ClockThứ Sáu, 22/11/2024 11:51
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Nhân lực vừa hồng vừa chuyênĐại học Huế tổ chức tọa đàm kỷ niệm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11Đại học Huế hội đủ điều kiện trở thành Đại học Quốc gia

 Sinh viên Đại học Huế tại cuộc thi robocon 2024

Đội ngũ giảng viên chất lượng cao

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH khẳng định, qua rà soát và đánh giá, phần lớn các tiêu chuẩn, tiêu chí đến thời điểm này, ĐHH đạt yêu cầu theo quy định trở thành Đại học Quốc gia. ĐHH và các đơn vị thành viên đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các đơn vị đã triển khai và giám sát hiệu quả qua bộ chỉ số hoạt động chính, bảo đảm hàng năm có ít nhất hơn một nửa các chỉ số hoạt động chính được cải thiện. Dữ liệu quản lý về người học, các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của ĐHH và các đơn vị thành viên được kết nối liên thông, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời và nhất quán trên hệ thống dữ liệu quản lý đại học. Đối với tiêu chuẩn này, ĐHH và các trường đại học thành viên đáp ứng cả 4/4 tiêu chí.

Nhiều năm qua, ĐHH và các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc chăm lo đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn. Có nhiều giảng viên được cử đi tu nghiệp, đào tạo trình độ ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Thống kê của ĐHH cho thấy, hiện ĐHH có 1.876 giảng viên, trong đó có 214 GS, PGS, 807 TS, đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHH đã đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chất lượng thể hiện qua nhiều thành quả trong đào tạo, nhiều sự ghi nhận, bằng khen cao quý của Chính phủ, bộ, ban ngành Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, nếu xét theo từng đơn vị thì một số đơn vị chưa đạt chuẩn về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian (giảng viên cơ hữu kết hợp giảng viên ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 12-36 tháng), có trình độ tiến sĩ.

ĐHH đang tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ giảng viên tại một số đơn vị chưa đạt chuẩn, nhằm đảm bảo theo đúng quy định về chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Từ đó cùng với toàn ĐHH đạt tiêu chuẩn Đại học Quốc gia.

ĐHH hiện đã có 7/8 trường đại học thành viên được công nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học theo quy định của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng một trường đại học thành viên còn lại chưa tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian tới, ĐHH sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên để tất cả các trường đại học thành viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo quy định.

ĐHH và các trường đại học thành viên là những trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu ở miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian trung bình 1,2 bài/năm, trong khi tiêu chuẩn quy định chỉ 0,6 bài/năm.

Cơ sở vật chất, tài chính đáp ứng yêu cầu

 Đánh giá của Bộ giáo dục và Đào tạo cho thấy, ĐHH và các trường đại học thành viên có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy và hơn 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng, đảm bảo chuẩn theo quy định.

Số bản sách giáo trình, sách chuyên khảo tính bình quân trên một ngành đào tạo, mỗi người học ở mỗi trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến đảm bảo theo quy định trong tổng số học phần giảng dạy trong năm. Dung lượng đường truyền Internet trên một nghìn người học cao hơn mức trung bình tốc độ mạng băng rộng cố định của Việt Nam. Đối chiếu tiêu chuẩn này, ĐHH và các đơn vị thành viên đáp ứng cả 4/4 tiêu chí.

ĐHH và các trường đại học thành viên duy trì cân đối tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững. Chỉ số tăng trưởng bền vững cho thấy, tình hình tài chính của ĐHH đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học ban hành theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT và có đủ khả năng đối ứng kính phí trong tổng mức đầu tư để xây dựng, mua sắm trang thiết bị trong thời gian tới.

Nguồn tài chính của ĐHH có sự tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng trung bình từ 5-10%/năm, chủ yếu là các nguồn thu sự nghiệp và dịch vụ ngoài ngân sách nhà nước cấp. Mức độ tự đảm bảo kinh phí chi hoạt động của ĐHH trung bình từ 72% đến 75%, trong đó nhiều trường đại học thành viên có mức tự đảm bảo trên 90%. Điều đó chứng tỏ năng lực tài chính ĐHH ngày càng cao trong điều kiện ngân sách được cấp ngày càng giảm.

Những năm gần đây, sức hút của ĐHH đối với người học rất lớn, như tỷ lệ nhập học trên số chỉ tiêu công bố trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm tính trung bình trong ba năm gần nhất đạt hơn 85%, trong khi tiêu chuẩn là chỉ 50%. Quy mô đào tạo năm 2024 cao hơn so với ba năm trước. Tỷ lệ người học tốt nghiệp trong thời gian không chậm quá 2 năm so với kế hoạch học tập đạt 80% (chuẩn 60%), trong đó tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn đạt hơn 60% (chuẩn 40%). Tỷ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm phù hợp, hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt gần 80%...


Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luật Nhà giáo & sự mong chờ của giáo viên

Dự thảo Luật Nhà giáo với những chính sách mới, đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo nhận được sự quan tâm của đông đảo giáo viên. Những chính sách tốt hơn dành cho nhà giáo là động lực để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề.

Luật Nhà giáo  sự mong chờ của giáo viên

TIN MỚI

Return to top