ClockThứ Sáu, 02/08/2024 07:31

Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trong dịp hè

TTH - Năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng giảng dạy sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 5, 9 và 12. Để chuẩn bị cho công tác dạy học với SGK mới, việc tập huấn cho giáo viên nắm vững nội dung, cấu trúc chương trình và phương pháp dạy học rất quan trọng.

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng chuyên môn ở bậc mầm non

 Việc bồi dưỡng kiến thức, tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới trong dịp hè giúp giáo viên nắm vững chương trình,chuẩn bị cho năm học mới

Yêu cầu cần thiết

Trong tháng 7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với các nhà xuất bản (NXB) tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng sử dụng SGK mới cho cán bộ quản lý và giáo viên tham gia giảng dạy các lớp 5, 9 và 12 trên toàn tỉnh. Hàng nghìn giáo viên được tham gia tập huấn sử dụng bộ sách Cánh diều do Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Huế và NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn; các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam. Các sách tiếng Anh Learn Smart World và Global Success cũng có chương trình tập huấn riêng.

Bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, ngoài cung cấp thông tin về điểm mới của SGK lớp 5, 9 và 12; nội dung, cấu trúc, tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới được thể hiện trong sách…, giáo viên còn được các chuyên gia giới thiệu các nguồn tài liệu hỗ trợ giáo viên sử dụng, dạy học theo SGK mới, phiên bản điện tử SGK, sách giáo viên, sách bổ trợ, tài liệu tập huấn bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK của từng môn học, clip bài học minh họa, học liệu điện tử…

Ông Đoàn Văn Ninh, Phó Tổng Giám đốc VEPIC cho biết, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK được các đơn vị liên kết xuất bản đặc biệt coi trọng. Tập huấn, bồi dưỡng không chỉ phát triển năng lực cho giáo viên mà còn tạo nền tảng vững chắc để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc. Với phương châm hỗ trợ giáo viên mọi lúc mọi nơi, Công ty VEPIC đã, đang và sẽ đáp ứng tất cả nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, kể cả tập huấn, bồi dưỡng theo chuyên đề của các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Việc tập huấn là yêu cầu thiết thực nên các giáo viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ lịch tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cấu trúc, nội dung của từng bộ sách chính là điều kiện thuận lợi để giáo viên có cái nhìn vừa tổng quát vừa chi tiết đối với khối lớp sử dụng SGK mới. Từ đó, giúp cán bộ quản lý và giáo viên nắm vững kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng tâm thế dạy học SGK các lớp cuối cấp 5, 9 và 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới

Năm học 2024 - 2025, chương trình lớp 5 của Trường tiểu học Đông Nam Sơn (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) lựa chọn sử dụng cả SGK Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Vì thế, mùa hè này, cô giáo Hồ Thị Hiền, giáo viên Trường tiểu học Đông Nam Sơn tham gia 2 đợt tập huấn của VEPIC và NXB Giáo dục.

“SGK lớp 5 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều nội dung mới, sáng tạo và nâng cao kiến thức hơn so với chương trình cũ. Một số môn học giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với các chủ đề gần gũi. Điều này đòi hỏi giáo viên và học sinh làm việc nhiều và phải tìm hiểu trước khi lên lớp để có tiết dạy hay. Trước khi dạy sách mới, giáo viên cần được tập huấn để biết chương trình thay đổi như thế nào, hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu từng môn học. Từ đó, bám sát nội dung SGK mới, xây dựng kế hoạch bài giảng, thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp”, cô Hiền nói.

Nghỉ hè không đơn thuần là thời gian nghỉ ngơi đối với giáo viên, mà còn là thời gian để trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các lớp tập huấn. Từ đó, giúp giáo viên nắm vững nội dung SGK mới, đồng thời trang bị kỹ năng giảng dạy phù hợp. Theo ông Mai Anh Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT, việc nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn đối với cán bộ quản lý, giáo viên là công việc thường xuyên. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi thực hiện chương trình giáo dục mới. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những đổi mới căn bản trong mục tiêu, phương pháp và nội dung đòi hỏi giáo viên không ngừng học tập, cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Bên cạnh truyền đạt kiến thức, các lớp tập huấn còn là dịp để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng SGK mới. Ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho hay: “Năm học vừa qua, giáo viên lớp 5 vẫn còn dạy chương trình cũ nên việc tập huấn SGK mới rất quan trọng. Giáo viên vừa nghiên cứu chương trình các lớp 1, 2, 3, 4 và có cơ hội nối tiếp chương trình mới của lớp 5 để định hướng tốt cho năm học tới. Như vậy là hoàn thành kế hoạch 5 năm thay sách và thay đổi tư duy, cách tổ chức mới đối với chương trình và SGK hiện tại”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luật Nhà giáo & sự mong chờ của giáo viên

Dự thảo Luật Nhà giáo với những chính sách mới, đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo nhận được sự quan tâm của đông đảo giáo viên. Những chính sách tốt hơn dành cho nhà giáo là động lực để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề.

Luật Nhà giáo  sự mong chờ của giáo viên
Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

Từ ngày 27-29/11 tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho giáo viên tiếng Pháp cấp tiểu học.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

TIN MỚI

Return to top