ClockThứ Sáu, 01/11/2024 21:01

Đại học Huế hội đủ điều kiện trở thành Đại học Quốc gia

TTH.VN - Đó là khẳng định của lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tại hội thảo “30 năm tái lập và phát triển Đại học Huế (ĐHH) thành Đại học Quốc gia, do ĐHH tổ chức chiều 1/11.

Đại học Huế gặp mặt các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳDấu ấn Trường ĐH Sư phạm trong 65 năm xây dựng và phát triển

Toàn cảnh hội thảo “30 năm tái lập và phát triển ĐHH thành Đại học Quốc gia

Đến dự hội thảo có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan; lãnh đạo ĐHH qua các thời kỳ và các đơn vị thành viên, thuộc, trực thuộc ĐHH.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH cho rằng, ĐHH là một trong ba đại học vùng trong cả nước, là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm các cơ sở giáo dục đại học, viện thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc; tổ chức theo hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với các trình độ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền và cả nước.

Năm 1994, khi mới tái thành lập, ĐHH chỉ có 1.592 công chức, viên chức và lao động; trong đó có 27 giáo sư, phó giáo sư, 74 tiến sĩ, 79 thạc sĩ. Song đến nay, số lượng đội ngũ trình độ cao của ĐHH tăng hơn 9 lần so với cách đây ba mươi năm.

Truyền thống, vị thế và vai trò của ĐHH tích lũy trong gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho ĐHH tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia. Tính đa ngành, đa lĩnh vực trong đào tạo của ĐHH được đánh giá là đặc biệt rõ nét nhất với đầy đủ các ngành, nhóm ngành đào tạo.

Năm 1996, ĐHH có 60 ngành đào tạo đại học, 30 chuyên ngành đào tạo cao học với quy mô đào tạo 19.655 sinh viên, học viên. Năm 2024, ĐHH có đến 142 ngành đào tạo đại học, 88 ngành đào tạo thạc sĩ và 53 ngành đào tạo tiến sĩ, 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II, 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.

Quy mô đào tạo của ĐHH năm 2024 có 54.175 sinh viên, 4.148 học viên cao học, 602 nghiên cứu sinh. Những con số này không chỉ phản ánh năng lực đào tạo của ĐHH, mà còn cho thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của ĐHH trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Phấn đấu trở thành cơ sở trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam

Cuộc thi robocon do ĐHH tổ chức thể hiện tư duy, sáng tạo của sinh viên ĐHH 

PGS. TS. Lê Anh Phương thông tin, từ năm 1994 đến nay, ĐHH chủ trì thực hiện hơn 310 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, gồm các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài độc lập, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; gần 1.100 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, hàng năm còn có các đề tài khoa học cấp ĐHH từ nguồn kinh phí cân đối của ĐHH, với số lượng 70-80 đề tài trong các năm đầu và gần đây tăng lên 100-140 đề tài mỗi năm.  

Từ năm 2018 đến nay, ĐHH thành lập 52 nhóm “nghiên cứu mạnh” cấp ĐHH. Sản phẩm từ hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh, không chỉ đóng góp lớn trong việc công bố nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS/Scopus Q1/Q2, Scimago), mà còn hỗ trợ đào tạo nghiên cứu sinh, cũng như góp phần trong hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Giai đoạn 2021-2026, ĐHH sẽ thành lập được 1-2 nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo Nghị định 109/2022/NĐ-CP.

Giai đoạn 2019-2023, ĐHH có 41 sản phẩm khoa học và công nghệ được chuyển giao, thương mại hóa cho các địa phương, doanh nghiệp với giá trị gần 6 tỷ đồng; 21 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Hiện đang có 195 sản phẩm công nghệ, trong đó 35 sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa cao. Các giải pháp thăm, khám và chăm sóc sức khỏe được ứng dụng trực tiếp thông qua Bệnh viện Trường đại học Y - Dược, ĐHH là bệnh viện hạng I với 700 giường bệnh.

Hiện nay, ĐHH đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với hơn 400 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới; thực hiện 21 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các đại học nước ngoài. Giai đoạn 2015 - 2023, ĐHH cử 2.788 cán bộ đi học tập (ngắn hạn, dài hạn) và công tác tại các trường, tổ chức, cơ quan hàn lâm quốc tế; tiếp nhận một số lượng lớn chuyên gia, giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu, tham dự chương trình hợp tác, giới thiệu chương trình học bổng...

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao những thành tựu mà ĐHH đạt được trong 30 năm hình thành và phát triển. Đặc biệt, thống nhất cao các tiêu chí, thành tựu của ĐHH đến nay hội tụ đủ các điều kiện trở thành Đại học Quốc gia.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu, ĐHH cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế. Việc định hướng, phát triển ĐHH trở thành Đại học Quốc gia là bước đi chiến lược, không chỉ nâng cao vị thế của ĐHH mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung-Tây nguyên, góp phần phát triển kinh tế- xã hội chung của toàn vùng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học
Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Với phương châm “Thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, huyện Quảng Điền sớm ban hành Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện.

Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

TIN MỚI

Return to top