĐH thành viên của ĐH Huế.

Ngày 1/9/2022, nhà trường kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (1967 - 2022), đánh dấu một chặng đường hình thành và phát triển với nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hội nhập và phát triển

PGS.TS. Trần Thanh Đức khẳng định, sau cột mốc 55 năm xây dựng và phát triển, nhà trường tiếp tục xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn, tạo ra nhiều thành tích đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Với giá trị cốt lõi “Đoàn kết - Chất lượng - Trách nhiệm - Sáng tạo - Hội nhập”, Trường ĐH Nông Lâm đang đổi mới và hoàn thiện từng ngày để xây dựng trở thành trường ĐH trọng điểm quốc gia về nông nghiệp, trung tâm đào tạo, khoa học - công nghệ chất lượng cao về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và là một trong những trường ĐH hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước; góp phần chung trên con đường xây dựng ĐH Huế trở thành ĐH quốc gia theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ chính trị.

Bài, ảnh: Hữu Phúc - Ngọc Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách tốt để giữ chân người tài

Từ thuở bình minh của lịch sử, các triều đại đầu tiên xây dựng quốc gia độc lập đều mong mỏi, khao khát nhân tài. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà việc tiến hành lựa chọn nhân tài ra giúp nước được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài luôn đặt lên hàng đầu.

Chính sách tốt để giữ chân người tài

TIN MỚI

Return to top