ClockThứ Năm, 16/11/2017 14:13

Cánh cổng điện tử vẫn còn vắng tin

TTH - Chỉ cần một bản thông báo đưa lên website của trường (như một vài trường ở trung tâm TP. Huế đã làm) là có thể tránh tình trạng nháo nhác hỏi nhau của phụ huynh, một số học sinh ở xa không phải đạp xe đến trường rồi trở về khi mà nước lũ đã lên quá nguy hiểm.

Qua bao mùa bão lũ, phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Cũng qua bao mùa bão lũ, ai cũng thấy có một thứ rất cần thiết để chủ động ứng phó bão lũ, và là thứ cần có đầu tiên, đó là: thông tin. Trước mỗi trận bão lũ, người dân rất cần thông tin kịp thời để ứng phó. Vậy thì, với trận lụt vừa rồi, họ nhận thông tin từ đâu?

Một công chức cho biết anh nhận tin nhắn của hãng cung cấp dịch vụ điện thoại rồi đọc thêm thông tin của các báo mạng. Một doanh nhân trẻ cho biết anh nghe trên mạng xã hội facebook họ báo nhau “dọn lụt”. Những người dân trong Thành Nội (Huế) cho biết họ nghe loa phường phát thông báo. Một số người thì cho biết họ nghe thông báo trên truyền hình TRT và VTV8. Một người dân ở làng thì nhờ đứa con ở TP. Huế gọi về báo tin...

Chỉ một mẫu kiểm tra nhỏ với một nhóm người, cho thấy người dân bây giờ đã dễ dàng tiếp cận với thông tin bão lụt, nhất là người dân ở thành phố, nhờ sự kết nối rất nhanh của internet. Thế nhưng, buổi sáng 6/11 vẫn có những phụ huynh lội nước lụt chở con đến trường, rồi vội vàng quay trở về vì đến nơi mới biết trường cho nghỉ học. Họ cho hay có nghe tivi báo lụt nhưng không biết trường có cho nghỉ học không, “cháu nó sợ cô la nên không dám nghỉ học”. Một số phụ huynh nhờ gọi cho giáo viên chủ nhiệm mới biết trường cho nghỉ học, một số học sinh THPT thì gọi điện cho thầy giám thị, một số thì biết qua facebook của đoàn trường, hoặc facebook của thầy cô giáo... Chung qui, thông tin thì nhiều, thậm chí quá nhiều, nhưng cần nhất là một nguồn thông tin chính thống của ban giám hiệu thì lại phải đến lội tận trường mới biết.

Website là cổng thông tin điện tử của các trường học, nhưng cánh cổng điện tử này hiện vẫn còn vắng vẻ, giữa thời thông tin điện tử đã trở nên thông dụng. Hầu như phần lớn phụ huynh, giáo viên và cả học sinh THPT, hiện đã có điện thoại thông minh (smartphone). Chỉ cần một cú chạm là có thể đặt chân vào cánh cổng điện tử của trường, nhưng vào rồi thì cũng phải ra ngay, vì chẳng có mấy thông tin thật sự dành cho phụ huynh và học sinh.

Cũng trong những ngày lũ lụt vừa qua, mạng xã hội facebook đã phát huy tối đa tác dụng truyền tin của nó. Nhiều người đã nhờ thông tin trên tài khoản facebook của ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh mà biết được diễn biến lũ lụt. Nhưng cũng trên facebook đã lan truyền thông tin “siêu bão Haiyan” sắp đổ bộ vô Huế, khi mà nước lụt vẫn đang dâng cao. Nhiều người hoảng hốt do không biết đó chỉ là tin đồn nhảm, vì bão Haiyan đã diễn ra từ hồi tháng 11/2013.

 Cổng điện tử đang rất thiếu thông tin. Chưa kể nhiều cánh cổng không thể vào được vì hạ tầng kỹ thuật quá yếu. Và hầu như, phần lớn cổng thông tin điện tử hiện nay chưa chạy ứng dụng dành cho điện thoại thông minh. Không chỉ “cổng trường điện tử” mà cả những cánh cổng của “chính quyền điện tử” ở cơ sở cũng đang như vậy. Đề án chính quyền điện tử đã hoàn tất với một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Đến lúc này, tất các các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã đều đã có cổng thông tin điện tử. Nhưng nếu xảy ra bão lũ, thử vào cổng điện tử của các xã, huyện mà xem có thông tin gì về bão lũ cho người dân hay không? Hay lại phải chờ ông trưởng thôn, trưởng tổ dân phố cầm loa tay đi thông báo? Hay lại lên facebook và lại bị lừa vì tin đồn nhảm như vừa xảy ra trong trận lụt vừa rồi?...

MINH ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết

Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết
Học sinh vui Tết, đón xuân

“Tết đoàn kết – phiên chợ nghĩa tình” là hoạt động trải nghiệm Tết Huế dành cho các em học sinh của Trường tiểu học Vĩnh Ninh (Quận Thuận Hóa), diễn ra ngày 24/1.

Học sinh vui Tết, đón xuân
TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS NGUYỄN TRI PHƯƠNG:
Giữ nguyên phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) kèm Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT, việc tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương vẫn không thay đổi, giữ nguyên phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Giữ nguyên phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh
“Dạy người”

Việc cân bằng “dạy chữ” và “dạy người” theo định hướng phát triển năng lực người học giúp học sinh phát huy những phẩm chất tốt đẹp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Dạy người”

TIN MỚI

Return to top