ClockThứ Bảy, 21/04/2018 10:23

Vì thứ bảy trời mưa

TTH - Sáng thứ bảy, trời mưa. Cơn mưa điển hình của xứ Huế. Không ào ạt, đủ để nghe rõ tiếng mưa rơi gõ liên tục trên mái tôn. Nhìn qua cửa sổ đoán chắc cơn mưa cuối tuần này sẽ khó mà tạnh trong một ngày.

Bạn đời

Sáng nay quán cà phê quen vắng khách. Có lẽ vì trời mưa nên khách đến muộn. Tôi độc chiếm cả một khung cửa sổ lộng gió trên tầng hai. Bên kia đường, cây muối đang trổ những lá xanh non. Trong màn mưa bay bay, tôi nhìn thấy những chiếc lá muối non màu xanh ngọc đang chạy nhảy, nô đùa; những chiếc lá phượng nhỏ đang chao liệng trong gió. Lạ là hình như tôi nghe thấy những tiếng cười trong trẻo của lá. Tôi cảm thấy hơi lạnh vì ướt mưa nhưng lá vẫn cười, lá không thấy lạnh.

Đã một thời tôi cũng không thấy lạnh khi dầm mưa.

Cả tụi nhỏ trong xóm háo hức chờ mưa thì đúng hơn. Đó là những buổi chiều mùa hạ nóng nực, bầu trời xanh chuyển màu mây xám, rồi những ánh chớp lóe lên, tiếng sấm ì oàng từ xa vọng đến, sợ đến thót tim. Rồi “ông Thiên lôi cũng dừng cơn thịnh nộ khi đi trị kẻ xấu”- như lời mạ giải thích về sấm sét- tiếng mưa rơi trên mái, lớn dần và mạnh mẽ. Mạ cầm chân tôi trong nhà “Đợi tí đã con để nước trôi đi hết “cái độc” rồi đi tắm mưa”. Thời ấy, tắm mưa là phương thuốc hữu hiệu của các bà mẹ để trị rôm sảy nổi đỏ cả lưng, cả cổ, cả tay chân của tụi nhỏ chúng tôi. Sau mỗi lần được tắm mưa như thế đúng là từng mảng rôm sảy lặn hết, giấc ngủ của tụi tôi vào ban đêm cũng nhờ thế mà bớt quẫy đạp vì nóng.

Hôm ấy cả bầy chạy tắm mưa, hò hét, gọi nhau í ới. Bỗng Cu Em- ông chú bằng tuổi 12-13 của tôi- đạp mảnh chai. Máu loang nhanh trên nền bàn chân da đã mỏng đi vì bợt bạt dầm mưa. Cả bọn sợ hãi không thốt nên lời. Cu Em bặm môi, nín đau, cười anh hùng “không đau, chạy vô mệ Khánh xin thuốc rịt”. Gói thuốc lá Cẩm Lệ của mệ Khánh đổ tung tóe trên nền nhà khi rịt vết thương cho Cu Em. Máu ngừng chảy ngay lập tức. Cả bọn xìu như bong bóng xịt hơi, tự nhiên cuộc tắm mưa tan rã.

Sau cú đạp mảnh chai mà không kêu đau ấy, trong mắt bọn tôi chú Cu Em như một anh hùng. Sau lần ấy, chú bỗng trở thành người lớn, chú không còn giành những trái trứng cá chín mọng với bọn tôi, chú cũng nhường con ve ve vừa chọc được cho tụi tôi chơi và cũng thường để dành những củ khoai, hay kẹo mè mà mẹ chú mua cho mỗi khi đi chợ về.

Mưa vẫn rơi bên ngoài khung cửa sổ. Dưới đường, xe cộ bắt đầu nhiều hơn,  những vòng xe mưu sinh vẫn miệt mài dưới mưa. Huế dạo này đã nhiều xe hơi hơn trước đây nên con đường nhỏ bỗng trở nên chật chội khi hai xe đi ngược chiều nhau. Nếu có ai nhìn lên chắc sẽ thấy mắc cười lắm vì bên cửa sổ là một khuôn mặt già- là tôi- đang đưa hai tay đỡ lấy cằm nhìn mưa rơi mê mải. Trong màn mưa ấy, tôi nhớ về cái cầm tay rụt rè của người bạn hàng xóm khi dẫn tôi chạy nhanh qua biền sắn nhà mình để kịp chơi trò năm-mười và cả khi gân cổ lên cãi lại tụi bạn vì đã chơi gian với tôi.

Gọi cho mình ly cà phê đen- để tập làm quen với vị đắng- nhưng sao nó vẫn ngọt ngào…. Và cơn mưa sáng thứ bảy này, những ướt át bỗng tan biến đi đâu hết.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài Đông Ba, nét đẹp cuối tuần

Với phong trào “Áo dài ngày thứ Bảy”, chị em tiểu thương chợ Đông Ba đã lan tỏa tình yêu áo dài và tạo nên một nét đẹp rất riêng ở chợ Đông Ba suốt gần 3 năm nay.

Áo dài Đông Ba, nét đẹp cuối tuần
Một chiều xứ Huế

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh.

Một chiều xứ Huế
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

TIN MỚI

Return to top