ClockThứ Bảy, 13/05/2023 15:46

Về đâu, bánh đúc mật?

TTH - Hôm ấy ngang qua đường Trường Chinh (TP. Huế), tôi chợt trông thấy bóng hình quen quen, một mệ già tóc bạc phơ chừng bảy lăm, tám mươi đang ngồi nghỉ bên đôi quang gánh. Đến gần hơn, tôi mới nhận ra đó là mệ Gái bán bánh đúc mật mà nhiều bạn trẻ giới thiệu trên Tiktok.

Sôi nổi hội thi làm bánh bèo, nậm, lọc truyền thốngHiền như… bánh nậm!

leftcenterrightdel
 Bánh đúc mật

Tìm mệ đã lâu mà chưa “hữu duyên” được gặp, nay tôi đã có cơ hội thưởng thức món ăn đặc biệt này rồi. Tôi mua một phần bánh vừa. Mệ dùng chiếc dao gọt trái cây cắt từng miếng bánh hình thoi từ mẻ bánh tròn lớn, đặt vào hai mảnh lá chuối, rồi túm gọn hai đầu.

Đã có tuổi nên lát cắt của mệ không được "ngọt" cho lắm, hơi gồ ghề, xô xảm, nhưng thao tác chậm rãi và đầy chăm chú. Mệ dùng chiếc thìa gỗ xoắn đều mật mía, từng thớ chất lỏng chảy vào chiếc hũ nhựa nhỏ, sau đó mệ cho tất cả vào bì nilong, kèm thêm chiếc xiên tre để khách ăn cho sạch sẽ. Cầm bịch bánh mệ đưa trên tay, tôi cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm vui nho nhỏ, cứ như được quay trở lại thời xa vắng.

Cả Huế này có lẽ chỉ còn mỗi mệ Gái là gắn bó với món ăn dân dã này. Người ta chuộng bán những món ăn nổi tiếng của Cố đô như bánh nậm, bánh lọc, bún bò, bún hến, chè bột lọc heo quay,… hay những món ăn vặt ngoại nhập có hương vị hấp dẫn, lôi cuốn chứ bánh đúc mật mía, xôi bánh dày, bánh cuốn tôm chua… thú thật tôi cũng chỉ mới biết đến gần đây.

Khẩu vị hiện đại đã thay đổi chăng, khi thực khách không còn muốn mất quá nhiều thời gian thưởng thức trọn vẹn hương vị món ăn, chuộng những thứ nhiều phụ gia và kích thích vị giác. Bánh đúc mật quả thật không dễ ăn, cảm nhận ban đầu của một số người là bánh hơi nhạt, hầu như chẳng có vị gì. Nhưng đến miếng thứ hai, thứ ba, mới cảm nhận được sự thuần khiết, tinh tế và nét duyên ngầm của bánh, cảm giác như đứng giữa đồng lúa quê hương đang mùa chín rộ.

Tôi tự thưởng cho mình một buổi sáng cuối tuần vui vẻ, trải nghiệm bánh giữa quán cà phê sân vườn quen thuộc, có cỏ cây hoa lá và hồ cá koi trong vắt, hữu ý gọi một ly trà gừng cho đúng điệu “trà đắng phải đi kèm với bánh ngọt”. Tôi cẩn thận mở lớp lá chuối, từng chiếc bánh xinh xinh hiện ra trước mắt, mùi thơm thoang thoảng, tự nhiên lan tỏa. Bánh có màu xanh lá mạ nhàn nhạt nhờ được ướp với lá bồn bồn; độ mềm, nhẹ, sánh của bột bánh kết hợp hài hòa với phần mật mía ngọt thanh, tròn vị.

Bánh đúc mật mía bùi và hơi beo béo, “tiền thân” là bột gạo nên ăn vào nhẹ bụng và thanh nhã, không gây cảm giác ngai ngái nơi hậu vị. Bánh rất lành, lành như chính cái tên gọi chân phương của nó: “bánh đúc”. Tôi vốn sở hữu cái bụng “thử độc” nên ăn món gì khó tiêu chút là dạ dày liền réo rắt, nhưng bánh của mệ khiến “lòng” tôi êm ái và dễ chịu.

Đáng nói là, điều mộc mạc và đáng trân quý đó lại đang phủ dần lớp bụi thời gian. Ngày hôm ấy, ngoái nhìn lại bóng dáng nhỏ bé dần xa xăm của mệ, tôi thầm nghĩ: “Huế giờ chỉ còn mệ bán bánh đúc mật, mệ cũng gần đất xa trời rồi mai đây món ăn này sẽ thất truyền sao. Rồi đến một ngày, lẽ nào chúng ta chỉ có thể nhớ đến mệ như “nghệ nhân” làm bánh đúc mật cuối cùng của Cố đô thôi ư ?”.

Bài, ảnh: THỤC ĐAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế
Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong, ngoài nước và mới đây, UBND TP. Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top