ClockThứ Hai, 14/10/2024 12:56

Chân dung nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24

TTH.VN - Với màn thể hiện xuất sắc trong trận chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, em Võ Quang Phú Đức, học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã mang vòng nguyệt quế trở về quê hương, trở thành cái tên thứ ba của trường trở thành nhà vô địch sau Hồ Ngọc Hân (năm 2009) và Hồ Đắc Thanh Chương (năm 2016). Báo Thừa Thiên Huế Online có cuộc trao đổi với Phú Đức về cảm xúc của em và những diễn biến trong trận chung kết.

Vòng nguyệt quế dành cho Võ Quang Phú Đức-Nhà vô địch Olympia năm thứ 24Sôi động điểm cầu Olympia năm thứ 24 tại HuếTự tin bước vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia

 Võ Quang Phú Đức vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. Ảnh: Đường lên đỉnh Olympia.

Cảm xúc của em thế nào khi trở thành quán quân của Đường lên đỉnh Olympia?

Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã trở thành nhà vô địch thứ ba của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tại sân chơi này. Em cũng thấy rất vui vì luôn có được sự ủng hộ từ gia đình, các thầy cô và bạn bè trong hành trình tại Đường lên đỉnh Olympia của mình.

Điểm cầu Thừa Thiên Huế đã có những sự chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng để tiếp sức cho Phú Đức trong trận chung kết năm. Phú Đức có cảm xúc như thế nào khi chứng kiến những hình ảnh ở quảng trường Ngọ Môn?

Em bước vào trận chung kết với tâm thế là trận đấu cuối cùng rồi nên cứ hết mình thôi, nhưng cũng không tránh khỏi sự bồn chồn, hồi hộp. Tuy nhiên khi thấy các bạn lật nón và trình diễn đại cảnh về lá cờ tổ quốc thì em đã vững tin hơn. Trong khoảnh khắc ấy, em đã ước mình được xuất hiện tại quảng trường Ngọ Môn để có thể chứng kiến gần hơn những hình ảnh đó. Em cũng đã biết là đầu cầu Thừa Thiên Huế sẽ tái hiện lại lễ truyền lô, một nghi lễ vinh danh những người đứng đầu khoa bảng. Em có tìm xem lại những clip tái hiện lại nghi lễ này ở các kỳ Festival Huế trước đây nhưng không ngờ là trong lần này lễ truyền lô lại được tái hiện sống động và đẹp như thế.

Em luôn thích tìm tòi về văn hóa của quê hương Thừa Thiên Huế và em nghĩ rằng mình may mắn khi quê nhà có nhiều nét văn hóa đặc sắc từ âm nhạc với ca Huế, nhã nhạc cung đình Huế, đến sự đa dạng về kiến trúc; các kỳ Festival luôn hoành tráng, giàu bản sắc và ẩm thực cũng rất ngon nữa. Đó là những giá trị về văn hóa quê hương mà em luôn giữ trong trái tim để nhớ rằng mình là người con xứ Huế.

Bên cạnh đó, em cũng không khỏi xúc động bởi trước trận chung kết năm vài ngày, nhiều bạn bè của em có nhắn tin tâm sự rằng thời tiết đang thay đổi khá thất thường, có mưa lớn, làm cho công tác chuẩn bị, diễn tập ở điểm cầu không thật sự thuận lợi. Có bạn nhắn nhủ rằng: “mang vòng nguyệt quế về Huế nhé, mọi người vì Phú Đức cũng đội nắng đội mưa rất nhiều”. Em nghe vậy thì cảm thấy rất thương các thầy cô và các bạn. Em cũng rất biết ơn công sức của mọi người đã cố gắng truyền lửa từ quê nhà để tiếp sức cho em trong trận chung kết đầy căng thẳng.

 Hình ảnh đại cảnh lá cờ tổ quốc tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Trong trận chung kết, em đã có màn thể hiện rất tuyệt vời, áp đảo ngay từ phần thi khởi động. Em đã chuẩn bị chiến thuật như thế nào cho trận chung kết?

Chiến thuật mà em sử dụng ở trận chung kết năm khá tương đồng với chiến thuật em đã dùng ở trận thi quý 3, đó là cố gắng tạo được lợi thế lớn ở ba phần thi đầu tiên là khởi động, vượt chướng ngại vật và tăng tốc. Trong phần thi về đích thì em sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể để duy trì lợi thế của bản thân mình.

Em đã cảm thấy khá bất ngờ vì mình vươn lên dẫn đầu ở phần thi đầu tiên bởi các câu hỏi khởi động ở trận chung kết năm cũng rất khó và đòi hỏi phải tư duy thật nhanh để trả lời, tuy nhiên điều đó cũng tạo cho em tâm lý tự tin để tiến đến những phần thi tiếp theo.

Bước ngoặt đầu tiên của trận đấu hôm nay nằm ở hai tình huống nhấn chuông của em. Cú nhấn chuông đầu tiên diễn ra ở phần thi vượt chướng ngại vật khi em đã nhấn chuông ngay cả khi đáp án của hàng ngang đầu tiên chưa được công bố. Em đã nghĩ gì trong khoảnh khắc đó?

Ở phần thi vượt chướng ngại vật, khi chương trình đưa ra ẩn số gồm 7 chữ cái, em đã nghĩ đến một số từ khóa như “điểm tựa”, “đoàn kết” và “Net zero”. Sau khi xuất hiện câu hỏi ở hàng ngang đầu tiên, em đã tính ra được câu trả lời là “2050” và lập tức chắc chắn với đáp án “Net zero”, bởi vì đây là một thuật ngữ rất phổ biến hiện nay, đặc biệt đối với những bạn trẻ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thú thật, em đã có một chút phân vân rằng liệu nhấn chuông như vậy có là quá sớm và quá liều lĩnh hay không. Trong hành trình đến với trận chung kết năm của mình, em cũng đã từng nhấn chuông từ rất sớm như vậy ở trận thi tháng nhưng lại không đưa ra được đáp án chính xác. Em đã tự nhủ mình sẽ không lặp lại sự liều lĩnh như vậy và phải thi đấu chắc chắn hơn. Nhưng với việc muốn chiếm được lợi thế lớn trong trận chung kết nên em đã tin vào phán đoán của mình.

 Khoảnh khắc nhấn chuông ở câu hỏi quyết định. Ảnh: VTV

Cú nhấn chuông thứ hai là tình huống quyết định chức vô địch. Trong tình huống đó, chiến thuật của em cụ thế như thế nào?

Em đã từng nhấn chuông giành chiến thắng tương tự ở trận quý 3, nhưng việc tái hiện lại điều đó trong trận chung kết năm là điều em không ngờ đến. Trong tình huống đó, em và Nguyễn Nguyên Phú (học sinh Trường chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội) đang cách nhau 20 điểm, và giá trị của câu hỏi là 30 điểm. Nếu em có thể nhấn được chuông giành quyền trả lời thì em sẽ đạt được 30 điểm nếu đưa ra được đáp án đúng, và bị trừ đi một nửa số điểm của câu hỏi, tức 15 điểm, nếu em trả lời sai. Em và Nguyên Phú cùng quyết định nhấn chuông để giành lấy cơ hội và trong khoảnh khắc ấy em đã may mắn hơn, qua đó bảo toàn được chức vô địch cho bản thân mình.

Em có lời khuyên gì cho những bạn học sinh có đam mê với Đường lên đỉnh Olympia nói riêng và đam mê chinh phục tri thức nói chung?

Em nghĩ rằng, sau những gì đã trải qua, em cũng đã có lúc vấp ngã, có lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục hành trình của mình, nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô và cả các anh chị ở Nguyệt Quế Đỏ đã giúp em vượt qua được trong những thời điểm khó khăn. Em nghĩ rằng, các bạn nên có tinh thần cầu tiến, luôn bền bỉ, không ngừng cố gắng và biết đứng dậy sau khi vấp ngã, quyết tâm hiện thực hóa ước mơ của bản thân.

Dự định của Phú Đức trong tương lai như thế nào?

Em sẽ tập trung hoàn thành chương trình học THPT, bên cạnh đó em cũng sẽ cùng gia đình, thầy cô có những định hướng cho tương lai của mình. Em có ước mơ trở thành một lập trình viên để tạo ra nhiều ứng dụng, nhiều hạ tầng giúp nâng cao đời sống của mọi người và góp phần xây dựng quê hương như bố mẹ em đã và đang làm.

Xin cảm ơn em về những chia sẻ vừa rồi!

ĐĂNG TRÌNH (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top